Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Lãng phí tiền tỉ cho tuyến đường sắt... không tàu

Thứ Sáu 02/08/2019 | 11:30 GMT+7

VHO- Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn là tuyến nhánh đặc thù với chiều dài 32 km đi qua địa bàn 3 huyện, thị của tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, hơn 10 năm qua không hề có một chuyến tàu nào chạy trên tuyến đường sắt này vì thế nó thành hoang phế. Điều khó hiểu là, hằng năm Nhà nước vẫn tốn hàng tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng và trả lương cho cán bộ, công nhân.

Cảnh hoang tàn ở ga Nghĩa Đàn, điểm cuối của tuyến đường sắt

Nhà ga Nghĩa Đàn đìu hiu, vắng lặng, biển hiệu “Ga Nghĩa Đàn” đã bị rơi rụng gần hết phải treo biển “Khu vực nguy hiểm cấm vào”. Nhìn dãy nhà ga điêu tàn ít ai nghĩ rằng đây từng là một nhà ga sầm uất của khu vực.

Thời hoàng kim còn đâu

Cách đây hơn 50 năm (năm 1966), tỉnh Nghệ An có chủ trương di dân đến vùng núi phía Tây của tỉnh làm kinh tế mới với vùng Phủ Quỳ màu mỡ trở thành những nông, lâm trường thu hút người đến khai hoang, lập nghiệp. Để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách, giúp kết nối khu vực đồng bằng với khu vực Tây Bắc của Nghệ An, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn đã được xây dựng dài 32 km, từ thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) đi huyện Nghĩa Đàn, nay thuộc địa phận thị xã Thái Hòa. Toàn tuyến có 3 ga, chia 4 cung và 6 gác chắn, km số 0 là tại ga Cầu Giát.

Thời “hoàng kim”, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn này có hàng trăm lao động làm việc tại các nhà ga, gác chắn, thông tin tín hiệu. Từ nửa cuối thập niên 90 trở về sau, những chuyến xe chạy tuyến Vinh - Nghĩa Đàn xuất hiện ngày càng nhiều. Tuyến tỉnh lộ 537 (nay là Quốc lộ 48) được đầu tư mở rộng, những đoàn ô tô vận tải nối đuôi nhau ngược xuôi. Xe khách di chuyển nhanh, cơ động thuận lợi, những người khách dần chuyển từ đi tàu sang đi xe, những chuyến tàu liên tục trống toa. Năm 2006, sau nhiều năm gắng gượng, Công ty Đường sắt đành phải dừng hoạt động vận tải hành khách. Đến năm 2012, chuyến tàu hàng cuối cùng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mặc dù gần 10 năm không có tàu chạy nhưng mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi trả hàng tỉ đồng cho việc bảo vệ, duy tu tuyến đường.

Vì sự tốn kém này, đến năm 2014, ngành phải cắt giảm nhân lực, các chức danh gác chắn trưởng ga, trực ban chạy tàu, gác ghi thông tin tại 6 trạm đều bãi bỏ. Từ biên chế hơn 100 công nhân giờ chỉ còn 10 công nhân làm việc trên tuyến với nhiệm vụ chủ yếu là trông coi tài sản, không đầu tư sửa chữa, duy tu nên sân ga, cung đường, đường sắt trở nên hoang phế. Hiện nay, mỗi năm ngân sách nhà nước vẫn phải bỏ ra 1,4 tỉ đồng để chi trả lương cho nhân viên. 10 người này được phân bổ ở 2 trạm ga Quỳnh Châu và Nghĩa Thuận, phụ trách bảo vệ hành lang cho 2 đoạn đường.

