Phát triển nghề công tác xã hội trong việc chăm sóc người có vấn đề sức khỏe tâm thần (Bài 1) Hậu quả đau lòng từ người có vấn đề sức khỏe tâm thần

VH- Những biểu hiện liên quan đến sức khoẻ tâm thần đang diễn ra hằng ngày, tuy nhiên rất ít người có thể nhận biết được nguy cơ để có giải pháp ngăn chặn nên nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra.


Điều này cho thấy việc nâng cao nhận thức, tăng cường hỗ trợ, can thiệp, điều trị tâm lý với những người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần là cấp thiết, không chỉ trên lĩnh vực liên quan đến y tế mà còn là vấn đề xã hội cấp thiết.

Những cái chết “được báo trước”

 Gần đây, những người dân quận Thủ Đức (TP.HCM) không khỏi bàng hoàng trước cái chết của cả gia đình ba người. Ba nạn nhân tử vong được xác định gồm: ông Nguyễn Văn L. (SN 1968), bà Lê Thị Kim L. (SN 1973, là vợ ông L.) và em Nguyễn Thanh N. (SN 2002, con của ông L.– bà L.). Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an xác định đây là một vụ tự tử. Kết quả giám định bước đầu cho thấy trong cơ thể của 3 nạn nhân đều chứa chất hóa học có độc tố cao. Nguyên nhân được nghi ngờ là gia đình đang nợ 30 triệu đồng. Theo những người hàng xóm của gia đình thì bà L. đã có lần tâm sự nếu không trả được món nợ thì chỉ có đường chết. Và không ai ngờ, những lời nói "suông" đó đã trở thành hiện thực.

Trước đó, dư luận cũng bị chấn động bởi sự việc hai học sinh N.T.D và L.T.T.T (cùng 14 tuổi, cùng trú tại xã Thanh Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An), cùng là học sinh lớp 8 và cũng chơi thân với nhau đã nắm tay nhau tự tử tại sông Lam (Nghệ An). Trước khi thực hiện hành vi đã để lại bức thư tuyệt mệnh trong đó có đoạn: "Trong thời gian đó, em đã gây bao nhiêu tội lỗi, có lúc con lừa cha mẹ đi học, nhưng thực ra là đi chơi. Và từ giờ trở lên cha mẹ sẽ không có đứa con này nữa...". Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lĩnh, nơi một em theo học cho biết, ở trường đều là học sinh ngoan, chăm chỉ nên không hiểu vì sao lại xảy ra cơ sự này?

Sự việc người cha tên Võ Kim M. vì muốn níu kéo với người vợ cũ đã đâm chết con trai 5 tuổi của mình cũng khiến không ít người dân bức xúc và xót xa. Đó là trường hợp xảy ra TP Pleiku, Gia Lai vào đêm ngày 11.12 vừa qua. Nghi phạm sau khi đâm chết con mình định dùng dao tự tử nhưng người dân xung quanh đã kịp thời ngăn lại và bị cơ quan công an bắt giữ. Theo đồng nghiệp của nghi phạm, anh M. là người hiền lành, sống hòa đồng, được mọi người yêu quý. Một năm trở lại đây, anh M. bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, sau đó thì vợ chồng mâu thuẫn và ly dị. Anh M. rất yêu thương bé trai, thường xuyên cho đi chơi, đi du lịch và cũng nhiều lần dọa vợ sẽ ôm con tự tử để mong vợ quay lại.

