Đại sứ văn hóa đồng hành cùng Cải lương

VHO - Nhà sản xuất chương trình Học viện Cải lương vừa giới thiệu mùa giải đầu tiên, với tổ hợp đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ Cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề mà còn làm văn hóa. Chính vì vậy, đây là lần đầu tiên, một chương trình về Cải lương có các đại sứ đồng hành và chung tay lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến với cộng đồng.

Đại sứ văn hóa đồng hành cùng Cải lương - Anh 1

NSND Bạch Tuyết thực hiện chương trình để quảng bá giá trị của nghệ thuật Cải lương tới mọi tầng lớp công chúng

Sân chơi Cải lương chuyên nghiệp cho người trẻ

Học viện Cải lương là dự án tâm huyết của NSND Bạch Tuyết với sự đồng hành của các nghệ sĩ gạo cội như Châu Thanh, Thanh Hằng và “thầy đờn” NSND Thanh Hải. Đáng chú ý, chương trình còn có sự tham gia của các đại sứ văn hóa như bà Xuân Trang (Hiệu trưởng Trường John Robert Powers), ca sĩ Thu Phương, diễn viên Hứa Vĩ Văn, hoa hậu H’Hen Niê, hoa hậu Ngọc Châu, ca sĩ Phương Mỹ Chi… nhằm truyền thêm cảm hứng, lan tỏa giá trị nghệ thuật đến đông đảo khán giả, nhất là người trẻ.

Học viện Cải lương gồm 12 tập, trong đó 3 tập đầu là vòng tuyển chọn thí sinh; 8 tập sau là các thử thách để đào tạo và rèn luyện kỹ năng. Từ 50 thí sinh ban đầu, BGK sẽ chọn ra 25 bạn đi tiếp, sau đó loại dần còn một số thí sinh vào chung kết. Tập 12 khép lại để tìm ra ngôi vị Quán quân. Sau đó, BTC có kế hoạch tổ chức Gala, tạo môi trường để người chiến thắng có cơ hội biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp.

Chương trình sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn Cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ Cải lương chuyên nghiệp. Đồng thời, Học viện cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Tiêu chí của chương trình là đi tìm - đào tạo - truyền nghề và “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn nghệ sĩ, giảng viên cơ hữu, Học viện sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, từng phần thử thách. Họ đều là những nghệ sĩ danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật Cải lương như: NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NSƯT Diệu Hiền, NSND Vương Hà, NSND Hữu Quốc, NSƯT Bạch Long, nghệ sĩ Kiều Mai Lý, diễn viên Lê Khánh…

Đối tượng dự thi của Học viện Cải lương là thí sinh từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Trước đó, buổi casting của chương trình đã quy tụ được hơn 300 thí sinh. Bên cạnh kỹ năng ca, nhiều người còn có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng tiêu chí của nhà tổ chức.

Một trong những điểm thú vị của chương trình là sự đồng hành của các đại sứ văn hóa. Họ là giảng viên, doanh nhân, nghệ sĩ… đã có nhiều thành công trong sự nghiệp, yêu thích và ủng hộ sự phát triển của nghệ thuật truyền thống. Ở mỗi tập sẽ có một người đồng hành để chấm chọn thí sinh. Các đại sứ văn hóa sẽ đánh giá thí sinh như một “khán giả đặc biệt”. Với hoạt động sân khấu thực tiễn, khán giả đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của nghệ sĩ. Vì thế, nhà sản xuất mong muốn bên cạnh những nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có thêm thành phần này để góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu với Cải lương và nghệ thuật truyền thống.

Học viện Cải lương sẽ lên sóng lúc 19h trên TodayTV - YouTV; 20h trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết vào Chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ 7.4.

