"Đi mắc núi, về mắc sông"

VHO- Rời làng vì nạn sạt lở sông, phải tìm đến khu tái định cư Gò Hiu (xã Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam). Chưa kịp định cư được bao lâu, hàng chục hộ dân lại tiếp tục tháo chạy vì tình trạng sạt lở núi đe dọa. Cảnh tình này không khác gì "đi mắc núi, về mắc sông".

 Ngọn đồi sạt lở khiến người dân lo sợ

Khu tái định cư (TĐC) Gò Hiu được xây dựng từ nguồn vốn của Trung ương do tỉnh Quảng Nam phân bổ, Chi cục Định canh định cư tỉnh làm chủ đầu tư nhằm hỗ trợ di dời cho các hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng ven sông Vu Gia ở thôn Hà Dục Đông (xã Đại Lãnh).

Khu Gò Hiu thành “đìu hiu”

Trớ trêu thay, rời bỏ làng cũ vì sạt lở bờ sông để đến nơi ở mới, chưa kịp “an cư” thì các hộ dân lại đối diện với nạn sạt lở núi khi vách núi phía sau khu TĐC đe dọa đổ ập bất cứ lúc nào. Năm 2017, sự cố sạt lở núi xảy ra khiến nhiều ngôi nhà ở Khu TĐC này bị vùi một phần dưới đất đá. Vào mùa mưa, chỉ cần vài trận mưa to, kéo dài vài ba ngày là đất nhão ra, xối từ trên núi xuống khu nhà TĐC rất nguy hiểm. Nhiều vách nhà dân đã bị đất đá lấp đầy. Hơn 20 hộ dân lo sợ đã tháo chạy khỏi Gò Hiu để về lại làng cũ hoặc tìm nơi khác tạm trú ẩn. Những hộ dân còn bám trụ lại ở đây gọi khu TĐC Gò Hiu là khu “đìu hiu” vì nhà cửa bỏ hoang, vắng lạnh.

Ông Trương Văn Tàu, một trong những hộ dân ở khu TĐC này cho biết, gia đình ông cùng với 28 hộ dân ở khu vực sạt lở ven sông đã rời làng cũ về đây vào đầu năm 2016. Khi ấy được tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng và cấp lô đất tại Gò Hiu, gia đình quyết tâm vay mượn thêm để xây dựng nhà cửa đàng hoàng tại đây với mong ước có được chỗ an cư ổn định, không ngay ngáy với việc bị sạt lở ở sông Vu Gia. Nhưng không ngờ bây giờ cũng chẳng khác xưa là bao, khi nơm nớp sợ núi đè, lại cũng không có đất canh tác để trồng trọt, chăn nuôi nên mệt mỏi và chán nản hơn.

Như ông Tàu, gia đình ông Trương Văn Đông cũng là một trong số vài hộ hiếm hoi còn “kiên trì” ở lại Gò Hiu vì thật sự không biết sẽ đi về đâu nếu tiếp tục di dời. Mùa mưa năm ngoái, ngọn đồi phía sau khu dân cư bất ngờ trút đất đá xuống khiến cả một phần sau nhà của ông bị vùi lấp, hư hại. Đáng ngại hơn là tình trạng sạt lở núi ngày một nghiêm trọng. Hiện tại, lớp đất đá đã tràn sát vách nhà dân khiến ai nấy hoang mang tột độ.

 Người dân đã tháo chạy, Khu TĐC Gò Hiu trở thành “đìu hiu”

Không chỉ vậy, khu TĐC này còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khi nguồn nước bơm lên có màu trắng đục, đóng phèn, không sử dụng được. “Sau một thời gian lên trú ngụ ở khu TĐC, đa số bà con đã quay về chốn cũ sinh sống. Những ai còn trụ lại thì chấp nhận vượt quãng đường hàng cây số để canh tác, trồng trọt. Khổ nhất là nước sinh hoạt bởi khu TĐC nằm ngay vị trí đất cao lanh, nước không thể nào sử dụng. Nhiều hộ đã cố khoan giếng nhưng dù đóng sâu tới 20m thì nước ngầm vẫn đục. Mùa nắng nóng thì bị cạn nước, không đủ để tưới cây. Nước sinh hoạt, nấu ăn, nước uống đều phải sử dụng nước bình do người dân bỏ tiền mua”, ông Đông cho biết.

Loay hoay tìm kinh phí

Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho biết chính quyền địa phương đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc tồn tại ở khu TĐC Gò Hiu lên cấp trên và đang chờ phê duyệt phương án giải quyết. Khu TĐC này có quy mô bố trí cho 40 hộ dân nhưng chỉ mới có 28 hộ dời lên và hiện chỉ còn chưa đến 10 hộ ở thường xuyên. Lãnh đạo huyện Đại Lộc và xã Đại Lãnh cũng đã nhiều lần đến kiểm tra và kiến nghị tỉnh hỗ trợ phương án, kinh phí để san ủi phẳng nửa quả đồi còn lại phía sau để đảm bảo an toàn cho dân, đồng thời tận dụng quỹ đất sau khi san bằng để mở rộng khu TĐC, bố trí cho đủ số hộ dân theo quy mô ban đầu.

Về phương án san bằng đồi núi phía sau khu TĐC Gò Hiu để tránh sạt lở, chấm dứt nỗi lo của người dân, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, năm 2017 huyện đã kiến nghị gửi UBND tỉnh về phương án san bằng đồi núi. Tuy nhiên, do vướng đất có bìa đỏ của một số hộ dân nên không thể triển khai. Hiện tại, phương án của huyện là xây dựng kè phía sau nhà của các ngôi nhà sát vách núi nhằm ngăn không cho đất đá tràn xuống nhà dân. Địa phương đang tìm kiếm nguồn kinh phí và sẽ cố gắng thực hiện trong năm 2019.

Ông Mẫn cũng cho biết trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo của tỉnh, huyện sẽ tiến hành nạo vét toàn bộ khối đất đá đã tràn xuống vách nhà của người dân.

Huyện Đại Lộc cũng đã có kiến nghị và xin tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng bể lọc nước cung cấp nước sạch cho người dân Gò Hiu. Mới đây, đã có doanh nghiệp đồng ý hỗ trợ kinh phí xây dựng các bể lọc nước ở Gò Hiu. 

 KHÁNH CHI

 

Ý kiến bạn đọc