Theo các nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần thì những cái chết thương tâm kể trên đều là những cái chết được báo trước. Bởi một người khi quyết định tự tử thì trước đó đã có ý định từ trước, ý định này có thể nói ra hoặc không, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nguyên nhân do những người này bị căng thẳng, áp lực kéo dài về một vấn đề nào đó mà không tìm ra cách giải quyết, và cho rằng chỉ có cái chết mới giải quyết được vấn đề. Nếu những người có kiến thức về sức khoẻ tâm thần khi nghe được những chia sẻ, ý định tự tử và có hành động cụ thể như báo với gia đình, bác sĩ tâm lý, những người làm công tác xã hội… để ngăn chặn kịp thời  thì những vụ tự tử kể trên có thể sẽ không xảy ra. Do đó, cần nhận biết  sớm những biểu hiện liên quan đến sức khoẻ tâm thần để có những hỗ trợ, can thiệp hiệu quả, tránh những hậu quả đau lòng xảy ra trong xã hội. 

Phát triển nghề công tác xã hội trong việc chăm sóc người có vấn đề sức khỏe tâm thần (Bài 1) Hậu quả đau lòng từ người có vấn đề sức khỏe tâm thần - Anh 1

Nhân viên CTXH chăm sóc người bại não tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội)

Ngành công tác xã hội tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe tâm thần

Theo Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị. Trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Nếu trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội, như: áp lực học hành, căng thẳng trong công việc và cuộc sống...

Bên lề hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) phối hợp với Tạp chí Lao động & Xã hội tổ chức tại Hải Phòng, được biết, theo đánh giá về sức khỏe tâm thần thì độ tuổi thanh thiếu niên ở các nước trên thế giới mắc bệnh đều khoảng 20%. Sức khỏe tâm thần không phải là tâm thần phân liệt, tâm thần kích động phá phách mà là tình trạng sức khỏe về mặt thể chất tinh thần ở một thời điểm nào đó không bình thường. 

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần và điều trị, vai trò của đội ngũ nhân viên công tác xã hội (CTXH) tham gia vào hệ thống hỗ trợ người bệnh còn nhiều hạn chế. Thực tế hiện nay, chỉ đến khi người bệnh có biểu hiện nặng dẫn đến trầm cảm, không ăn uống, hoảng loạn, tâm thần phân liệt, rối nhiễu tâm trí… mới được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị bằng thuốc. Trong khi đó, theo BS.Ths. Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Dân số, sức khỏe và phát triển, ở các nước phát triển, trầm cảm được xử trí bởi các bác sĩ gia đình, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý… Còn ở Việt Nam, thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tâm lý lâm sàng, và chủ yếu tập trung ở các bệnh viện lớn. Việc hướng dẫn sàng lọc, quản lý lâm sàng tại các tuyến y tế cơ sở là không có. “Tại một số nước phát triển, cán bộ CTXH sau khi đào tạo cũng có thể sàng lọc, hỗ trợ các bệnh nhân trầm cảm mức độ nhẹ, sử dụng các liệu pháp không sử dụng thuốc và chuyển gửi bệnh nhân nặng. Còn tại Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm mô hình Kết hợp công tác xã hội và y tế trong quản lý trầm cảm tại cộng đồng, là mô hình nhân viên CTXH giúp sàng lọc và giúp hỗ trợ tập theo sách, cán bộ y tế cơ sở khám sàng lọc bệnh khác và điều trị bệnh khác, chuyển tuyến những ca nặng. Mô hình bắt đầu từ Thanh Hóa, Bến Tre và dần mở rộng ra các tỉnh, hiện nay dự án đang triển khai tại 32 xã trong cả nước”, BS Nguyên chia sẻ.

Điều này cho thấy, để góp phần giải quyết những vấn đề trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trong bối cảnh số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, thì vai trò của đội ngũ nhân viên CTXH trong việc tham gia vào hệ thống hỗ trợ người bệnh là vô cùng quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1215/QĐ-TTg ngày 22.7.2015 phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ,TB&XH đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, đến nay, tổng số ca được chăm sóc và phục hồi chức năng tại trung tâm là 13.000 ca, số người tâm thần nặng được các trung tâm thực hiện quản lý trường hợp tại cộng đồng là 60.000 ca, đạt 30% số người tâm thần nặng. 

Quỳnh Hoa

 

Ý kiến bạn đọc