Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bộ GD&ĐT kỳ vọng “trám lỗ hổng” kỳ thi THPT quốc gia

Thứ Tư 15/05/2019 | 10:41 GMT+7

VHO- Thay đổi một số khâu trong kỳ thi, có những cải tiến nhất định trong phương thức thi, tăng cường giám sát trong công tác tổ chức thi và chấm thi..., Bộ GD&ĐT hy vọng sẽ nâng cao tính nghiêm túc, hạn chế được gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

 Thí sinh tại điểm thi THPT Đồng Quan, Hà Nội Ảnh: QUỐC HÙNG

Tuy nhiên nhiều người cho rằng, đó mới chỉ là những giải pháp tình thế và chưa thể nói gì về hiệu quả.

Những đổi mới

Năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều động cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi. Đáng chú ý, các trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình, trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ được tăng cường và quy định cụ thể hơn. Quy chế mới cũng quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, theo đó các thí sinh tự do, thí sinh là học viên GDTX phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT có tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi.

Tiếp đó, khu vực lưu trữ đề thi, bài thi sẽ có camera an ninh giám sát và lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ, quy định cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi, trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do Phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện. Đồng thời các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi để đảm bảo khách quan. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Cùng với đó sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, tiến hành “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh, tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng... Đối với việc chấm bài thi tự luận do sở GD&ĐT chủ trì, quy chế có quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra, yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót, khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi.

Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi. Bộ GD&ĐT cũng tiến hành phân tích, đánh giá các chỉ số thống kê kết quả thi của các Hội đồng thi và của cả nước để kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận (nếu có) trước khi công bố kết quả thi.

Những thí sinh liên quan gian lận thi sẽ bị xử lý thế nào?

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), quy chế thi đã quy định rõ về xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi, cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi và xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi. Theo đó, các mức độ xử lý sai phạm của thí sinh gồm cảnh cáo, đình chỉ thi, trừ điểm bài thi, hủy bỏ kết quả thi, hủy bỏ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm. Riêng đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định. Khi được hỏi về việc xử lý những phụ huynh và học sinh liên quan đến gian lận điểm thi đang tiếp tục được học ở các trường ĐH, ông Mai Văn Trinh khẳng định, hiện nay 39 thí sinh của Hà Giang, 12 thí sinh Sơn La, Hòa Bình có liên quan đến gian lận điểm thi đang tiếp tục được học ở các trường ĐH nhưng tới đây, khi kết quả điều tra rõ ràng, thí sinh liên quan đến đâu, cán bộ liên quan đến đâu, phụ huynh liên quan đến đâu sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ông Mai Văn Trinh cũng nhấn mạnh, liên quan đến xử lý tiêu cực thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, quan điểm của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an là xử lý rất quyết liệt, tuy nhiên việc xử lý sai phạm phải dựa trên chứng cứ thuyết phục về mặt pháp luật, để làm sao vừa xử lý nghiêm, nhưng cũng phải tránh cực đoan và tránh bị lợi dụng để làm mất an toàn xã hội.

Trả lời về việc xử lý thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT tại các trường ĐH, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường. Việc xử lý sai phạm liên quan đến kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh không chỉ được áp dụng bởi các quy định trong Quy chế mà còn các quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật khác và các quy định cụ thể, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH có quyền và trách nhiệm xử lý, không cần đợi chỉ đạo của Bộ. Thực tế các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đặc biệt là quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý được ngay đối với các loại vi phạm trong gian lận thi cử.

Tuy Bộ GD&ĐT áp dụng khá nhiều giải pháp đổi mới trong phương thức thi THPT quốc gia 2019 nhưng nhiều chuyên gia và dư luận cho rằng, chưa có một sự phân tích thấu đáo để chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể vi phạm để có hình thức xử lý dứt điểm, những lỗ hổng chết người trong phương thức thi để có một phương thức tối ưu nhất. Và như vậy những giải pháp hiện được áp dụng chỉ là giải pháp tình thế và rất khó tính trước hiệu quả. 

 QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top