Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tăng giá khám chữa bệnh theo lương cơ sở mới: Tiền giường bệnh dịch vụ lên tới 4 triệu đồng

Thứ Tư 14/08/2019 | 10:55 GMT+7

VHO- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT sửa đổi Thông tư 39/2018/ TT-BYT quy định về thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, theo cách tính lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng.

Giá dịch vụ KCB sẽ tăng từ ngày 20.8

Việc điều chỉnh này làm mức giá khám chữa bệnh BHYT, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Giá dịch vụ y tế được tính theo lương cơ sở 1.490.000 đồng

Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, so với Thông tư 37 và Thông tư 39 thì Thông tư 13 và Thông tư 14 không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ KCB mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (tăng từ ngày 1.7.2019 theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ). “Gần 2.000 dịch vụ được quy định tại Thông tư 39 sẽ tăng theo cách tính mức lương cơ sở mới. Việc thay đổi này làm mức giá khám bệnh, giá ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho hay.

Thông tư 13 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20.8, người bệnh đang điều trị tại cơ sở KCB trước thời điểm ngày 20.8 và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau ngày 20.8 tiếp tục áp dụng mức giá đã được phê duyệt trước ngày 20.8. Tại Thông tư 13, giá dịch vụ khám bệnh BHYT đối với các hạng bệnh viện tăng như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I: từ 37.000 đồng lên 38.700 đồng; Bệnh viện hạng II: từ 33.000 đồng lên 34.500 đồng; Bệnh viện hạng III: từ 29.000 đồng lên 30.500 đồng. Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng: Siêu âm: từ 42.100 đồng lên 43.900 đồng; Nội soi ổ bụng: từ 815.000 đồng lên 825.000 đồng; Nội soi ổ bụng có sinh thiết: 968.000 đồng lên 982.000 đồng; Thay băng vết thương chiều dài trên 15cm đến 30 cm: từ 81.600 đồng lên 82.400 đồng.

Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, Thông tư 13 áp dụng cho đối tượng là người tham gia BHYT. Tổng cục Thống kê dự kiến việc thực hiện mức giá theo lương cơ sở 1.490.000 đồng sẽ tác động làm tăng CPI tháng 8 khoảng 0,2% đến 0,3%. Quỹ BHYT vẫn đảm bảo khả năng cân đối nên tác động không nhiều tới chi phí của người dân. Với người dân các hộ nghèo đã được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB; với người dân tham gia đồng chi trả như hộ cận nghèo (đồng chi trả 5%) sẽ phải chi tăng thêm 0,22% tiền ngày giường và tăng 0,05% tiền các dịch vụ khác so với trước. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% bị ảnh hưởng nhiều hơn, cụ thể tăng 0,88% tiền ngày, giường bệnh và tăng 0,2% tiền các dịch vụ khác so với thời điểm trước ngày 20.8.

Người dân có thể trả tiền giường bệnh dịch vụ lên tới 4 triệu đồng/giường

Cùng với Thông tư 13, Thông tư 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Tại Thông tư 14 quy định mức giá tối đa cho tiền giường là 4 triệu đồng đối với loại 1 giường/1 phòng.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho rằng, tiền giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng. Các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: Hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I... giường điều trị nội khoa… Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có một điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường…

“Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu vẫn được thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định”, ông Liên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, với giá dịch vụ theo yêu cầu cao như vậy, các bệnh viện công lập sẽ tập trung đầu tư nguồn lực ở khu vực này mà lơ là, thu hẹp diện tích dành cho KCB BHYT hoặc các dịch vụ thông thường theo quy định của Bộ Y tế.

Giải thích về băn khoăn này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay nhiều bệnh viện có doanh thu đến 95% là từ KCB BHYT, vì vậy các bệnh viện phải nâng cao chất lượng KCB chứ không chỉ riêng KCB theo yêu cầu. Hơn nữa, chỉ các bệnh viện còn khu đất trống, hoặc tận dụng thu hẹp khu vực hành chính, hay ở phần KCB BHYT không hết công suất, không phải nằm ghép thì mới được phép phối hợp với các nhà đầu tư, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng khu vực KCB theo yêu cầu.

Làm rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, Bệnh viện Nhi là đơn vị có cả khu KCB theo yêu cầu và KCB BHYT. Khu KCB theo yêu cầu là nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người bệnh với những dịch vụ chất lượng ngang bằng với bệnh viện quốc tế, vắng người. Các bác sĩ, PGS, GS, TS khi hết tuổi quản lý được mời tiếp tục ở lại làm việc tại đây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân KCB BHYT không được điều trị bởi các bác sĩ giỏi, GS.TS mà thậm chí có nhiều ca phải hội chẩn nhiều lần bởi các chuyên gia đầu ngành, được miễn phí KCB từ các nguồn xã hội hóa, nguồn quỹ của Bệnh viện. 

 QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top