Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phù điêu có giá trị quý thời mỹ thuật Đông Dương bị "nhốt”: Kêu gọi và chung tay “GIẢI CỨU”

Thứ Hai 10/06/2019 | 11:04 GMT+7

VHO-Những ngày gần đây giới mỹ thuật lại một lần nữa lên tiếng “kêu cứu” cho những bức phù điêu quý nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Chuyện không mới, bởi cách đây nhiều năm, các nhà quản lý và giới chuyên môn đã từng kiến nghị cấp có thẩm quyền để “giải cứu” những bức phù điêu giá trị này. Nhưng mọi việc vẫn bị “đắp chiếu”… 

Hơn nửa thế kỷ qua, những bức phù điêu rất có giá trị về lịch sử, văn hoá và đặc biệt là mỹ thuật đã bị “nhốt kín”, chưa có cách gì để công chúng được chiêm ngưỡng. Trong ảnh: Phải rất khó khăn mới chụp được một góc bức phù điêu Ảnh: H.N 

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), đây là những bức phù điêu không chỉ đẹp về mặt tạo hình mà còn có giá trị về lịch sử, nơi lưu giữ dấu ấn thời gian của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, một giai đoạn hoàng kim của mỹ thuật Việt Nam. 
Phù điêu “thoi thóp” thở 
Thực trạng được ghi nhận hiện nay là các bức phù điêu đang bị “giam” trong một khe hẹp và tối, chất đầy dây cáp, cục điều hòa. Nhà nghiên cứu mỹ thuật độc lập, TS Phạm Long cho biết đây là những bức phù điêu được các giáo sư và sinh viên khóa 1 và khóa 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có tác giả Vũ Cao Đàm sáng tác nhằm trang trí cung Đông Dương tại Đấu xảo thuộc địa quốc tế năm 1931, Paris, Pháp. Giới chuyên môn cũng nhận định, trong những di sản của nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam, đây là những bức phù điêu đặc biệt giá trị bởi rất hiếm có những tác phẩm sáng tác trong giai đoạn hình thành và phát triển của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, số lượng các nhà điêu khắc được đào tạo trong giai đoạn này lại càng hiếm. 
“Từ hàng chục năm nay, trong giới mỹ thuật Hà Nội nói chung và người dân Thủ đô nói riêng vẫn lan truyền câu chuyện có hai bức phù điêu khổng lồ nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình hoạ của Trường Mỹ thuật Việt Nam, cũng là một ngôi nhà còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Rất đáng tiếc, đoạn phố chạy dọc theo hông trường mỹ thuật này- nơi có bức tường gắn hai bức phù điêu, từ lâu đã bị một Bộ, ngành rào chắn lại. Cư dân quanh trường và sinh viên mỹ thuật vẫn gọi đây là “phố cấm”. Chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960, khi “phố chưa cấm” thì mới có cơ hội trông thấy rõ hai bức phù điêu...”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long kể. Ông cũng chia sẻ việc đã có trong tay những hình ảnh quý hiếm về hiện trạng của hai bức phù điêu bị ẩn này. 

 Bức phù điêu kích thước lớn của thời kỳ đầu Mỹ thuật Đông Dương đang bị “nhốt” 

