Hồi ký, tự truyện: Cần một cuộc chơi công bằng

VH- Hồi ký, tự truyện là thể loại văn học xuất hiện ở châu Âu khá sớm. Ở Việt Nam, thể loại này xuất hiện muộn, chưa có quá nhiều tác phẩm được xuất bản, đồng thời không ít tác phẩm vấp phải ý kiến trái chiều.

Hồi ký, tự truyện: Cần một cuộc chơi công bằng - Anh 1

Hồi ký, tự truyện: Cần một cuộc chơi công bằng - Anh 2

 Hai trong số những cuốn sách tự truyện được đông đảo bạn đọc yêu thích

Có thể thấy, theo thời gian, thể loại hồi ký, tự truyện ở Việt Nam đã có những bước biến đổi, mở rộng đề tài và nhân vật. Những tác phẩm hồi ký, tự truyện đáng đọc và có nhiều chiều sâu như Tâm thành với lộc đời của NSƯT Thành Lộc, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly, Chuyện tình không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, Cung đàn số phận của nghệ sĩ Lộc Vàng cùng các hồi ký của GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy… Vài năm trở lại đây, xu hướng người nổi tiếng xuất bản sách hồi ký, tự truyện tạo ra nhiều ý kiến trái chiều bởi tính chân thật của các nhân vật được nhắc đến. Mở đầu trào lưu là tự truyện Lê Vân – Yêu và Sống, sau đó là hồi ký Thương Tín – Một đời giông bão, hồi ký Sơn Nam… Các nghệ sĩ trẻ bắt đầu viết tự truyện, hồi ký như Hương Giang Idol với Tôi vẽ chân dung tôi, Đức Phúc với I believe I can fly, Sơn Tùng MTP với Chạm tới giấc mơ hay Hoàng Thùy Linh với Vàng Anh và Phượng Hoàng

Tại tọa đàm với chủ đề “Hồi ký, tự truyện: Chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội” mới đây, các diễn giả cùng trao đổi về quá trình hình thành và nở rộ của thể loại văn học này cũng như những góc nhìn khác nhau về câu chuyện phía sau trang sách, ảnh hưởng của truyền thông xã hội tới thể văn học này. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tự truyện là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, thường được viết bằng văn xuôi, trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm. Tự truyện của người nổi tiếng luôn là thể loại hot trong giới xuất bản. Giới làm sách săn lùng những người nổi tiếng chịu kể câu chuyện đời tư, còn độc giả thì đón chờ những câu chuyện hậu trường thâm cung bí sử, những tâm sự mà người nổi tiếng rút ruột gan để kể trong tự truyện. Do tính chất của thể loại, nên những câu chuyện trong tự truyện mặc nhiên được coi là sự thật, là câu chuyện đúng.

Chính bởi những yếu tố mặc nhiên được coi là đúng ấy, tự truyện hồi ký sau khi ra đời hoặc được tung hô đón nhận bởi người này, hoặc bị phản bác kịch liệt bởi người khác. Những đụng chạm là không tránh khỏi khi mỗi câu chuyện được kể ra, dù của cá nhân chăng nữa vẫn đặt trong môi trường sống nhất định. Theo TS Ngữ văn Trần Ngọc Hiếu, trong hồi ký, tự truyện, quan trọng nhất là nhân vật nói ra sự thật của mình nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu sự thật ấy không tương tác với một sự thật rộng lớn hơn, một sự thật không tách khỏi bối cảnh của nó. Chính vì vậy, tự truyện, hồi ký không tránh khỏi những đụng chạm. Nhất là với tác phẩm của người nổi tiếng, đời tư của họ gắn với nhiều người nổi tiếng khác, những cuốn tự truyện, hồi ký càng có nguy cơ bị phản bác.

Cuốn tự truyện Công Vinh - Phút 89 đang khiến dư luận xôn xao với bao ý kiến trái chiều là một ví dụ. Thậm chí, cuốn sách còn bị những phản đối gay gắt y như cuốn Lê Vân - Yêu và Sống vấp phải năm 2006.

Nhà báo Lê Anh Hoài, người từng chắp bút cuốn tự truyện Thành Trung - Không lạc loài (2008) cho rằng, tự truyện thường gây tranh cãi một phần bởi nhiều người không dễ chấp nhận những điều chưa tốt của mình. Nếu sự thật được tất cả cùng phát biểu thì sẽ không còn khúc mắc, vấn đề là sự bổ sung, phản biện, chất vấn đó dẫn tới đâu? Câu chuyện càng phức tạp thì tự truyện, hồi ký càng hấp dẫn nhưng là một thách thức lớn với người chấp bút trong việc chọn lọc sự việc. Chưa kể, trong thời buổi của những ngôi sao showbiz mới nổi, những ông chủ tập đoàn, doanh nghiệp… sẽ kéo theo thị trường kiểu làm đẹp một tiểu sử, thân phận. Nó đòi hỏi sự tỉnh táo của người chấp bút lẫn người đọc.

Ai cũng có quyền kể chuyện cuộc đời nhưng những người viết tự truyện thường bắt đầu từ cá nhân, chấp nhận có những đụng chạm nhưng cũng cần hiểu rằng không nên thách thức xã hội quá nhiều, càng không nên dùng sự thật để tấn công người khác. Một khi cuộc chơi thực sự công bằng, tự truyện, hồi ký sẽ tưới thêm dinh dưỡng cho mảnh đất văn chương và đáp ứng khao khát được hiểu con người. 

 NGỌC HÀ

 

Ý kiến bạn đọc