 Nhiều đoạn đường sắt giờ đã bị cỏ cây chen lấn sau gần 10 năm không có tàu chạy qua

Trưởng ga thành bảo vệ

Ông Lê Thanh Hải với danh là Trưởng ga Nghĩa Đàn làm nghề từ năm 1997 đến nay. Trước khi lên làm Trưởng ga Nghĩa Đàn, ông về công tác ở ga Nghĩa Thuận và mới được điều lên Nghĩa Đàn năm 2017, khi người tiền nhiệm nghỉ hưu. Hiện nay ông Hải được phân công làm Trưởng ga Nghĩa Đàn phụ trách cả 3 ga (Nghĩa Đàn, Nghĩa Thuận, Quỳnh Châu). Công việc hằng ngày của ông chỉ là bảo vệ, trông coi cơ sở vật chất của nhà ga đã sắp đổ nát. Hằng tháng xuống công ty một lần để họp và tiếp nhận thông tin về kế hoạch sản xuất. Ông Hải cho biết, nhiều năm không được sử dụng, hiện tuyến đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các thanh tà vẹt của đường ray đã bị mục nát, đinh ốc bị hoen gỉ nặng, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều tuyến đường ngang được người dân đắp đất đá chồng lên đường ray để xe cộ qua lại dễ dàng hơn. Các nhà ga như bị bỏ hoang. Theo ông Hải, vấn đề lớn nhất mà các nhà ga trên tuyến này phải đối mặt chính là việc bị xâm lấn. Mặc dù sự việc đã báo cáo với công ty và với chính quyền địa phương nhưng việc lấn chiếm vẫn cứ xảy ra liên tục.

Bà Hồ Thị Hoa được phân công trực ở Trạm chắn số 5, km 25 + 856 thuộc địa bàn thị xã Thái Hòa, người gắn bó với ngành đường sắt từ năm 1996 đến nay cho biết: Đây là trạm chắn gần cuối của tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Ðàn. Ðã nhiều năm nay, trong cuốn sổ ghi nhật ký ngày, giờ tàu chạy qua, bà Hoa chỉ ghi dòng chữ “Không có tàu”. Theo bà Hoa, đi dọc theo trạm chắn trên tuyến, nhiều đoạn cỏ đã mọc che hết cả đường ray, cây cối hai bên rậm rạp che khuất dần lối đi...

Ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, tàu ngừng hoạt động vì vận tải đường bộ phát triển, cơ sở hạ tầng và phương tiện, giá cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ thấp hơn giá cước của đường sắt, trong khi tuyến đường sắt này chưa được đầu tư tương xứng. Tàu hàng đã ngừng chạy trên tuyến đường này từ năm 2012, còn tàu khách thì đến hơn 10 năm. Tuy tàu không chạy, nhưng hiện tại vẫn chưa có quyết định khi nào thì ngừng hẳn. Mỗi năm ngành giao thông đầu tư kinh phí hơn 6 tỉ đồng cho việc duy tu bảo dưỡng tuyến đường này. Hiện đã bị cắt xuống còn gần 1,4 tỉ để chi trả lương cho nhân viên. Công ty vẫn luôn thực hiện duy tu bảo trì theo đúng yêu cầu kế hoạch để đảm bảo chạy tàu bất cứ lúc nào. “Việc đầu tư cho tuyến đường sắt này trở về trạng thái ban đầu là rất khó vì chủ yếu dựa vào ngân sách cấp trên “rót” về. Sau khi kiểm tra không khai thác hiệu quả nên ngành đã cắt giảm và nguy cơ đường sắt tuyến Cầu Giát – Nghĩa Đàn đang rơi vào bế tắc”, ông Cao Tiến Hùng cho biết thêm.

Trước việc lãng phí của tuyến đường sắt “không tàu”, đã đến lúc cần các ngành chức năng vào cuộc. Dư luận đang mong chờ vào sự quyết định của ngành chức năng để tránh lãng phí hàng tỉ đồng của Nhà nước mỗi năm một cách vô lý. 

 Việc đầu tư cho tuyến đường sắt này trở về trạng thái ban đầu là rất khó vì chủ yếu dựa vào ngân sách cấp trên rót về. Sau khi kiểm tra không khai thác hiệu quả nên ngành đã cắt giảm và nguy cơ đường sắt tuyến Cầu Giát – Nghĩa Đàn đang rơi vào bế tắc.

(Ông CAO TIẾN HÙNG, Giám đốc Cty Đường sắt Nghệ Tĩnh)

 PHẠM NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top