“Không phải bác sĩ cũng cho khám bệnh”

VH- “Kỹ năng viết và nghiên cứu của nhiều học viên cao học còn hạn chế”. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, giảng viên, nhà tuyển dụng nêu ra tại tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành Văn hóa học, Quản lý văn hóa do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức mới đây.

“Không phải bác sĩ cũng cho khám bệnh” - Anh 1

Một buổi bảo vệ luận văn của học viên cao học ngành Văn hóa học

Theo nhiều giảng viên, phần lớn các học viên cao học hiện nay có trình độ chuyên sâu, chuyên môn nghiệp vụ tốt, tuy nhiên, kỹ năng viết và trình bày phương pháp nghiên cứu chưa đạt yêu cầu. PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trăn trở: “Tôi chấm nhiều luận văn cao học thấy rất buồn vì các em viết sai nhiều quá. Điều này không phải do các em yếu mà có thể do phương pháp dạy chưa đạt nên các học viên thường gặp lúng túng khi thực hiện một luận văn có độ dài cả trăm trang. Trong khi đó các học viên này lại làm tốt khi thiết kế một chương trình, thực hiện một đề án cụ thể về công việc chuyên môn mình đang làm.

Ở góc độ tuyển dụng, ThS Phạm Thị Ngọc Điệp, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đồng tình rằng, nhiều học viên cao học có kiến thức chuyên môn nhưng phương pháp nghiên cứu, tư duy lý luận còn hạn chế. Học viên Nguyễn Quang Khánh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang cho rằng nhà trường cần bổ sung thời lượng nhiều hơn cho các môn về lý thuyết nghiên cứu văn hóa để các học viên nắm vững phương pháp nghiên cứu khi về làm việc tại địa phương.

Học viên này cũng đề xuất trong nội dung kiến thức ngành tự chọn, cần thiết đưa vào các môn như Quản lý khảo cổ, Quản lý di sản biển đảo…, vì đây là những nội dung quan trọng nhưng hiện nay tài liệu nghiên cứu cho lĩnh vực này còn hạn chế, cán bộ chuyên môn được đào tạo trong lĩnh vực này còn ít. TS Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận nêu thực tế: “Hiện nay trong ngành văn hóa phổ biến tình trạng “không phải bác sĩ mà cũng cho khám bệnh”, có nghĩa là một số cán bộ không có chuyên môn hoặc tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhưng về làm công tác văn hóa như bảo tàng, khảo cổ, quảng cáo…, mặc dù có được tập huấn, bồi dưỡng nhưng rất khó mà phát huy được hiệu quả vì bản thân các cán bộ này không được đào tạo bài bản, yếu về chuyên môn”.

Các đại biểu cho rằng nội dung các môn học ở trình độ cao học hiện nay còn trùng lắp ở bậc đại học như Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Quản lý di sản...

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho hay, qua ghi nhận cho thấy có tình trạng các giảng viên mạnh ai nấy dạy, vì thế mà có những môn học bị trùng nhau. Bên cạnh đó nhiều học viên cao học nhưng vẫn học theo kiểu phổ thông “thầy dạy bao nhiêu trò học bấy nhiêu” mà ít biết tự học, tự nghiên cứu… Sắp tới đây nhà trường thiết kế lại chương trình đào tạo hướng đến tăng thực hành, giảm lý thuyết suông, đẩy mạnh phương pháp nghiên cứu, lý luận tư duy, hướng đến mục tiêu người học nắm vững lý thuyết về văn hóa, có trình độ lý luận và thực tiễn, khả năng nghiên cứu…

THÙY TRANG

 

Ý kiến bạn đọc