Đại sứ văn hóa đồng hành cùng Cải lương - Anh 2

 Các thí sinh với đa dạng lứa tuổi, nghề nghiệp sẽ được đào tạo, trình diễn trong “ngôi nhà chung” của Học viện Cải lương mùa đầu tiên

Góp phần bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà

Trong vai trò Viện trưởng của Học viện Cải lương, NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp ở Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh, tôi ấp ủ thực hiện chương trình để quảng bá nghệ thuật Cải lương, đến nay, nhờ sự trân trọng, giúp đỡ của mọi người mà chúng tôi thực hiện được công việc “gạch nối” giữa hôm qua và ngày mai. Tôi biết ơn vì điều này”. Bà cũng thông tin thêm, nghệ sĩ Cải lương phải học rất nhiều, ở đây, Cải lương sẽ bao gồm thi - ca - vũ - nhạc - kịch. Những loại hình nghệ thuật quý giá nhất đều có trong Cải lương. Vì thế, nếu một người diễn viên ca kịch muốn trở thành nghệ sĩ Cải lương thì phải chịu khó học hỏi rất nhiều, bà mong muốn cùng thế hệ nghệ sĩ đi trước có thể truyền nghề cho các nghệ sĩ trẻ có đam mê.

Được mời tham gia Ban giám khảo của chương trình, nghệ sĩ Thanh Hằng xúc động bày tỏ: “Trong quá trình này, tôi cũng học hỏi được nhiều hơn. Là người đi sau, tôi thấy có trách nhiệm tiếp tục trau dồi kiến thức từ tiền bối, từ những tấm gương tốt, tâm huyết để giúp thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy giá trị của Cải lương cũng như văn hóa Việt Nam”.

Ca sĩ, diễn viên Hứa Vĩ Văn tâm sự: “Khi nhận được lời mời làm Đại sứ văn hóa chương trình, Văn hiểu rằng cô Bạch Tuyết muốn những thế hệ nghệ sĩ tiếp nối như mình chung tay lan tỏa chương trình, đưa bộ môn nghệ thuật này đến với mọi tầng lớp khán giả khác nhau. Văn sẽ cố gắng cùng mọi người lan tỏa thông điệp ý nghĩa này”. Nam diễn viên cho biết, gần đây anh có tham gia đóng vai nghệ sĩ Cải lương trong một bộ phim điện ảnh. Khi được trải nghiệm làm một nghệ sĩ Cải lương thực thụ trên sân khấu, được làm việc với các nghệ sĩ khác, anh mới hiểu được họ cực kỳ tài năng, phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ và khó khăn mới hoàn thành được vai diễn trên sân khấu… “Văn mong muốn mỗi người tham gia Học viện Cải lương đều là Đại sứ văn hóa của chương trình”, nam diễn viên nói.

Bà Võ Thị Xuân Trang, Hiệu trưởng Trường John Robert Powers chia sẻ: “May mắn được tham gia chương trình để đào tạo các em một số kỹ năng, qua đây, tôi có cơ hội được nghe các bạn hát Cải lương, ca Vọng cổ - bộ môn nghệ thuật dân tộc đã thấm vào máu thịt tôi từ bé. Tôi mong muốn mỗi người Việt Nam hãy luôn duy trì tài sản văn hóa của dân tộc mình qua những câu hát dân ca ngọt ngào, thân thuộc”.

Còn NSND Thanh Hải thì xúc động cho biết: “Ông cha đã để lại cho chúng ta kho tàng văn hóa quý giá, tôi và các bạn, chúng ta có trách nhiệm tiếp tục gìn giữ. Những sự đóng góp của chúng ta có thể rất nhỏ, nhưng vẫn phải làm… Với Học viện Cải lương, chúng tôi hy vọng sẽ được khán giả đón nhận, bên cạnh đó, hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi hoàn thiện hơn, điều này rất cần thiết với người làm nghề. Còn với các thí sinh, khi đã được trời phú cho giọng ca thì phải liên tục học tập, trau dồi không ngừng. Chúng tôi kỳ vọng các bạn sẽ tiếp tục lan tỏa Cải lương để giữ gìn bộ môn nghệ thuật quý giá này”. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc