Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Lấy ý kiến cộng đồng về phương án thiết kế cầu vượt sông Hương

Thứ Sáu 20/12/2019 | 14:55 GMT+7

VHO-  UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng địa phương về phương án thiết kế kiến trúc cho cầu vượt sông Hương. Đây là lần thứ 3, tỉnh này tổ chức cuộc thi thiết kế công trình cầu vượt sông Hương, ở cuộc thi trước đó dù có phương án được trao giải nhưng không phù hợp với thực tế khi triển khai nên buộc phải tổ chức thi lại.

Cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương được chính thức phát động từ tháng 7.2019, và đã được 15 phương án thiết kế của 11 đơn vị tham gia thi tuyển. Tháng 11 vừa qua, Hội đồng chấm thi của tỉnh (gồm 13 thành viên) đã chấm thi bước 1 và chọn được 3 phương án để tiếp tục cho bước thi tiếp theo.

Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố 3 phương án đã được duyệt qua vòng 1, đồng thời lấy ý kiến của cộng đồng để có cơ sở chấm thi vòng tiếp theo. Ba phương án nói trên, gồm: phương án thiết kế mang tên cầu Long Thọ (mã số V126) của Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Thực nghiệm Kiến trúc và Xây dựng- Trường ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh; phương án thiết kế mã số D781 của Công ty CP Kiến trúc Lập Phương- CUBIC Architects (Hà Nội) và phương án thiết kế Cầu Một Vòm (I156) của liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty CP Tư vấn Kỹ thuật E&R (Hà Nội).

Phương án thiết kế Cầu Một Vòm - I156 nhìn từ trên cao

Phối cảnh của phương án I156 về đêm

Các phương án này được treo pano, bản vẽ tại văn phòng Sở Xây dựng để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, UBND tỉnh cũng công bố trên website của UBND tỉnh (thuathienhue.gov.vn) và Sở Xây dựng (sxd.thuathienhue.gov.vn) để cộng đồng tham gia bình chọn. Thời gian lấy ý kiến sẽ được thực hiện từ nay đến hết ngày 27.12.2019.

Theo phương án thiết kế I156, cầu vòm đề xuất thì cầu vòm được thiết kế để trở thành biểu tượng danh lam thắng cảnh cho thành phố Huế vào ban ngày và đặc biệt là vào ban đêm. Các bộ phận hiển thị rõ cho cây cầu là nhịp vòm tạo ra hình bóng đẹp vào ban ngày và với hệ thống chiếu sáng đặc biệt tạo ra các khoảnh khắc sống động và hấp dẫn vào ban đêm. Kết cấu của cầu sẽ hiện đại và độc đáo, tuy nhiên vẫn phù hợp với môi trường cổ kính của thành phố Huế. Các ống bảo vệ cáp treo được trang trí tỷ mỉ theo chủ đề lịch sử của Huế và các nét hiện đại cũng không quá rõ ràng để các du khách có thể ngay tập tức nhận ra. Chiều dài các nhịp vòm được lựa chọn sao cho toàn bộ cây cầu nhìn từ bờ sông bên này sang bờ bên kia chỉ có hai trụ dưới nước. Hình dáng vòm rất hiện đại tạo cho Huế trở thành một điểm du lịch đáng nhớ trong lòng du khách với hai cầu vòm đặc trưng: cầu mới Nguyễn Hoàng và cầu Trường Tiền hiện hữu.

Cụ thể, phương án này với thiết kế  cầu gồm một vòm có thanh căng với sơ đồ nhịp liên tục 35 + 55 + 180 + 55 + 35 mét. Tổng chiều dài nhịp là 360 mét. Tổng chiều rộng mặt cầu là 43,0 mét bao gồm ba làn xe ô tô rộng 3,5 mét, một làn xe gắn máy rộng 3,5 mét và các dải an toàn trên mỗi hướng xe chạy. Bề rộng vòm 2,5 mét được bố trí giữa làn xe gắn máy và làn xe ô tô để ngăn cách an toàn cho giao thông. Làn đi bộ rộng 3 mét được bố trí khác mức ở cả hai bên cầu… Cầu có dạng vòm là hình parabol hiện đại. Hình dáng, hình dạng và cấu trúc bên ngoài vòm tượng trưng cho lịch sử của thành phố Huế. Kết cấu vòm bằng vật liệu thép và cũng có thể là vật liệu thép - bê tông liên hợp. Dự trù mức kinh phí đầu tư cho phương án này là 2.438 tỷ đồng.