Dọc theo bức tường có các phù điêu là một tòa nhà được sử dụng làm văn phòng của Bộ Công an, khoảng cách giữa bức phù điêu và tòa nhà chỉ còn một khe nhỏ, hẹp, lối vào từ hai đầu đều bị bịt kín. Được đánh giá có giá trị đặc biệt thế nhưng hiện trạng này nhiều năm qua đã khiến cho những bức phù điêu mang dấu ấn nghệ thuật một thời chỉ còn có thể “thở” một cách “thoi thóp”. Có lẽ chỉ bằng cách trèo lên trần ngôi nhà mới có thể chiêm ngưỡng được những bức phù điêu quý mà thôi. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, ông không nhớ rõ nhưng cách đây khoảng 6-7 năm, chính ông là người đã xin phép Bộ Công an trực tiếp trèo lên mái nhà cấp 4 để tiếp cận các bức phù điêu và chụp lại những hình ảnh quý về các bức phù điêu. 
Cách đây khoảng 3-4 năm, khi Bộ Công an phá những ngôi nhà tạm cũ cạnh bức tường có phù điêu để xây mới một dãy nhà 1 tầng như hiện nay, nhiều giáo viên, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có cơ hội một lần chiêm ngưỡng những bức phù điêu này. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (Paris, Pháp) thông tin cho báo chí, khi tìm hiểu tài liệu do họa sĩ Victor Tardieu để lại, ông đã biết sự hiện diện của các bức phù điêu này. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi tìm lại các tài liệu lưu trữ và nhận thấy, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã chuẩn bị việc tham dự triển lãm Thuộc địa Paris 1931 từ ngày 16.3.1929, theo báo cáo của Victor Tardieu. Ngày 12.10.1929, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã có sơ đồ triển lãm Paris dưới công văn số 506. Theo báo cáo của Tardieu, với số hiệu 506D, một phù điêu trang trí sảnh lớn của Cung Đông Dương (Palais Indochine) do ba sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương là Georges Khánh, Vũ Cao Đàm và Lê Tiến Phúc thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Charles-Jean Christian. Phù điêu có chiều dài 39m, cao 2m. 
“Giải cứu” di sản nghệ thuật quý hiếm 
Về việc này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, những bức phù điêu ấy là di sản văn hóa chứa đựng rất nhiều giá trị nhưng nó đã bị kẹt giữa hai bức tường do Bộ Công an xây nhà nên mới “áp vào phù điêu”. Bộ cũng khoanh vùng “cấm” đoạn phố Trần Quốc Toản nối ra đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn). Vì vậy, việc tiếp cận, ngắm nhìn những bức phù điêu cho đến hiện tại là gần như không thể. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, khi còn là đại biểu Quốc hội, ông đã nhiều lần lên tiếng, kiến nghị về việc này. Nếu mở con đường đó trở lại thì người dân đi qua được chiêm ngưỡng phần sau của Trường Mỹ thuật và phù điêu sẽ rất ý nghĩa. 

 Ba sinh viên Lê Tiến Phúc, Georges Khánh và Vũ Cao Đàm trước phác họa bức phù điêu (lưu trữ Victor Tardieu) 

Tiếc nuối và trăn trở, nhiều nhà chuyên môn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành khảo sát để đưa ra các biện pháp “giải cứu” nhằm bảo vệ tốt nhất di sản nghệ thuật hiếm có này. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đề nghị nên chuyển bức phù điêu này vào Bảo tàng để tránh tình cảnh phải dầm mưa dãi nắng. Còn nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Long cho rằng, các cơ quan chức năng cần đánh giá hiện trạng vật lý và giá trị di sản của các phù điêu này. Hồ sơ để công nhận di sản và tìm phương án bảo tồn tối ưu nhất cho hiện vật là điều rất cần thiết. Theo ông, phương án bảo tồn nguyên trạng trên tòa nhà hiện nay là tốt nhất, vì giữ được phù điêu và cả tòa nhà còn lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương- kiến trúc độc đáo về một xưởng vẽ thời kỳ 1929-1930. 

Phương án khác, nếu không bảo tồn được nguyên trạng thì đề xuất Bộ Công an cho phép Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào đổ khuôn để làm một phiên bản khác phục vụ học tập, nghiên cứu. Được biết, trước đây lãnh đạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Công an xin phép cho nhà trường được sang để đổ khuôn lại phù điêu nhưng chưa nhận được hồi âm. Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng cho biết, cách đây đã rất lâu và không còn nhớ chính xác thời gian ngày, tháng, năm, Văn phòng Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTTDL) đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị tìm hướng bảo vệ và phát huy giá trị của các bức phù điêu. 
Đến giờ, khơi lại câu chuyện cũ với mong muốn phát lộ, đưa tới công chúng những di sản nghệ thuật vô giá của một thời, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước đang cùng nhau đưa ra ý kiến về những bức phù điêu này. Họ cũng đang thảo luận về một lá đơn ký tập thể gửi cơ quan chức năng để đề nghị bảo tồn bền vững cho tác phẩm đặc biệt hiếm quý này. 

Những bức phù điêu ấy là di sản văn hóa chứa đựng rất nhiều giá trị nhưng nó đã bị kẹt giữa hai bức tường do Bộ Công an xây nhà nên mới “áp vào phù điêu”. Bộ này khoanh vùng “cấm” đoạn phố Trần Quốc Toản nối ra đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), vì vậy việc tiếp cận, ngắm nhìn những bức phù điêu cho đến hiện tại là gần như không thể. Khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi đã nhiều lần lên tiếng, kiến nghị về việc này. Tuy nhiên… 
(Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) 

 

  Cách đây đã lâu và không còn nhớ chính xác thời điểm, Văn phòng Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTTDL) đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị tìm hướng bảo vệ và phát huy giá trị của các bức phù điêu. Nhưng không hiểu sao vẫn chưa được giải quyết theo hướng trả lại không gian cho những di sản này. 
(Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) 

 

 BẢO NGÂN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top