Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tuyển sinh khối ngành văn hóa, thể dục thể thao và du lịch năm học 2019-2020: Trăm cái khó bủa vây

Thứ Sáu 17/05/2019 | 10:26 GMT+7

VHO- Thực trạng công tác tuyển sinh và đào tạo, những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành đã được tập trung bàn thảo tại Hội thảo khoa học “Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch năm học 2019-2020” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 15.5 tại TP.HCM, có sự tham dự của 28 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong cả nước.

 Có một thực trạng chung là tại các cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong những năm học vừa qua, đặc biệt là tuyển sinh ở khối năng khiếu như văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao đang giảm dần.

Tỷ lệ tuyển sinh giảm dần

Thống kê cho biết, năm học 2018-2019, 28 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ được giao trên 16.600 chỉ tiêu. Thực tế, các trường chỉ tuyển sinh được trên 13.600 thí sinh, chiếm 82%. Nếu như ngành du lịch tuyển sinh khả quan hơn với 105% thì khối văn hóa nghệ thuật đạt 74%, khối ngành thể dục thể thao thấp nhất với 52%.

Phân tích nguyên nhân này, PGS.TS Bùi Quang Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết, việc quy định một thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng; các cơ sở đào tạo được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm theo đề án riêng; mức điểm sàn xét tuyển tương đối thấp dẫn đến số lượng thí sinh lựa chọn vào các trường nghệ thuật và thể dục thể thao giảm. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường, các ngành nghề đào tạo, cùng với sự cấp phép mới cho các cơ sở đào tạo về việc mở mã ngành cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao.

Ngoài ra, theo các trường, đào tạo văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, tiêu chí hàng đầu phải là có năng khiếu, thời gian đào tạo kéo dài, tuổi nghề lại ngắn. Sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng lương thấp, dẫn đến tuyển sinh khó. Một số trường địa bàn tuyển sinh chủ yếu là vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn nên sau khi trúng tuyển nhập học một thời gian thì học sinh, sinh viên bỏ về vì không đủ điều kiện theo học.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ GD&ĐT đến ngày 11.5 cho biết, năm 2019 có gần 234.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp (chiếm trên 26%). Với chỉ tiêu đã được phê duyệt, tỷ lệ cạnh tranh các trường là 1 chọi 0,74. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học là 3,94 nguyện vọng… Từ con số thống kê này cho thấy, công tác tuyển sinh năm 2019 đối với các cơ sở văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2018 vì đều là các trường thuộc nhóm ít được thí sinh và phụ huynh quan tâm.

Dự báo vài năm tới sẽ thiếu cán bộ trầm trọng

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, có những ngành rất khó tuyển sinh như Văn hóa dân tộc thiểu số, ngành Bảo tàng học, trong khi nhu cầu thực tế là có. “Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thường xuyên gửi công văn đến trường xin đào tạo nguồn nhân lực này. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, biết được mức lương quy định hiện nay khá khiêm tốn nên các em chấp nhận ở lại TP.HCM làm việc khác chứ không về địa phương”, PGS.TS Lâm Nhân cho hay. Ông cũng cho biết, đối với tên ngành Bảo tàng học như hiện nay cũng là yếu tố cản trở thí sinh đăng ký vào vì tên ngành như vậy là khá hẹp, trường đang đề nghị mở ngành Di sản văn hóa, trong đó có đào tạo cả nhân lực cho ngành Bảo tàng và các ngành khối di sản.

Thí sinh thi năng khiếu vào trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích về học phí cho sinh viên các ngành này. “Với những thách thức như hiện nay, dự báo trong vài năm tới sẽ thiếu trầm trọng cán bộ làm công tác văn hóa dân tộc cũng như công tác bảo tàng”, PGS Nhân lo lắng. ThS Nguyễn Thị Thanh Quế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội bày tỏ, tỷ lệ người có năng khiếu nghệ thuật đăng ký vào học giảm dần dẫn đến tình trạng thiếu hụt đầu vào chất lượng cao, thiếu hụt nguồn nhân lực có năng khiếu thật sự. Trường gặp khó đối với tuyển sinh các ngành Biên kịch sân khấu, Lý luận - lịch sử và phê bình sân khấu. Theo Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam PGS.TS Lê Anh Tuấn, với đặc thù đào tạo thời gian dài, đòi hỏi cao về chất lượng, tính đào thải và sàng lọc khắt khe, nên trong những năm qua tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng tương đối lớn. Lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam cũng nêu thực tế, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn bởi các yếu tố chi phối như môi trường làm việc sau tốt nghiệp cùng với chế độ ưu đãi tuổi nghề chưa thực sự phù hợp nên không thu hút người học, đặc biệt là việc tìm kiếm học sinh, sinh viên tài năng.

Đại diện khối ngành thể dục thể thao, PGS.TS Đặng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh tâm tư, trong 5 năm trở lại đây, trường rất vất vả trong công tác tuyển sinh ở tất cả các bậc học, từ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Có một thực tế là sinh viên cùng ngành Giáo dục thể chất, nhưng nếu học tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao hoặc các khoa Giáo dục thể chất của các trường sư phạm thì được miễn học phí, điều này làm cho các thí sinh có tâm lý so sánh, cân nhắc khi lựa chọn trường dự tuyển.

Các trường có thể áp dụng cơ chế đặc thù, nhưng…

Trước những khó khăn hiện nay của các trường, Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét có cơ chế đặc thù, có quy định riêng trong tuyển sinh và đào tạo cho khối ngành văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao. Vụ Đào tạo cũng đề nghị Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách thức tuyển sinh đại học thông qua việc xét học bạ THPT để phân phối nguyện vọng giữa các bậc đào tạo, có các chính sách mạnh mẽ hơn trong công tác phân luồng học sinh vào các trường nghề…

Trả lời những thắc mắc và kiến nghị từ các trường, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với những đề xuất về cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo khối các ngành văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao, qua trao đổi và đi đến thống nhất cùng với Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), thì các trường có thể hoàn toàn áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo với nguyên tắc phù hợp nhưng không hạ chuẩn chất lượng, phải giải trình được với xã hội, phù hợp với giai đoạn hiện nay đồng thời tiệm cận được với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong những năm học trước, hai Bộ cũng đã giải quyết một số cơ chế đặc thù trong tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng giảng viên, và sắp tới các trường có thể tiếp tục đề xuất các cơ chế đặc thù phù hợp để Bộ GD&ĐT đưa vào quy chế. Còn về bài báo quốc tế trong tuyển nghiên cứu sinh, bà Phụng cho hay nếu người dự tuyển không có thì có thể thay bằng tác phẩm được đi thi quốc tế hoặc có các bài báo đăng tải trên các tạp chí tiếng Anh… Bà Phụng lưu ý, các trường khối Bộ VHTTDL cần quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận vì hiện nay nguồn nhân lực trong khối ngành này rất thiếu.

TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết sẽ phân loại các kiến nghị, đề xuất của các trường, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT cũng như Bộ LĐ,TB&XH để tháo gỡ, giải quyết, tạo thuận lợi cho các trường. TS Hùng cũng đề nghị các cơ sở đào tạo trong thời gian tới tập trung công tác tuyển sinh, thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo an toàn trong mùa tuyển sinh mới. 

Các trường có thể hoàn toàn áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo với nguyên tắc phù hợp nhưng không hạ chuẩn chất lượng, phải giải trình được với xã hội, phù hợp với giai đoạn hiện nay đồng thời tiệm cận được với tiêu chuẩn quốc tế.

(TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT)

 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top