Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Có mạo hiểm khi để diễn viên… trẻ em đóng cảnh “nóng”?

Thứ Hai 20/05/2019 | 09:53 GMT+7

VHO- Bộ phim Vợ ba vừa công chiếu được vài ngày đã nhận nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, tập trung vào việc diễn viên chính Nguyễn Phương Trà My chỉ mới 13 tuổi đã tự mình thực hiện loạt cảnh nhạy cảm như lộ ngực, ân ái,… Phần lớn cho rằng, điều này khó có thể chấp nhận, nghệ thuật cũng cần có giới hạn và thậm chí nhà sản xuất đã vi phạm quyền trẻ em. 

Vợ ba lấy bối cảnh vùng thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Nội dung phim xoay quanh cô gái tên Mây (do Nguyễn Phương Trà My đóng) được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Từ khi về sống trong gia đình sung túc, cô gái trẻ bị cuốn vào một cuộc tranh đấu ngầm trong gia đình mới với vợ cả (Trần Nữ Yên Khê) và vợ hai (Maya) để có được vị trí quan trọng ở nhà chồng… Vào vai Mây, vợ ba của một điền chủ giàu có, cô bé Trà My phải lột tả nhiều khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ như lần đầu ân ái, vượt cạn. Không chỉ vậy, Trà My còn có cảnh hôn đồng giới với Maya - cảnh nhạy cảm này đã bị cắt khi kiểm duyệt phim tại Việt Nam. 
Trên các diễn đàn bình luận, phần lớn khán giả cho rằng nhà làm phim đã quá mạo hiểm khi dùng diễn viên chưa đến tuổi vị thành niên để đóng cảnh giường chiếu. Chưa bàn đến nội dung phim hay hay dở, nhưng việc chọn một diễn viên ở tuổi thiếu nhi đóng cảnh “người lớn” là khó chấp nhận. Nhiều ý kiến cho rằng đoàn phim hoàn toàn có thể chọn diễn viên đủ 18 tuổi có gương mặt trẻ để đảm nhận vai diễn, không nhất thiết phải là diễn viên đúng độ tuổi của nhân vật thì mới phản ánh được ý đồ của mình. 

 Phim “Vợ ba” có nhiều cảnh nhạy cảm 

Bàn về yếu tố nghệ thuật trong điện ảnh, PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban Lý luận phê bình của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM cho rằng, trong nghệ thuật nói chung khi có những đòi hỏi khá táo bạo để thể hiện đúng thông điệp của tác phẩm, chẳng hạn như trường hợp này, một cô gái mới 13 tuổi đã phải lấy chồng rồi trải qua những phân đoạn ân ái, sinh con, những đụng chạm xác thịt như vậy, “theo tôi có thể chấp nhận được”. Tuy nhiên các cảnh “nóng” mà cô bé này buộc phải trải qua như trong kịch bản thì phải hết sức hạn chế. Có nghĩa là trong trường hợp bộ phim cần làm toát lên thông điệp phê phán thân phận con người, thân phận vợ lẽ, phê phán hiện tượng tảo hôn trong xã hội thời bấy giờ… thì bắt buộc phải đưa những em nhỏ như vậy vào phim để người xem đồng cảm là điều không thể tránh khỏi, nhưng phải hạn chế tối đa những cảnh nhạy cảm. 
Cũng theo ông Kim, điều này đòi hỏi đạo diễn phải tinh tế khi xử lý, bởi lẽ có rất nhiều phương pháp thể hiện được ý đồ này của kịch bản mà không nhất thiết phải đưa cảnh “nóng” phô ra để câu khách. Làm được như vậy thì mới gọi là nghệ thuật. Trong lịch sử nền điện ảnh Việt Nam cũng đã có nhiều phim làm về đề tài tương tự nhưng chưa từng xảy ra những trường hợp chọn em bé gái hoặc em bé trai diễn cảnh “nóng”. 
Trao đổi với chúng tôi vào chiều qua 19.5, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng bộ phim Vợ ba đã vi phạm Luật Lao động và Luật Trẻ em khi để bé 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm. Luật sư Ngọc Nữ cho rằng, việc đạo diễn và nhà sản xuất để Trà My đóng cảnh “nóng”, trực tiếp động chạm thân thể với nam diễn viên và có những hành động mô phỏng chuyện ái ân có thể xét là hành vi xâm hại trẻ em. Cho nên dù diễn viên Trà My và gia đình đã đồng ý tham gia bộ phim với kịch bản có nhiều cảnh nhạy cảm như vậy, nhà sản xuất vẫn vi phạm luật. 
Luật sư Ngọc Nữ cho biết: “Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang rất nóng hiện nay, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn, hội liên tục xuống các khu dân cư, trường học để tuyên truyền nhằm bảo vệ xâm hại trẻ em. Vì thế việc để cho trẻ em đóng phim có nội dung vượt quá tuổi như vậy, tôi lo lắng sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt”. Luật sư Ngọc Nữ nói thêm, “Dù phim đã cắt bớt những hình ảnh nhạy cảm quá mức cho phép nhưng những hình ảnh ấy vẫn đang lan truyền trên mạng xã hội. Điều gì chắc chắn những hình ảnh đó không ảnh hưởng đến tương lai của bé? Tôi mong các cơ quan, ban ngành, nhất là các cơ quan quản lý văn hóa phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM của chúng tôi vào cuộc để xử lý vấn đề này”. 

 Đã làm phim thì phải thật 
Tôi đã xem phim Vợ ba và thấy nhà làm phim hoàn toàn có quyền lựa chọn diễn viên 13 tuổi để đúng với độ tuổi nhân vật. Tôi thấy việc cho diễn viên 13 tuổi đóng cảnh “nóng” trong phim không sai nếu nhân vật cùng độ tuổi và các cảnh này phù hợp tuyến truyện. Nghĩa là, cảnh "nóng" không phản cảm, không đi quá đà vào sự giật gân, câu khách. 
Không thể xét về những quy định luật pháp của Việt Nam hiện nay để soi vào nghệ thuật khi mà nó tái hiện câu chuyện lấy bối cảnh thời xưa. Tôi không hiểu sao lại có thể liên hệ với những câu chuyện của xã hội hiện đại như những vụ ấu dâm để quy chụp là xâm hại trẻ em. Đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhân vật trong phim không hề bị xâm hại tình dục, ấu dâm mà cô ấy được cưới xin theo nghi lễ đàng hoàng, có chồng tử tế. 
Bộ phim được đánh giá cao ở góc độ nghệ thuật và giá trị tư tưởng của nó. Hình ảnh những người đàn bà trong phim Vợ ba phần nào đó giống như những con tằm nằm bên trong tổ kén chờ đợi hoàn thành một vòng đời của số mệnh. Hôn nhân sắp đặt, lấy chồng ở tuổi còn quá nhỏ nên nhân vật phải tự khám phá đời sống tình dục, chuyện quan hệ vợ chồng, chuyện sinh nở… Cốt truyện phim như vậy thì đương nhiên diễn viên sẽ phải trải qua những cảnh đóng nhạy cảm. Và để miêu tả chân thực thì việc dùng diễn viên mới chỉ 13 tuổi là việc làm cần thiết để nó phục vụ cho cảm xúc mà bộ phim mang lại.  (PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI)

THÚY HIỀN (ghi) 

 

 Cho trẻ 13 tuổi đóng cảnh "nóng" là không phù hợp 
Có thể khẳng định việc cho trẻ em mới tuổi 13 trực tiếp đóng cảnh “nóng” là không thể chấp nhận được. Theo quy định của Luật Trẻ em: “Trẻ có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”. Dù cho có được sự đồng ý của cá nhân bé gái hay gia đình bé gái hay không thì vẫn là vi phạm pháp luật, vì đây là quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật bảo vệ, không ai được phép “cho hay không cho” “đồng ý” hay “không đồng ý”. Thậm chí, trong trường hợp này cha, mẹ của trẻ em cũng có thể bị xem xét trách nhiệm vì vi phạm pháp luật. 
Ngoài ra, tại Điều 26 Luật Trẻ em về quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức... để không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Bên cạnh đó, tại các điều 162, 163, 164 và 165 Bộ luật Lao động cũng quy định rất rõ việc sử dụng lao động từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, đặc biệt dưới 13 tuổi còn chặt chẽ hơn, trong đó nhấn mạnh về việc nghiêm cấm “ảnh hưởng xấu đến nhân cách” của trẻ em. Cho dù đây là hoạt động nghệ thuật nhưng đã trực tiếp xâm hại đến quyền trẻ em, khách thể được pháp luật bảo vệ rất chặt chẽ. THS LUẬT PHẠM VĂN CHUNG

 THÙY TRANG 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top