Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Đối thoại” với tác phẩm để hiểu cuộc sống

Thứ Hai 20/05/2019 | 09:50 GMT+7

VHO- Mới đây, lần đầu tiên các học sinh lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. HCM) được trải nghiệm tiết học Văn theo chuyên đề, một phương pháp học tập mới giúp các em tìm hiểu sâu về tác phẩm bằng nhiều hình thức như thao giảng, thuyết trình trên sân khấu, thực hiện video clip phỏng vấn, nghệ thuật dẫn chuyện trước công chúng, vẽ tranh minh họa tác phẩm,…

Học sinh thực hiện thao giảng trong tiết học Văn

 Buổi học đã diễn ra đầy hào hứng với sự tham gia của đông đảo học sinh và giáo viên, người đồng hành và gợi mở phương pháp học tập theo hình thức thao giảng mới mẻ này là cô Trần Thị Nhàn Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn của trường. Cô giáo trẻ Nhàn Thanh cho hay, trong lúc dạy tác phẩm Truyện Kiều, thấy các em say mê và mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, từ đó cô giáo đã lên ý tưởng tổ chức chuyên đề văn học về vấn đề “Độc giả và quá trình tiếp cận sáng tác văn chương”, chọn sáng tác và khía cạnh Đoạn trường tân thanh của tác giả Nguyễn Du, khảo sát dựa trên các vấn đề: mối tình Thúy Kiều - Kim Trọng, Thúy Kiều - Từ Hải, các nhân vật Thúy Vân, Hoạn Thư, Thúc Sinh, Sở Khanh…

Cách ứng xử của bạn trong tình huống này?

Đối tượng học sinh được chọn thực hiện thao giảng là học sinh thuộc lớp chọn ban AB và lớp chọn ban A2D. “Việc thay đổi hình thức dạy và học nhằm mong muốn các em học tập hứng thú hơn, thoát ra khỏi những dòng chữ khô cứng trong sách vở, để các em có dịp tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, nhất là những tác phẩm nổi tiếng”, cô Nhàn Thanh cho biết. Để “trình diễn” cho buổi học đặc biệt này, các học sinh đã chuẩn bị trong hơn 3 tuần, chia nhóm để thực hiện các phần việc như lựa chọn vấn đề nghiên cứu, viết kịch bản, phân công thuyết trình, thực hiện phỏng vấn có ghi video clip để chiếu trong buổi thao giảng hoặc vẽ tranh minh họa cho tác phẩm,... Giáo viên tổ chức các tiết dạy trích đoạn trong sách giáo khoa theo thứ tự Thề nguyền, Trao duyên, Nỗi thương mình, Chí khí anh hùng, đồng thời tổ chức cho học sinh các tiết luyện kỹ năng đọc, hiểu, viết để trình bày ý kiến cá nhân về các trích đoạn đã học.

Trần Nguyễn Minh Nhật, nam sinh lớp 10A13 chia sẻ, trong tiết dạy Văn trước đó, cô Nhàn Thanh bất ngờ cho một nhóm học sinh hóa thân vào các nhân vật trong Truyện Kiều rồi viết lại nhật ký về Ngày trao duyên - đoạn nhân vật Thúy Kiều quyết định bán mình chuộc cha, trao duyên, trao mối tình với Kim Trọng cho em gái Thúy Vân,… Từ đây, nhóm Minh Nhật và các bạn cho ra tuyển tập “Nhật ký Ngày trao duyên”, tập hợp các bài viết cảm nhận của từng thành viên trong nhóm và cũng là nội dung để thực hiện trong buổi thao giảng của nhóm. Liên quan đến chủ đề này, các học sinh đã đặt nhiều câu hỏi thú vị như “Mình thấy Thúy Kiều chọn chữ hiếu khi bán mình chuộc cha là phải đạo, việc Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân để không bội ước với Kim Trọng cũng là phải đạo, vậy các bạn có nghĩ Thúy Kiều là hình mẫu của con người đạo đức thời phong kiến không?”, “Cách ứng xử của các bạn trong tình huống này?”, “Cảm nghĩ của các bạn trong từng nhân vật?”…

Các học sinh bên bộ tranh minh họa “Truyện Kiều”

Như thế sẽ hiểu tác phẩm sâu hơn

Trong khi đó, lấy cảm hứng từ Đoạn trường tân thanh, nhóm các học sinh có năng khiếu hội họa đã thực hiện 5 tác phẩm tranh với 5 phân cảnh tiêu biểu trong Truyện Kiều, như Thề nguyền, Trao duyên, Thúy Kiều đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư, Thúc - Kiều chia tay, Từ Hải chết. Học sinh Phùng Phương Linh, lớp 10A13, một trong năm thành viên thực hiện bộ tranh cho hay: “Việc khó khăn nhất khi chúng em thực hiện bộ tác phẩm này là do chưa đọc hết tác phẩm nên rất khó hình dung toàn bộ câu chuyện để chọn phân đoạn nào tiêu biểu nhất, nhưng cũng nhờ vậy mà nhóm có cảm hứng đọc hết Truyện Kiều để hiểu sâu hơn về tác phẩm. Đồng thời cách tạo bối cảnh, thể hiện được thần thái nhân vật cũng là một thử thách không nhỏ,… Tuy nhiên, qua đây chúng em cảm nhận cách học văn mới thông qua hình thức thao giảng này đã mang đến nhiều thú vị, bổ ích, chúng em ghi nhớ tác phẩm sâu hơn”.

Các học sinh cho hay thông qua tác phẩm Truyện Kiều cũng như các bài viết cảm nhận, nêu vấn đề để mổ xẻ sâu hơn câu chuyện và các nhân vật, đã mang đến cho các em nhiều bài học ở đời về cách ứng xử, về đạo lý làm người.

Cô Nguyễn Ái Trà My, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn cho biết, nhà trường đang khuyến khích các phương pháp sáng tạo của giáo viên nhằm mang lại hiệu quả trong việc dạy và học, trong đó dạy học theo chuyên đề, theo hình thức thao giảng là phương pháp mới được học sinh hứng thú, nhà trường đánh giá cao. Qua đây tạo điều kiện cho học sinh đọc những đoạn trích một cách đầy đủ không có trong chương trình sách giáo khoa, từ đó có cái nhìn thấu đáo và suy nghĩ sâu sắc hơn về tác phẩm. Bên cạnh đó rèn luyện các kỹ năng, kỹ thuật để hoàn chỉnh yêu cầu tiết học đặt ra, như kỹ năng đọc - hiểu văn bản, cách sử dụng tiếng Việt và làm văn. Trong đó quan trọng nhất là giúp học sinh biết trân trọng giá trị của tác phẩm, có sự đối thoại với tác phẩm để rút ra những bài học trong cuộc sống. 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top