Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hàng trăm ông thợ cối đi chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Tư 08/05/2019 | 10:46 GMT+7

VHO- Khi quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương trong Đông Xuân 1953- 1954, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tính toán khá kỹ về thuận lợi và khó khăn của cả hai bên khi trận đánh xảy ra, nhất là vấn đề hậu cần.

 Binh chủng vận tải đặc biệt bằng xe thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ Ảnh: TTXVN

Trong cuốn Đông Dương hấp hối tướng Nava viết: “Điện Biên Phủ cách đồng bằng 200 kilômét và cách biên giới Trung Quốc 300 kilômét. Đường nối liền đến biên giới này thì không có hoặc trước kia đã bị phá hoại. Vì vậy, muốn tấn công Điện Biên Phủ, quân đoàn tác chiến Việt Minh chỉ có thể tiếp tế bằng những đoàn dân công. Do đó chúng chỉ có thể phát huy uy lực một cách hạn chế”. Còn Giuyn Roa (Julls Roy), trong cuốn Trận Điện Biên Phủ thì tính toán chi li rằng: “Một người cu li mang được nhiều nhất là 22 kg và mỗi ngày đi được 20 km và ăn hết 1 kg, nếu còn phải quay về thì xem như hắn dùng mất 2 kg để đi 20 km. Muốn đi 180 km, hắn cần 18 kg. Như vậy số dư vận chuyển có ích chỉ còn 4 kg”.

Theo tính toán của ta, gạo cần cho chiến dịch là 16.000 tấn. Kinh nghiệm trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, vận chuyển bằng sức người, cứ đưa được 1 kg gạo từ Thanh Hóa lên Nghĩa Lộ phải mất 24 kg ăn dọc đường. Nếu tính cả số gạo do địch đánh phá và hao hụt do vận chuyển thì số gạo phải huy động trong chiến dịch Điện Biên Phủ phải là 600.000 tấn. Số lượng nhiều như vậy, huy động đã khó, vận chuyển được đến nơi lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, cùng với gạo, còn một khối lượng lớn thực phẩm kèm theo, chưa kể đến thuốc men và vũ khí, quân dụng để bộ đội chiến đấu.

Trước tình hình đó, Bác Hồ cùng với Trung ương Đảng đã phát động “Toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến”. Người đã cử Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đi Thanh Hóa, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng về Liên khu III, để trực tiếp chỉ đạo các địa phương huy động sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.

Ta đã huy động 26 vạn dân công cùng với hơn 3 triệu ngày công, hơn 1 vạn 2 nghìn thanh niên xung phong, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 con ngựa, 446 xe ô tô, bộ đội hậu cần có 3.168 người.

Hậu cần tại chỗ là rất quan trọng. Nhân dân Tây Bắc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ đã góp được 7.311 tấn gạo (chiếm 43% số gạo sử dụng tại mặt trận). Nhiều gia đình mang cả thóc giống ra ủng hộ Việt Minh. Thóc nhiều quá, giã bằng cối tay của đồng bào không xuể. Trung ương phải điều hàng trăm thợ đóng cối ở Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên đem theo dụng cụ lên Tây Bắc để đóng hàng ngàn cối xay lúa. Lần đầu tiên và cũng bắt đầu từ đó, đồng bào các dân tộc có thêm một công cụ mới là cối xay lúa để làm ra hạt gạo nuôi quân đánh giặc.

Y.Gra, trong cuốn Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương đã viết: “Cả dân tộc đã tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần, và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp”, còn Giuyn Roa, trong cuốn Trận Điện Biên Phủ thì viết: “Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô của Pháp đã thồ được 200 đến 300 kg, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm ni lông trải trên mặt đất.

Tóm lại, tướng Nava không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương.

Chúng ta thì khẳng định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là “cột mốc bằng vàng” của lịch sử, đó là chiến công chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, có sự hiệp đồng chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ cả nước, sự giúp đỡ chí tình của bạn bè ta khắp năm châu, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp. 

Đại tá NGUYỄN HUY TOÀN - Nhà nghiên cứu Tư tưởng - Văn hóa quân sự

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top