Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Học sinh và trẻ em bị đuối nước: Nhiều địa phương nhận thức chưa đầy đủ

Thứ Hai 03/06/2019 | 10:07 GMT+7

VHO- Mới vào đầu hè nhưng nhiều học sinh, trẻ em bị tử vong do đuối nước đã xảy ra, đặc biệt là có những vụ đuối nước tập thể khiến cả xã bao trùm một màu trắng tang thương. Chứng kiến những cảnh tượng ấy nhiều người không thể cầm lòng và tự đặt câu hỏi, các bậc phụ huynh, nhà trường, chính quyền các cấp đã làm hết trách nhiệm của mình?

 Ngày 30.5, một nhóm HS lớp 8 Trường THCS Trung Thành (Yên Thành, Nghệ An) rủ nhau đến khu vực Trại Xanh (địa phận xã Bắc Thành) chơi. Sau đó 5 em HS (1 nam, 4 nữ) kéo nhau xuống khu vực đập nước chơi thì không may bị sẩy chân xuống hố sâu. Bị tụt xuống hố sâu và không được cứu kịp thời nên 5 HS đã tử vong. Trong ảnh: Đập Trại Xanh (xã Bắc Thành) nơi xảy ra vụ việc

Mới đây nhất, ngày 30.5 trên địa bàn xã Bắc Thành (Yên Thành, Nghệ An) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh lớp 8 tử vong. Trước đó không lâu, trong vòng một tuần trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước, làm 9 em nhỏ tử vong. Ngày 25.5, nhóm 4 nữ sinh lớp 6 ở xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) tử vong khi đi tắm suối. Ngày 21.5, do được nghỉ học, 4 học sinh một trường THCS ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) ra sông tắm, do gặp phải dòng nước sâu, cả 4 em tử vong do bị nước cuốn trôi. Đặc biệt, vụ việc 8 học sinh ở Hòa Bình rủ nhau đi tắm sông và cả 8 em tử vong do đuối nước hồi cuối tháng 3 vừa qua khiến ai cũng thấy đau lòng...

Phụ huynh và người thân còn chủ quan

Chỉ tạm dẫn ra như trên cũng đủ thấy tính báo động của nạn đuối nước đối với trẻ em hiện nay như thế nào. Câu hỏi được đặt ra là, gần như địa phương nào cũng tiến hành tổ chức lễ phát động phòng chống đuối nước; các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em bị đuối nước vẫn cứ diễn ra? TS Nguyễn Kim Quý cho rằng, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn rất hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm đầy đủ. “Phụ huynh thì thường chủ quan, không hiểu được tầm quan trọng của vấn đề đuối nước dẫn đến hậu quả như thế nào. Chính họ chưa hiểu được điều đó nên không rèn cho con biết bơi hoặc có kỹ năng để xử lý dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Ý thức này cũng do việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng về đuối nước cho trẻ em chúng ta đã làm nhưng tôi nghĩ rằng chưa thường xuyên”, TS Quý chia sẻ.

Trung tuần tháng 5.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc Tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, nhưng đến nay mới chỉ có gần 100/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Hiện cả nước chỉ có khoảng 35% trẻ em biết bơi. Trong nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức được hơn 60.000 buổi phổ biến, tuyên truyền, phối hợp tổ chức gần 2.000 lớp tập huấn cho gần 50.000 hướng dẫn viên dạy bơi và nhân viên cứu hộ đuối nước của các xã, phường, trường học, các đơn vị tổ chức hoạt động bơi lặn, khu vui chơi giải trí dưới nước; tổ chức gần 37.000 lớp dạy bơi cho trên 3.700.000 trẻ em, trong đó số trẻ em biết bơi sau khi tham dự các lớp học bơi là 2.200.000 em; số trẻ em được học kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 5.200.000 em.

Tuy nhiên, nhiều trẻ em biết bơi nhưng vẫn đuối nước bởi các em không được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, nên chính các nạn nhân đã gặp phải những rủi ro đau lòng. Ông Trần Văn Hải, giảng viên môn Giáo dục thể chất (Trường Đại học Hà Nội) cho rằng, biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, đảm bảo an toàn dưới nước. Đa số các trường hợp đuối nước từ nguyên nhân bị chuột rút, bị say nắng, say nóng hoặc bị cảm khi xuống dưới nước, không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu cũng dẫn đến bị sặc nước, bị ngạt nước và đuối nước. “Các thầy cô, những người hướng dẫn học bơi cũng cần phải trang bị đầy đủ các kỹ năng, kỹ thuật, động tác bơi trong

 từng vùng sông nước, các vùng địa hình tự nhiên, trong bể bơi ở các khu vực có mực nước thấp đến cao, mức nước nông đến sâu… Có những trải nghiệm không cần phải đeo kính hoặc không cần trang thiết bị bơi, đảm bảo vẫn có thể nổi trên mặt nước, đứng trên mặt nước hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm”, thầy Trần Văn Hải nói.

