Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Công an phường, xã sẽ tham gia hỗ trợ cai nghiện

Thứ Tư 08/05/2019 | 10:32 GMT+7

VHO- Mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng. Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình này.

 Điều phối viên tư vấn cho người sử dụng ma tuý tại phường Bồ Đề (quận Long Biên)

 

 Công tác cai nghiện ma tuý gặp nhiều thách thức

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, hiện có 13.410 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý (tăng 600 người so với cuối năm 2018), trong đó 57% (khoảng 7.650 người) sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho rằng, thực tế số người nghiện ma tuý, sử dụng ma tuý còn cao hơn rất nhiều nhưng do có nhiều khó khăn, bất cập theo quy định của pháp luật mà chưa thể thống kê hết được.

“Để giải quyết vấn đề này, Thành phố đã triển khai nhiều mô hình tổ chức quản lý, cai nghiện chữa trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác cai nghiện ma tuý đang phải đối mặt với thách thức đến từ việc sử dụng ma tuý tổng hợp dạng đá và nhiều loại nguy hiểm khác như cần sa, cỏ Mỹ, nấm thần… khiến công tác dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn. Những người mới sử dụng ma tuý tổng hợp có thể can thiệp điều trị được vì chưa có tổn thương nặng thực thể vỏ não và bản thân chưa gây tác động xấu cho xã hội thì thường rất khó phát hiện để can thiệp điều trị kịp thời. Còn người sử dụng ma tuý tổng hợp lâu dẫn đến nghiện nặng, có biểu hiện “ngáo” thì dễ phát hiện hơn nhưng lúc này việc điều trị lại vô cùng khó khăn do người nghiện đã chuyển thành dạng bệnh lý tâm thần, đã có tổn thương thực thể vỏ não”, ông Thái chia sẻ.

Các mô hình cai nghiện ma tuý mà Hà Nội đã áp dụng như mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; mô hình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, sau cai nghiện; điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone; điều trị bằng chuyên môn chủ yếu sử dụng phác đồ An thần kinh, điều trị bằng thảo dược hay một số phác đồ về tâm lý xã hội khác. Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho rằng, các mô hình và phác đồ này tuy còn hạn chế nhưng về cơ bản đã đem lại hiệu quả tích cực. Thực tiễn cho thấy, hình thức, loại ma tuý sử dụng luôn có sự biến tướng, thay đổi và đi trước. Do đó, cần phải nghiên cứu và áp dụng những mô hình phù hợp nhằm ứng phó với việc sử dụng ma tuý tại từng thời kỳ, từng giai đoạn. “Tình hình mới đòi hỏi chúng ta cần thiết lập và phát triển một mạng lưới nhằm giúp cộng đồng sớm phát hiện, tiếp cận, can thiệp và cung cấp các dịch vụ y tế, cai nghiện và tâm lý xã hội cho người sử dụng ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp dạng đá trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn”, ông Thái nói.

Lực lượng công an sẽ là cánh cửa hỗ trợ người nghiện

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2596 về Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020, trong đó nêu rõ việc tăng số người điều trị cai nghiện tại cộng đồng, giảm số người cai nghiện bắt buộc, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”. Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai thí điểm mô hình này. Với sự hỗ trợ của ngành LĐ,TB&XH Hà Nội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), mô hình bước đầu được thực hiện tại sáu điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) thuộc hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm từ cuối tháng 4.2019.

Tại mô hình này, lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường, xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, giúp mô hình có điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng, nghiện ma tuý tại cộng đồng. Điều này được đánh giá là rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Đồng thời sẽ góp phần tạo điều kiện hơn nữa để người sử dụng ma tuý cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI cho biết, với kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế về tư vấn và điều trị nghiện ma tuý, mô hình này có nhiều ưu điểm về tính hiệu quả và khả thi. Sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong mô hình, vì họ là bộ phận tiếp xúc với người sử dụng, nghiện ma tuý tại địa bàn nhiều nhất (bên cạnh các nhóm cộng đồng của người sử dụng ma tuý) nên họ là “cánh cửa” đầu tiên để người sử dụng ma tuý được tiếp xúc với những thông tin về hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện... Sau đó, người sử dụng, hoặc nghiện ma tuý được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp với tình trạng và nhu cầu của họ như điều trị viêm gan B, C, HIV... Mô hình công an tham gia chuyển gửi người nghiện ma tuý còn tác động đến những khía cạnh quan trọng khác như giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật gần 60% và tăng tỷ lệ có việc làm đến 30%.

Ngoài lực lượng công an, các yếu tố khác trong mô hình phải kể đến vai trò của người điều phối viên cộng đồng và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý xã hội và điều trị tự nguyện tại cộng đồng dành cho người sử dụng hoặc nghiện ma tuý mới tạo nên sự tổng hoà và đem đến hiệu quả tối ưu của mô hình. Điều phối viên cộng đồng sẽ được tuyển chọn trên địa bàn với các tiêu chí: Nhiệt tình, cởi mở, không e ngại hay kỳ thị người sử dụng hay nghiện ma tuý, ưu tiên những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ người sử dụng ma tuý hoặc từng công tác trong đội ngành phòng, chống tệ nạn xã hội, đội công tác tình nguyện xã hội…

Nói về những thách thức đối với thành công của mô hình trong thời gian tới, bà Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ: “Vấn đề trở ngại đối với bất cứ mô hình hỗ trợ người sử dụng ma tuý ở bất cứ quốc gia, trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào đó chính là người sử dụng ma tuý luôn là một trong những nhóm ít nhận được sự cảm thông và bị kỳ thị nhiều nhất trong xã hội. Nhưng có thể thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, chính sách của nhà nước cũng như nhận thức của xã hội về người sử dụng ma tuý tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, điều đó chứng tỏ chúng ta có thể tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa bằng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành và lĩnh vực. Nếu mô hình này được thực hiện đúng, bài bản, chuyên nghiệp sẽ đem đến một diện mạo mới và quan trọng là lòng tin của xã hội, tiếp đó là sự chung sức của cộng đồng thực hiện các chính sách đầy tính nhân văn về người sử dụng ma tuý mang đến một cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn cho mọi người”. 

 NGUYÊN KHANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top