Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Viết tiếp bài “Phù phép” đất công viên thành nơi kinh doanh thương mại”: UBND huyện Đăk Hà cho thuê có trái luật?

Thứ Sáu 17/05/2019 | 09:41 GMT+7

VHO- Đây là vấn đề rất được dư luận và người dân sở tại quan tâm, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng liên quan, UBND tỉnh Kon Tum cần vào cuộc kiểm tra để có câu trả lời thỏa đáng. 

 Đất công viên nay bị biến thành trung tâm thương mại

Văn Hóa (số 3253, ra ngày 15.5) có bài “Kon Tum: “Phù phép” đất công viên thành nơi kinh doanh thương mại” phản ánh về việc chính quyền huyện Đăk Hà đã biến đất công viên thành đất thương mại - dịch vụ. Theo đó, năm 2016, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà là ông Hoàng Nghĩa Trí đã ký 2 quyết định số 1385/QĐ- UBND cho ông Đinh Xuân Ba thuê diện tích hơn 10.500m2 đất của công viên 24.3 và quyết định 1386/QĐ-UBND cho ông Phan Thanh Trường (cùng thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) thuê diện tích gần 11.200m2 trong khuôn viên công viên Đăk Hà. Thời hạn cho thuê 2 khu đất trên là 30 năm, bắt đầu từ ngày 1.11.2016 theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm để xây dựng những công trình kiên cố… 
Để có câu trả lời cho việc “phù phép” đất công viên cây xanh sang đất “kinh doanh, thương mại”, cũng như căn cứ vào quy định nào để cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhiều hạng mục công trình trên đất vốn dĩ là nơi vui chơi, giải trí phục vụ cho đại đa số người dân, phóng viên đã tìm đến các cơ quan chức năng để xác minh rõ hơn về việc làm của UBND huyện Đăk Hà. Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng cho rằng, việc cấp giấy phép xây dựng các công trình trên khuôn viên công viên là trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ của UBND huyện Đăk Hà cung cấp gồm hợp đồng cho thuê đất; quyết định cho thuê đất; giấy phép quy hoạch. “Nếu việc cho thuê đất công viên là sai thì UBND huyện Đăk Hà phải chịu trách nhiệm, còn trách nhiệm của Sở Xây dựng chỉ quản lý các công trình mình đã cấp phép”, ông Lưu nói. 


 "Sổ đỏ" được Sở TN-MT Kon Tum cấp 

Về phía đơn vị cấp đổi quyền sử dụng đất, biến đất công viên cây xanh trở thành đất sở hữu riêng thì lại cho rằng chỉ làm theo hướng dẫn. Theo đó, ông Trịnh Ngọc Hiểu, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT Kon Tum) cho hay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho các cá nhân tại hai khu đất công viên ở huyện Đăk Hà là do huyện đã cho thuê, chỉ cấp bổ sung tài sản trên đất. Cũng theo ông Hiểu, “sổ đỏ” do ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà ký, ghi mục đích sử dụng đất là “Đất khu vui chơi, giải trí”. Tuy nhiên, khi cấp bổ sung tài sản thì trong luật, nghị định và hệ thống văn bản hướng dẫn không có mục đích sử dụng là đất “khu vui chơi, giải trí”. Do vậy, để hợp thức tài sản trên đất mà vẫn đúng theo quy định, sau đó căn cứ theo hồ sơ huyện cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng cho diện tích đất này thực hiện việc kinh doanh nên cấp thành “đất thương mại, dịch vụ”. “Còn việc cấp chuyển đổi chúng tôi cấp theo hồ sơ, chứ không phải tự ý”, ông Hiểu khẳng định. 
Việc hai công viên rơi vào tay tư nhân rồi “biến tướng” thành nơi kinh doanh quán cà phê, phòng tập Gym… khiến người dân bức xúc và đặt câu hỏi, đất công viên nhưng người dân không được vui chơi, giải trí, còn các công trình dịch vụ vẫn hằng ngày thu lợi trên thửa đất vốn dành cho mục đích công ích. “Từ khi công viên cho thuê rồi thành quán xá, người dân xung quanh công viên không còn nơi để tập thể dục mỗi ngày, nếu đi phải đi dưới lòng đường vừa bất tiện và nguy hiểm rình rập. Đất công viên cải tạo đi cải tạo lại cuối cùng không thấy đâu, giờ lại biến thành công trình đồ sộ phục vụ lợi ích cho cá nhân”, một người dân sống thị trấn Đăk Hà bức xúc nói. 
Không chỉ mất nơi vui chơi, giải trí, tập thể dục mỗi ngày mà theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây UBND huyện Đăk Hà đã từng “xẻo” một phần diện tích được quy hoạch làm công viên Đăk Hà chuyển cho cá nhân để lấy kinh phí xây dựng, tu bổ công viên phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc sửa chữa, xây dựng thì chẳng thấy đâu, còn đến thời điểm này nếu người dân muốn có công viên cây xanh chắc phải chờ 27 năm sau khi hợp đồng cho thuê hết hiệu lực. 
Bên cạnh ý kiến của người dân thì dư luận cũng cho rằng, từ việc cho thuê rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì việc làm này của UBND huyện Đăk Hà có trái với quy định của Luật Đất đai hiện hành? Bây giờ muốn vào “tư viên” người dân nơi đây phải nộp phí, mà có lẽ cũng không mấy ai muốn bỏ tiền chỉ để ngồi ngắm cảnh tượng đài phía trước đường, vì cũng không còn đất để nhân dân đi lại như trước kia khi nhiều công trình đồ sộ đã mọc lên tại khu đất này. 

 NGUYỄN GIÁC 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top