Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Năm học mới tại TP.HCM: Lại gặp... bài toán nan giải

Thứ Sáu 16/08/2019 | 10:26 GMT+7

VHO- Thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, trong năm học 2019 – 2020, dự kiến toàn TP tăng thêm hơn 75.000 học sinh các cấp. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

 

Học sinh một trường tại TP.HCM phải đứng trên hành lang

Tại hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học 2019-2020 trên địa bàn TP.HCM do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa tổ chức, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, qua khảo sát về tình hình giáo dục tại các quận, huyện cho thấy công tác giáo dục - đào tạo được các cấp chính quyền quan tâm, dành quỹ đất đáng kể.

Mỗi năm tăng khoảng 15.000 HS không có hộ khẩu

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy sĩ số học sinh còn cao, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đảm bảo. Trong quá trình khảo sát, Ủy ban đã ghi nhận ý kiến phản ánh của phụ huynh, theo đó một số phụ huynh cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm phục vụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn; sân chơi nhà trường quá chật chội và không thoải mái, khu vệ sinh quá bẩn, không chấp nhận được. Chương trình dạy học hiện nay còn thiếu các kỹ năng giao tiếp, kiến thức giới tính; việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ở một số trường chưa đúng thực chất, còn nặng về thành tích, vẫn còn áp lực thi cử,…

Bà Nguyễn Thanh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 5 cho biết, hiện nay dân số tăng cao nên việc xây dựng trường lớp không đáp ứng đủ chỗ học. Tại các trường học trên địa bàn quận 5, phần lớn cổng trường gần sát với mặt đường nên mỗi lần tan trường là bị quá tải, áp lực an toàn giao thông rất lớn. Khó khăn nữa là tình trạng biến động học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh các tỉnh theo ba mẹ đến TP.HCM sinh sống, do hay di chuyển nên thường xuyên chuyển trường, gây khó khăn trong công tác sắp xếp chỗ học cũng như bố trí, tuyển dụng giáo viên ngay từ đầu năm học.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, bình quân mỗi năm TP.HCM tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TP, như năm học 2018-2019, có gần 367.300 em không có hộ khẩu. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học) và học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Nhiều quận, huyện hiện nay có nhiều trường có quy mô trên 50 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Nhiều địa phương thiếu trường lớp trầm trọng

Đại diện Ủy ban MTTQ xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) cho rằng, hiện nay Trường Tiểu học An Thới Đông đang xuống cấp trầm trọng, gặp mùa mưa bão, gió lốc là vô cùng nguy hiểm. Nhà trường đã đề xuất xin được nâng cấp, sửa chữa từ 2 năm nay nhưng chưa thấy có thông tin gì khả quan. Hiện thầy cô giáo và mấy trăm học trò đang dạy và học trong cảnh nơm nớp lo sợ. Ủy ban MTTQ quận 12 cho biết thêm là quận ven, đất rộng, các dự án nhà ở, chung cư được xây dựng lên rất nhiều, tuy nhiên hệ thống trường lớp tại địa bàn này đang gặp quá tải. Số trường tổ chức bán trú cho học sinh cấp 1 và cấp 2 rất ít nên gây khó khăn cho phụ huynh, do đó dễ xảy ra tình trạng chạy trường, chạy lớp. Tại hội nghị, đại diện MTTQ các quận, huyện nêu nhiều kiến nghị đối với các ngành, các cấp cần tập trung quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa công tác giáo dục - đào tạo. Trong đó, kiến nghị với Bộ GD&ĐT có quy định biên chế về giáo dục viên tư vấn và giáo dục viên y tế trong các trường phổ thông; sửa đổi quy định chỉ cho xây dựng trường học tối đa là 3 tầng vì thực tế hiện nay quỹ đất cho giáo dục rất hạn hẹp, trong khi sĩ số học sinh ngày một tăng cao; có cơ chế mở điều chỉnh quy hoạch đất giáo dục để các quận, huyện có tỷ lệ tăng dân số cơ học thực hiện xã hội hóa giáo dục và đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu giảng dạy thời công nghiệp 4.0.

Sở GD&ĐT cho biết, dự kiến TP sẽ đưa vào sử dụng từ ngày 5.9 năm nay là 1.476 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Sở cũng cho biết, riêng địa bàn quận Tân Phú có số học sinh dự kiến tăng nhưng không có phòng học mới đưa vào sử dụng tháng 9 năm học 2019- 2020. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM yêu cầu MTTQ các quận, huyện cần phối hợp tốt với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân đưa trẻ đến trường, bảo đảm 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% trẻ hoàn thành chương trình bậc tiểu học; huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, không để trường hợp nào khó khăn mà không đến trường học; giám sát mức điều chỉnh thu học phí bậc nhà trẻ, THCS và bổ túc THCS tại các trường công lập và các khoản của trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh…

Đối với ngành GD&ĐT, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông; bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, bảo đảm tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân; nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tối đa các trường chất lượng thấp; quản lý tốt các trường học khu vực ngoài công lập; phối hợp các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, an toàn trước cổng trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, bảo đảm sức khỏe cho học sinh đến trường. 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top