Phương án thiết kế kiến trúc D781 với ý tưởng phải tôn trọng và hòa quyện với thiên nhiên

Trong khi đó, phương án thiết kế D781 của Công ty CP Kiến trúc Lập Phương- CUBIC Architects, Hà Nội lại cho rằng: Nét đẹp của xứ Huế vốn trầm mặc mà sâu lắng, con người Huế giản dị nhưng lại vô cùng thanh cao. Chính vì vậy hãy để nét đẹp của sự hoà nhập giữa cây cầu và dòng sông, ngọn núi hoà quyện vào với nhau, tạo thành một thể thống nhất. Từ đó vẻ đẹp của cây cầu sẽ được hiện lên chứ không phải việc xây dựng một chiếc cầu to lớn để tạo điểm nhấn về thị giác mà phá hỏng yếu tố tinh thần của dòng sông…

Trên cơ sở đó, đơn vị này nêu ý tưởng thiết kế phải “tôn trọng và hòa quyện với thiên nhiên”: không nên nghĩ đơn giản theo hướng cầu cần có khối tích, kích thước không gian lớn gắn với hình tượng cụ thể nào đó mà nên định hướng tạo lập sự khác biệt, tính độc đáo và có “câu chuyện” gắn liền với cây cầu – sẽ phù hợp với tính : chất và tinh thần của HUẾ hơn.

Cầu Tràng Tiền, một cây cầu với kiến trúc khiêm nhường nhưng rất khác biệt vá ấn tượng với các nhịp cầu có hình ảnh như nhịp điệu những ngọn núi, dóng sông – đã là một hình ảnh kiến trúc cầu tiêu biểu và duy nhất của thành phố Huế từ xưa đến nay, qua các thời kỳ lịch sử và không thể thay thế được. Do đó, không nên đặt vấn đề tìm một biểu tượng kiến trúc cầu khác để thay thế, cạnh tranh thêm với hình ảnh cầu Tràng Tiền nữa.

Cây cầu cần được thiết kế với kiến trúc hài hòa, khiêm nhường để hòa nhập với dòng sông, gắn liền một cách tự nhiên nhất với cuộc sống hàng ngày của người dân Huế và lại gây ấn tượng trong lòng khách du lịch. Mong muốn cây cầu này khi được xây dựng sẽ hình thành và phát triển, tồn tại như một thực thể thiên nhiên mọc lên giữa sông (Cồn Giả Viên, Cồn Hến...) gắn kết với không gian sông Hương, sự phát triển của thành phố.

Phương án thiết kế cầu Long Thọ- V126 của đơn vị đến từ ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh

Như Báo Văn Hóa đã từng có tin, bài phản ánh: năm 2016 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc Cầu vượt sông Hương và tác phẩm mang hình tượng Nón lá được trao giải Nhất. Tuy nhiên phương án này không được nhiều người ủng hộ bởi không thể hiện được bản sắc văn hóa Huế, đồng thời cũng không phù hợp với thực tế khi tiến hành xây dựng. Cuộc thi lần này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ chọn được phương án tối ưu về kiến trúc và mang tính biểu tượng của Huế.

Cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương nhằm chọn ra phương án thiết kế phù hợp để xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hương, nối từ đường đầu đường Nguyễn Hoàng (phường Kim Long) đến đường Võ Văn Kiệt nối dài theo quy hoạch (đường vành đai 3). Cơ cấu giải thưởng sẽ có 1 giải Nhất được trao thưởng 500 triệu đồng và 1 giải Nhì trị giá 100 triệu đồng.

SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top