NSƯT Quốc Hưng: Khi tiếng hát cất lên từ trái tim

VH- NSƯT Quốc Hưng chia sẻ, không chỉ riêng anh mà bất cứ nghệ sĩ nào khi hát về Bác Hồ đều dâng trào cảm xúc rất sâu sắc, ai cũng muốn thể hiện hết khả năng và hát bằng cả trái tim mình.

NSƯT Quốc Hưng: Khi tiếng hát cất lên từ trái tim - Anh 1
 

Nghệ sĩ Quốc Hưng trong chương trình “Quà tháng 5 dâng Người” năm 2017 Ảnh: Tr. Huấn

 Nhạc sĩ nào viết về Bác cũng hay

Nghệ sĩ Quốc Hưng hiện đang là quyền Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với “Giọng bass vàng” trời phú Quốc Hưng khá “đắt sô” với lịch tham gia tổ chức các chương trình âm nhạc dày đặc. Anh cũng là “linh hồn” tạo nên thành công trong nhiều vở nhạc kịch đình đám những năm qua.

Từng tham gia với vai trò nghệ sĩ và người tổ chức trong nhiều chương trình nghệ thuật về Bác Hồ, nghệ sĩ Quốc Hưng chia sẻ: “Chủ đề về Bác Hồ rất rộng và có nhiều tác phẩm hay. Nhạc sĩ nào viết về Bác tác phẩm cũng đi vào lòng người với những màu sắc riêng, tiêu biểu như Thuận Yến, Trần Hoàn, Chu Minh… Những nhạc phẩm này thường có minh họa múa hoặc phim, tiểu phẩm đi kèm nên hiệu ứng cảm xúc rất cao...”.

Bộc bạch tâm trạng của người nghệ sĩ khi tham gia những chương trình nghệ thuật tưởng nhớ vị Cha già của dân tộc, NSƯT Quốc Hưng nói, ai cũng đều mong muốn chọn những tác phẩm mình hát hay nhất, cảm xúc nhất để thể hiện với sự thành kính, trân trọng.

NSƯT Quốc Hưng đã từng hát nhiều về Bác Hồ và có nhiều ca khúc đã tạo nên dấu ấn trong cuộc đời anh. Anh kể chuyện, đáng nhớ và ấn tượng nhất lại là lần đầu tiên thể hiện hai ca khúc về Bác mà cả hai đều không phải sở trường, thế mạnh của mình.

“Trong số những ca khúc tôi thể hiện thành công về Bác, tôi ấn tượng nhất bài Làng Chăm ơn Bác – một ca khúc hay nhưng khá khó của nhạc sĩ dân tộc Chăm - A Mư Nhân. Tôi nhớ Tổng đạo diễn Trần Bình đã yêu cầu tôi hát bài đó trong một chương trình kỷ niệm ngày sinh của Bác tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia...

Làng Chăm ơn Bác là ca khúc rất hay nhưng để hát luyến láy cho đúng chất dân ca Chăm thì quả thật, hơi khó với tôi. Khi nhận lời, tôi khá lo lắng nên phải tập luyện, trau chuốt rất nhiều. Nhưng thật may là chỉ khó lúc đầu thôi, khi hát và ngấm được chất thì phần thể hiện của tôi lại được nhiều khán giả yêu thích. Sau lần đó, tôi đi biểu diễn ở nhiều nơi thì đều được yêu cầu hát lại bài này...”, NSƯT Quốc Hưng hồi tưởng.

Sau là ca khúc Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, theo nghệ sĩ Quốc Hưng, cũng là yêu cầu của nghệ sĩ Trần Bình. Bài hát vốn phù hợp với giọng nam cao hoặc nữ cao, khi hát sẽ đẹp hơn, nhưng khi nghệ sĩ Trần Bình nói: “Anh thích em hát bài này bằng giọng trầm cho vạm vỡ, đàn ông”, Quốc Hưng trả lời: ...“thì để em cố”. Dần dần, chính anh cũng thích sự khác biệt đó.

“Và tôi cứ nhớ mãi hôm hát bài Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, khi được yêu cầu hát trong trang phục cởi trần, đóng khố như người Tây Nguyên, lại hát trong chương trình truyền hình trực tiếp. Tôi chưa bao giờ lên sân khấu mà mặc như vậy nên hơi ngại, nhưng đúng thật, sự kết hợp hài hòa bao giờ cũng mang lại hiệu ứng tốt”, NSƯT Quốc Hưng cười nói.

Tự hào khi hát bằng cả trái tim

Tham gia chương trình Quà tháng 5 dâng Người do Báo Văn Hóa tổ chức tối 18.5 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Quốc Hưng chia sẻ, lần thứ hai chương trình tổ chức cũng là lần thứ hai anh góp mặt, cảm xúc lần nào cũng là xúc động xen lẫn sự tự hào.

Năm nay, bên cạnh ca khúc được Ban tổ chức yêu cầu là Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, anh sẽ thể hiện bài hát Dấu chân phía trước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Đây là ca khúc do chính anh lựa chọn để thể hiện trong chương trình.

Giọng nam trầm, ấm của Việt Nam cũng bộc bạch, Dấu chân phía trước có giai điệu đẹp, ca từ ý nghĩa, phần viết cho dàn hợp xướng rõ ràng, phần solo cũng giúp người nghệ sĩ có “đất” để thể hiện tình cảm của mình với Bác. “Đây là ca khúc hay nhưng cũng rất khó, không phải ai cũng thể hiện được trọn vẹn tình cảm mà ca khúc gửi gắm. Dẫu đã được rất nhiều người thể hiện rồi nhưng lần này, tôi sẽ hát lại Dấu chân phía trước với phong cách mới, hòa âm phối khí khác lạ và mong muốn khán giả sẽ yêu thích”, nghệ sĩ Quốc Hưng chia sẻ.

Cả hai ca khúc Dấu chân phía trước Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người đều được anh thể hiện cùng dàn hợp xướng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Quốc Hưng cho hay: “Cả tôi và dàn hợp xướng đã chuẩn bị, tập luyện kỹ càng rồi. Chúng tôi chỉ chờ đợi tới ngày được lên sân khấu. Không riêng tôi mà bất cứ nghệ sĩ nào khi được hát về Bác cũng đều có cảm xúc sâu sắc, ai cũng sẽ thể hiện hết khả năng của mình. Khi cất lên tiếng hát bằng cả trái tim, tôi tin rằng khán giả của đêm nhạc sẽ có được những dấu ấn thật khó phai”. 

NGUYỄN NGỌC

 

Ý kiến bạn đọc