Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khoá XIV: Cần quan tâm đúng tầm, đúng mức đối với văn hóa

Thứ Sáu 31/05/2019 | 10:14 GMT+7

VHO- Tán thành với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và đầu năm 2019, nhưng một số đại biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ sẽ đầy đủ hơn nếu trong lĩnh vực văn hoá được đề cập sâu hơn, đúng như tinh thần của Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trao đổi với phóng viên Văn Hoá bên lề hành lang Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vào hôm qua 30.5, đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp lần này khá đầy đủ, chi tiết, tiếp thu khá nhiều ý kiến của các đại biểu từ các kỳ họp trước.

Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước

Văn hoá cần được quan tâm đúng mức để xã hội phát triển hài hoà

“Tuy nhiên trong báo cáo lần này, phần báo cáo về văn hoá lại chưa được nhiều, chưa đầy đủ và sự đánh giá chưa đi vào thực chất. Nếu kinh tế được xác định là mũi nhọn trong sự phát triển của đất nước thì văn hoá lại được xem là nền tảng chi phối về đạo đức, về nhân cách của con người, về giáo dục… Vì thế văn hoá cần phải được quan tâm đúng tầm, đúng mức để xã hội phát triển một cách hài hoà”, đại biểu Triệu Thế Hùng nói. Cũng theo đại biểu này, có nhiều vấn đề cần được quan tâm trong lĩnh vực văn hoá như văn hoá đạo đức con người hay việc giáo dục về văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ khi tình trạng bạo lực học đường đang theo chiều hướng gia tăng. “Bên cạnh đó còn phải quan tâm đến vấn đề di sản văn hóa. Dù Luật Di sản văn hóa đang phát huy tác dụng nhưng trên thực tế nhiều di sản đang bị xâm phạm. Rồi các di sản văn hoá khác đang bị biến từ của công thành của tư để trục lợi, nhiều nơi chặn cửa để thu tiền nhằm trục lợi từ người dân. Những hiện tượng này cần phải được xử lý”, đại biểu Hùng nói.

Cũng theo vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng này, trong vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, thời gian qua có nhiều dự án về tâm linh lấy diện tích đất rất lớn ở nhiều địa phương. “Dù vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng cần được tôn trọng nhưng những dự án này cần phải đánh giá rõ nếu xuất phát từ doanh nghiệp thì người dân và cộng đồng được hưởng lợi gì, nguồn tiền đó có thực hiện đúng Luật Doanh nghiệp không, có nộp ngân sách không?”, đại biểu Hùng đặt câu hỏi và cho rằng việc này cần phải làm rõ ràng để tránh việc tư nhân trục lợi niềm tin để bòn rút tiền của người dân.

“Trong lĩnh vực văn hoá, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa đến văn hoá ứng xử, văn hoá giao thông, văn hoá học đường… Với một lĩnh vực rộng lớn như thế, chúng tôi rất mong rằng từ những kỳ họp sau, trong báo cáo của Chính phủ sẽ phải quan tâm nhiều hơn về lĩnh vực văn hoá để cho các đại biểu nắm được đầy đủ hơn”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Không nên khoán trắng cho ngành văn hoá

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), ở những kỳ họp trước của Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý với báo cáo của Chính phủ rằng, trong khi những vấn đề về kinh tế được đánh giá quá sâu, dung lượng nhiều thì việc đánh giá về các vấn đề về văn hoá, xã hội còn rất mỏng. Đại biểu Nhưỡng nói: “Trả lời câu hỏi này ở kỳ họp trước, đại diện Chính phủ đã cam kết sẽ xem xét vấn đề này và báo cáo lần này đã cải tiến. Tuy nhiên xét cho cùng, văn hoá là tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, vì thế đề cập đến các khía cạnh của kinh tế thì cũng chính là đề cập đến văn hoá. Theo tôi, nếu trong báo cáo, nhất là hiện nay lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế… có rất nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm thì cần phải có sự đánh giá đậm nét hơn và sử dụng dung lượng phù hợp để chuyển tải tương đối đầy đủ các thông tin căn bản nhất cho các đại biểu. Như vậy sẽ tốt hơn việc chúng ta đánh giá một cách quá ngắn gọn và thiếu chiều sâu”.

Cũng theo đại biểu Nhưỡng, chính vì tính chất đa tầng của văn hoá nên việc đầu tư cho kinh tế, chính trị hay pháp luật cũng là đầu tư cho văn hoá. Nhưng sự đầu tư cho văn hoá cần phải được chú trọng ở một số hoạt động đặc trưng trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng văn hoá hoặc tổ chức một số hoạt động văn hoá cần thiết ở các cơ quan, đơn vị, địa bàn khu dân cư… hiện chưa được quan tâm nhiều. “Có thể nói lĩnh vực văn hoá vẫn phải vật lộn với nỗi lo về tài chính, về kinh phí và dựa nhiều vào việc xã hội hoá các hoạt động. Thực ra việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá là tốt nhưng Chính phủ và các địa phương cũng không nên khoán trắng cho ngành văn hoá để ngành này phải tự “bươn chải” trong khi bản thân các hoạt động văn hoá lại góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung”, đại biểu Nhưỡng nói. 

Đầu tư cho văn hoá còn hạn chế và coi nhẹ

Đó là phát biểu của đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) trong phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, vào chiều qua 30.5. Nêu lên hàng loạt vụ việc được xem là nhức nhối của xã hội trong thời gian gần đây, đại biểu Đặng Hoài Tân cho rằng bên cạnh những nguyên nhân mà Chính phủ đã đề cập còn là do sự đầu tư giữa phát triển văn hoá trong mối tương quan biện chứng với kinh tế chưa được cân đối, thậm chí có biểu hiện chủ quan, coi nhẹ. “Đồng thời công tác tuyên truyền của Nhà nước còn hạn chế dẫn đến ý thức chấp hành của người dân chưa cao, việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm; xử lý vi phạm và chế tài xử lý một số vụ việc chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, công tác phối hợp giữa các cơ quan xử lý vụ việc chưa nhịp nhàng, dự báo cung - cầu của nền kinh tế còn nhiều bất cập. Do đó, bên cạnh các giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, tôi đề nghị tăng cường đầu tư cho văn hoá, trong đó chú ý xây dựng các thiết chế văn hoá, nâng cao các phong trào văn hoá, nếp sống văn hoá trong cộng đồng, tiếp tục đầu tư nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân…”, đại biểu Tân đề nghị.

 

THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top