Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Khó xử lý doanh nghiệp “ma” nhập khẩu phế liệu?

Thứ Bảy 29/12/2018 | 10:02 GMT+7

VHO-Theo thông tin từ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng như của Tổng cục Hải quan việc nhập khẩu phế liệu đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần tháo gỡ nhằm siết chặt việc lợi dụng các kẽ hở pháp luật để vận chuyển trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Tại cuộc họp báo quý IV của Bộ TN&MT mới đây, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết  sau khi có thông tin phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở các cảng, tháng 92018, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg đề ra một số giải pháp khắc phục, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Bộ TN&MT đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị đinh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó nội dung quản lý phế liệu nhập khẩu được quy định chặt chẽ, đảm bảo kiểm soát hiệu quả hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Nghị định này đã được Chính phủ ban hành ngày 22.11.2018. 

Tiếp theo đó, ngày 26.12, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và sẽ được ban hành trong thời gian tới. Trong dự thảo này, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm 13 loại phế liệu (danh mục trước đây là 36 loại). Những loại phế liệu được loại ra khỏi dự thảo danh mục lần này vì có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, hoặc là những loại phế liệu nằm trong danh mục nhưng doanh nghiệp chưa nhập khẩu về. Cũng để kiểm soát chặt chẽ chất lượng phế liệu nhập khẩu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, Bộ TN&MT đã rà soát và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu, bao gồm: Phế liệu sắt, thép; phế liệu nhựa; phế liệu giấy; phế liệu kim loại màu; phế liệu hạt lò cao. Đây đều là những loại được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng thanh tra, kiểm tra công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, từ ngày 7.8, Bộ TN&MT dừng xem xét, cấp Giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg. Hiện Bộ TN&MT chỉ cấp phép cho những doanh nghiệp có nhu cầu nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trực tiếp sản xuất ra hàng hóa có giá trị.

Thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đều có văn bản chỉ đạo điều hành ngăn chặn phế liệu nhập khẩu sai quy định về trong nước. Chỉ thị số 27 đã thiết lập được cơ chế phòng ngự từ xa, kiểm soát phế liệu từ biên giới trước khi được nhập vào nước ta. Với những giải pháp mạnh mẽ, Việt Nam đã có biện pháp phòng vệ từ xa đối với phế liệu nhập khẩu và đã có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Từ cuối tháng 9,  những tàu vận chuyển phế liệu vào trong nước đã kiểm soát được. Khi tàu nhập cảng, các cơ quan liên quan sẽ kiểm tra lô hàng đó có Giấy xác nhận đủ điều kiện môi trường không thì mới cho hàng được dỡ xuống cảng. Theo Bộ TN&MT, Bộ này đã cấp 206 Giấy xác nhận cho các tổ chức cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có 164 giấy xác nhận còn hiệu lực. Hiện Bộ TN&MT đang tiếp tục xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận theo đúng quy định cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho rằng, việc lộn xộn trong nhập khẩu phế liệu cũng như việc tồn đọng các container  phế liệu tại các cảng biển, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về đơn vị cấp phép nhập phế liệu là Bộ TN&MT và các sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Bởi  nếu có Giấy phép nhập khẩu thì doanh nghiệp mới đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để phục vụ sản xuất và không được phép buôn bán, kinh doanh. Tuy nhiên, qua một số vụ việc điều tra, xử lý, cơ quan Hải quan nhận thấy, một số doanh nghiệp có Giấy phép nhập khẩu nhưng không hề sản xuất, thậm chí không có nhà xưởng, máy móc sản xuất. Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với từng lô hàng có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực tế lô hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Theo ông Quang, khi cấp phép, ngành TN&MT phải xác minh giấy phép, điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế những vụ ngành Hải quan điều tra và khởi tố, doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất, cấp phép và cơ quan của TN&MT cấp phép không chính xác.  Liên quan vi phạm trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố 4 doanh nghiệp; Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp và Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 đối tượng.

Ông Quang cho biết, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp “ma” đang gây khó khăn trong việc xử lý các doanh nghiệp và đối tượng nhập khẩu phế liệu trái phép. Doanh nghiệp ma lập ra để nhập phế liệu trái phép, trách nhiệm đầu tiên là các cơ quan cấp phép cho thành lập và hoạt động. Bởi doanh nghiệp về hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu là ngành, lĩnh vực có điều kiện, có quy trình cấp phép khắt khe. “Việc kiểm tra kiểm tra giấy tờ nhân thân, điều kiện vật chất kỹ thuật khác trước khi cấp phép, cho hoạt động phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép kiểm tra kỹ. Với cơ quan Hải quan, trách nhiệm là kiểm tra, khi tiếp cận hồ sơ phải tinh tường, nhạy bén. Tuy nhiên, cái khó là các doanh nghiệp được cấp giấy ủy quyền nên khó xác định được đâu là doanh nghiệp thật, đâu là doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đâu là doanh nghiệp “ma”. Việc  bán tư cách pháp nhân, để cho buôn lậu lợi dụng tư cách pháp nhân  là thủ đoạn đang được Cục Điều tra Chống buôn lậu theo dõi. Một cái khó nữa là ngành TN&MT quy định doanh nghiệp chỉ cung cấp cho Hải quan giấy photo thôi. Đây cũng là quy định của Bộ TN&MT tạo kẽ hở cho đối tượng lợi dụng.”, ông Quang cho biết thêm.

HOÀNG ANH

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top