Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Thêm cách nhìn về dòng văn học phi hư cấu: Bức xúc không làm ta vô can

Thứ Tư 11/07/2018 | 10:11 GMT+7

VH-  “Viết một tác phẩm phi hư cấu khác biệt ở chỗ, cứ theo chân nhân vật, nhiều khi mình không xác định được mọi thứ sẽ đi đến đâu. Thực tế dẫn mình đi chứ không phải ngồi nhà nghĩ ra được”, tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ tại một cuộc tọa đàm ra mắt sách phi hư cấu gần đây nhất tại HN.

 “Điểm đến của cuộc đời”, một cuốn sách gây ấn tượng bởi các câu chuyện, con người có thật

Theo chân nhân vật

Chân thành kể lại câu chuyện, không tô vẽ, thêm bớt với động cơ cá nhân và sáng tạo sắp xếp hiện thực để từng câu chữ toát lên hơi thở vốn có. Văn học phi hư cấu bằng cách ấy ngày càng gợi nhiều xúc cảm cho độc giả. Suy nghĩ về cái hữu hạn của cuộc đời cứ trở đi trở lại trong Đặng Hoàng Giang kể từ khi anh bắt tay thực hiện cuốn sách thứ ba cùng quan điểm viết phi hư cấu của mình. Trước đó, độc giả đã biết đến tác giả này qua hai cuốn sách thành công Bức xúc không làm ta vô can Thiện, ác và smartphone. Với Điểm đến của cuộc đời vừa mới ra mắt, Đặng Hoàng Giang chọn cách tiếp cận khác, không chỉ là những phân tích xã hội mà đi sâu vào các câu chuyện, vào số phận con người có thật.

Đó là một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Một cuộc dấn thân vào thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hi vọng khôn nguôi, ở mức dữ dội nhất. Nhìn sâu vào số phận những con người có nhiều mất mát song tác giả không chỉ kể câu chuyện của cái chết mà tập trung về việc họ sống như thế nào, chọn cách giã từ cuộc sống ra sao. Qua đó, đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: Ta nên ứng xử thế nào trước cái chết và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?...

Những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến nghẹn ngào. Những con người ấy như mẹ Hà và cậu con trai Nam bị mắc bệnh ung thư xương, như Liên, một kỹ sư công nghệ ở Đà Nẵng hay Vân, người phụ nữ nghèo có hai con nhỏ ở Thanh Hóa… cùng mắc bệnh ung thư quái ác. Khi tác giả hoàn thành cuốn sách, các nhân vật ấy đều đã qua đời. Nhưng câu chuyện về họ không vì thế mà trở nên vô nghĩa. Bản lĩnh để đi qua bi kịch, thái độ bình tĩnh của con người trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng… Đồng hành với họ, Đặng Hoàng Giang chia sẻ, anh thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Một cuốn sách phi hư cấu - cách tiếp cận mới mẻ này nhờ thế thể hiện rõ ràng những xúc cảm đó.

Đặng Hoàng Giang tâm sự trong cuốn sách của mình, bước vào cuộc đời nhân vật, tác giả đóng vai là người lắng nghe, không phán xét, không đưa ra lời khuyên, kỳ vọng hay an ủi… và anh đã được chấp nhận. Bức tranh cuộc sống được “phơi bày” trong từng trang sách là một cuộc “vật lộn” với hiện thực. Hiện thực đó là những con người được lựa chọn trong số hàng chục nhân vật, hàng trăm giờ ghi âm của tác giả. Trong số đó, có những số phận tưởng rằng sẽ đóng vai chính trong cuốn sách nhưng lại không, có những câu chuyện tưởng là điểm kết nhưng lại xảy ra tình huống bất ngờ… “Viết một tác phẩm phi hư cấu khác biệt ở chỗ, cứ theo chân nhân vật, nhiều khi mình không xác định được mọi thứ sẽ đi đến đâu. Thực tế dẫn mình đi chứ không phải ngồi nhà nghĩ ra được”, tác giả Đặng Hoàng Giang nói.

Tác động mạnh đến xúc cảm

Nhiều ý kiến cho rằng, làm nên giá trị của văn xuôi phi hư cấu là tính chính xác và trung thực, đó là đặc trưng để phân biệt với văn xuôi hư cấu. Người viết như một nhà báo theo chân nhân vật, “sống” cùng họ, chân thành kể lại nội dung, không tô vẽ, thêm bớt với động cơ cá nhân. Tài năng nằm ở sự sáng tạo sao cho nội dung ấy được biểu đạt bằng một hình thức lôi cuốn độc giả, bao gồm cả những bình luận để làm bật ra bản chất của sự kiện, sự việc. Điểm đến của cuộc đời của Đặng Hoàng Giang đã chạm đến trái tim người đọc nhờ con đường ấy.

Với Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, những phụ nữ thành phố và nông thôn, những phụ nữ bình thường, những người cứu chữa thương binh và cầm súng… trở thành nhân vật để mở ra một hình dung khác về cuộc chiến, khác với phần đông người ta vẫn nói chiến tranh, thắng bại đều chỉ thuộc về đàn ông. Còn với Lời nguyện cầu từ Chernobyl, nhà văn đã có mặt ở đó 10 năm sau ngày xảy ra vụ nổ lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, khi mà khả năng nhiễm xạ vẫn còn đe dọa bất cứ ai đặt chân đến vùng này, để gặp gỡ, phỏng vấn khoảng 500 người đã từng chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia công việc khắc phục hậu quả sau sự cố.

Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ, thách thức lớn nhất của anh khi bắt tay thực hiện cuốn sách Điểm đến của cuộc đời là kiểm soát được những điều đang xảy ra. Bởi bản thân sự sinh động mà cũng đầy dữ dội của cuộc sống đã là một thử thách lớn cho những ai bước vào. Và khó khăn khi làm thế nào đi vào bên trong cuộc đời của họ, để đưa tới cho tác phẩm không phải con người “công cộng” mà họ tạo dựng trước mọi người xung quanh mà là con người chân thực và thăm thẳm cảm xúc. “Cái khó nữa là biết khi nào mình dừng lại. Vì càng đi sâu càng phát hiện ra những nhân vật sinh động, những câu chuyện sống động, biến cố bất ngờ… Đó là hiện thực đầy ắp tư liệu cho những ai dấn thân ở thể loại này. Khó khăn chồng chất nhưng một khi làm được, tác phẩm sẽ có sức lay động sâu sắc”. 

 Trên thế giới đã tồn tại thể loại văn học này từ lâu, dưới nhiều tên gọi như tiểu thuyết phi hư cấu, hoặc báo chí văn chương… Sức mạnh của việc dùng ngôn ngữ văn học đối với các sự kiện, câu chuyện hiện thực có tác động mạnh đến thị giác và cảm xúc của độc giả. Như tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2015 Svetlana Alexievich: Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ Lời nguyện cầu từ Chernobyl. Cả hai cuốn sách, tác giả đều đóng vai trò là người nghe.

 NGỌC HÀ

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top