Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Quách Liêu viết cho thiếu nhi

Thứ Tư 23/05/2018 | 08:59 GMT+7

VH- NXB Hội Nhà văn vừa ra mắt tuyển tập Quách Liêu - Tác phẩm chọn lọc, dày gần 700 trang. Một tuyển tập bề thế, chưng cất những tinh hoa đặc sắc nhất trong cả một đời lầm lụi cầm bút. Tuyển tập bao gồm đủ các thể loại, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là những trang viết về thiếu nhi và cho thiếu nhi.

Quách Liêu sinh năm 1943. Đến năm 2018 này, anh tròn 75 tuổi. Tuổi 75 đã là tuổi “xưa nay hiếm”, nói như cụ Đỗ Phủ “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Ấy là tuổi tồn tại. Tuổi sáng tạo còn sớm hơn nữa. Tập tuyển này chỉ là tạm tổng kết cho một chặng đường sáng tạo không mệt mỏi, cũng là dịp để anh nhìn lại mình và chúng ta có thể chiêm ngưỡng những thành quả lao động nghệ thuật của anh.

Viết văn là một việc rất khó. Khó bởi nó là công việc có tính sáng tạo. Và sáng tạo thường chỉ có ở các tài năng. Đọc Quách Liêu, ta rất thấm thía điều này. Anh là người dấn thân. Ở cái thời trai trẻ, thời đẹp nhất của một đời người, để chuẩn bị cho các trang viết này, anh sẵn sàng xả thân, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Và công việc mà Tổ quốc dành cho anh, là tuyên truyền, mở mang dân trí, hướng dẫn bà con nông dân cách làm ăn, cách xây dựng đời sống mới ở những vùng núi cao heo hút Tây Bắc. Công việc cụ thể của anh là chiếu phim đèn chiếu. Mấy chục năm sau, trở về Trung ương Đoàn ở Thủ đô, Quách Liêu vẫn tiếp tục công việc cũ, nhưng hiện đại hơn, anh làm biên tập viên cho chương trình phát thanh dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, thì cũng vẫn là làm tuyên truyền, mở mang dân trí trên phạm vi toàn miền Bắc, vì lúc bấy giờ, miền Nam còn chưa được giải phóng.

Quách Liêu viết văn rất sớm. Viết đủ các thể loại. Không ít tác phẩm Quách Liêu đã gây được tiếng vang trong lòng công chúng. Anh từng đoạt giải Nhì, không có giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với tác phẩm Chú bé thổi khèn. Và nhiều giải thưởng văn học của NXB Kim Đồng, Báo Thiếu niên Tiền Phong. Anh còn có vở ca kịch đoạt Huy chương Bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc (từ những năm 60 của thế kỷ trước). Đời một người cầm bút, đạt được những thành quả như thế trong công việc lao động sáng tạo, kể cũng đã quý lắm.

Tuy thế, khi nói đến Quách Liêu, chúng ta vẫn thường nghĩ đến một nhà văn viết cho thiếu nhi. Trong tuyển tập này, thành công nhất, có đóng góp nhất của anh cũng vẫn là những tác phẩm anh viết cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi các dân tộc ở những vùng núi cao phía Bắc. Viết văn là công việc rất khó. Viết cho thiếu nhi lại càng khó hơn nữa. Khó, bởi người viết phải có sự hiểu biết rất nhiều. Hiểu trẻ con đã đành, lại còn phải hiểu cả người lớn nữa. Một tác phẩm đích thực viết cho thiếu nhi, phải là tác phẩm các em đọc thích, người lớn cũng thích. Bởi trong bất kỳ một em nhỏ nào cũng có một người lớn đang hình thành. Và trong bất kỳ một người lớn nào cũng có một em nhỏ không bao giờ già đi...

Tuy nhiên, không phải ai cũng thấm thía điều đó. Bởi không ít tác giả chỉ coi việc viết cho thiếu nhi như một nghề tay trái, một sự chuẩn bị, hay một cách tập luyện để rồi sau đó, họ viết cho người lớn. Ngay cả nhà văn Nga vĩ đại L.N.Tonxtoi, tác giả bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Chiến tranh và hoà bình cũng chẳng coi trẻ con ra gì. Chúng ta nghiệm thấy rằng, những nhà văn, nhà thơ từng có thành tựu viết cho thiếu nhi, họ đều là những tác giả không phải chỉ có yêu trẻ con, mà còn hơn thế, họ rất kính trọng con trẻ.

Trong một đời sáng tác, Quách Liêu đã dành phần tinh tuý nhất, tươi xanh nhất của tâm hồn mình, trí tuệ mình hiến dâng cho con trẻ. Và viết cho thiếu nhi cũng là mảng thành công nhất của ông ở trong tập tuyển này. Đọc ông, ta chỉ thấy yêu ông và cũng thương ông nữa. Ông đã hoá thân trong những khoảnh khắc sáng tạo. Và vì thế, đọc ông, nhiều lúc tôi ngỡ ngàng, có cảm giác như mình đang đứng trước một đứa trẻ cao tuổi, có tâm hồn trong vắt, chân thật đến ngây thơ, trong khi cuộc sống rất bụi bặm. Ngay cả trẻ con bây giờ cũng bụi bặm lắm…

 Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top