 Người thân khóc ngất bên nạn nhân Nguyễn Thị Giang

Những địa phương đó đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng?

Cũng tại Chỉ thị số 17/CT-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc rà soát cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em, đặc biệt về điều kiện hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh, chính quyền cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi. Trong gần một tháng qua, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố xảy ra hàng loạt vụ học sinh, trẻ em bị đuối nước. Vậy những địa phương đó đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chưa?

Chia sẻ về hiệu quả tuyên truyền về phòng chống đuối nước hiện nay, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt nam, đơn vị đang thực hiện Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam cho biết, công tác truyền thông phòng chống đuối nước phải bao gồm bốn nhóm chủ thể. Nhóm đầu tiên chính là hoạch định chính sách. Nhóm thứ hai là các nhà quản lý địa phương cấp tỉnh, thành phố, xã, phường. “Tôi phải nói thật, không phải địa phương nào cũng nhận thức đầy đủ vấn đề trẻ em, vấn đề phòng chống đuối nước quan trọng và mật thiết như thế nào đến sự phát triển sống còn của trẻ”, bà Huyền nhấn mạnh.

Hai nhóm tiếp theo là gia đình kết hợp với nhà trường và bản thân trẻ em. Gia đình và nhà trường là những người hằng ngày chăm sóc trẻ, phải có kiến thức và biện pháp phù hợp để chăm sóc và bảo vệ con em mình, đặc biệt là vào các thời điểm như thời điểm trước và trong hè; ở lứa tuổi nguy cơ cao là cấp 1 sang cấp 2, trẻ rất hiếu động. Các bé phải hiểu phòng chống đuối nước phải là một kỹ năng an toàn, sống còn của các con chứ không phải là chuyện cần hay không cần, hoặc cho rằng các bạn ở gần sông, suối mới cần, còn ở vùng thành thị thì không cần. Khi chúng ta có định hình được truyền thông một cách đầy đủ cho bốn đối tượng này thì mới có hoạt động phù hợp với từng nhóm. Truyền thông không thể giải quyết ở một lễ phát động hay tháng cao điểm hành động, mà phải hằng ngày hằng giờ trong các bài học, trong cộng đồng, gia đình mới có thể thay đổi nhận thức và hành vi.

Về việc dạy bơi cho trẻ, không phải dạy để thành vận động viên chuyên nghiệp, lấy thành tích mà dạy bơi an toàn, tự cứu; làm sao an toàn dưới nước như kỹ năng bơi, thoát hiểm trong vùng nước xoáy, cứu bạn khi gặp nguy hiểm. Nhiều địa phương còn thiếu biển cảnh báo vùng hút cát, xoáy nước… Chỉ cần một nhắc nhở, cải tạo môi trường an toàn cũng có thể cứu sống mạng trẻ em. Một nghiên cứu cho thấy, các xã nghèo có gần 40% các con dưới 5 tuổi bị đuối nước, nhiều trường hợp do thiếu chăm sóc, trông giữ trẻ, ví như ở Đắk Lắk, nhiều trẻ theo bố mẹ lên nương, rẫy và tử vong do ngã vào hồ tiêu, hồ tưới. Hoặc ở Yên Bái, cứ vào mưa lũ là tử vong xảy ra do trẻ ngã ở ao hồ, suối. Do vậy dự án kiến tạo môi trường an toàn chăm sóc trẻ em, tổ chức chăm sóc, trông giữ các con từ 3- 5 tuổi để hạn chế các con ra các môi trường nguy cơ cao. “Như vậy phòng chống đuối nước không chỉ dạy bơi cho trẻ mà phải là tổng thể các giải pháp. Nếu các chiến lược chỉ thực hiện đơn thuần và riêng rẽ với nhau thì chắc chắn hiệu quả không cao”, bà Huyền nói. 

Trước vụ việc đau lòng này, Sở tiến hành xem xét xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân liên quan để làm bài học cảnh báo cho các đơn vị khác. Ngày 3.5 vừa qua, Sở đã có văn bản giao trách nhiệm cho các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm các trường, nếu để học sinh bị đuối nước thì sẽ có những hình thức xử lý kỉ luật và đánh giá thi đua của ngành. Trong thời gian tới Sở sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là cha mẹ học sinh. Bên cạnh tăng cường các biển cảnh báo đuối nước ven các sông suối, công trình xây dựng, để hạn chế vấn đề đuối nước trên địa bàn tỉnh, Sở sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm đối với các cơ sở giáo dục nếu để học sinh, trẻ em bị đuối nước...

(Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An)

 QUỲNH HOA - PHẠM NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top