Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn:  Cần nâng cao mức phạt

Thứ Tư 08/05/2019 | 10:05 GMT+7

VHO- Sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại hầm Kim Liên làm chị Trần Thị Quỳnh và Đinh Thị Hải Yến tử vong, nhóm cựu học sinh phổ thông trung học niên khoá 1991-1994 gồm hơn 10.000 người tại Hà Nội đã phát động phong trào gắn logo trên facebook với thông điệp “Không uống rượu bia khi lái xe”, “Uống rượu bia khi lái xe là tội ác”…

 Một vụ tai nạn nghiêm trọng do lái xe say rượu gây ra (nguồn: Báo công an nhân dân)

 

 Lãnh đạo Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, rất hoan nghênh và ủng hộ phong trào này của cộng đồng mạng, đồng thời đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến khích chủ xe mỗi khi tới kỳ đăng kiểm dán logo, decal miễn phí lên xe, nội dung thông điệp là nhắc nhở người điều khiển phương tiện không được sử dụng rượu bia khi lái xe…

Tuyên truyền, kêu gọi là chưa đủ

Tiếp đó, Bộ GTVT cũng ban hành văn bản về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ ATGT và các đơn vị có liên quan: trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện trước khi xuất bến tại các bến xe, đầu nguồn hàng, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện...

Bộ GTVT cũng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2020. Đồng thời, vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp tài liệu (video clip, tờ rơi, thông điệp…) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”… Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy an ATGT Quốc gia cho biết, Ủy ban hiện đang triển khai các chương trình kết hợp với nhà hàng (như dán thông điệp “đã uống rượu bia thì không lái xe” tại bàn nhậu) với mục tiêu giúp cộng đồng nhận thức được họ sử dụng phương tiện công cộng, xe ôm… thay vì tự mình lái xe.

Sửa ngay nhiều quy định

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, hành vi vi phạm nồng độ cồn chủ yếu là người sử dụng phương tiện cá nhân, khung giờ vi phạm chủ yếu là sau giờ ăn trưa và ăn tối, khu vực xảy ra vi phạm thường xuyên chủ yếu tại khu đô thị và thành phố. Lực lượng cảnh sát có quá ít quyền để xử lý, cưỡng chế vi phạm. Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, hành vi vi phạm về nồng độ cồn dẫn đến vi phạm giao thông là tình tiết tăng nặng hình phạt. Bên cạnh đó, Luật quy định với trường hợp “có khả năng xảy ra tai nạn nếu không được ngăn chặn”, thì bị xử phạt. Đây rõ ràng là chưa cụ thể, chưa rõ ràng khiến cho việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Chính vì vậy, không ít trường hợp lái xe say xỉn cự cãi, chống đối khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Mặt khác, CSGT khi phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn thì cũng chưa có quy định và chế tài để giữ người và phương tiện, vẫn chỉ xử phạt rồi để người, phương tiện tiếp tục lưu hành. Đây là một lỗ hổng cần phải được quy định rõ ràng, chặt chẽ để phòng ngừa và kiên quyết xử lý đối với những người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Hiện nay, trong Nghị định 46, mức xử phạt cao nhất là từ 16 - 18 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Sau khi có quy định này, trong một thời gian, các tài xế có vẻ “chùn tay”. Tuy nhiên, việc “phạt lần nào, dứt điểm lần ấy”, không bị lưu hồ sơ hay phạt lũy tiến, lao động công ích, tước bằng vĩnh viễn, tăng mức phạt tù... đã khiến tài xế “nhờn” quy định. Do đó, thời gian gần đây, việc lái xe sử dụng rượu bia và gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp đã ở mức báo động. 

  Theo số liệu thống kê của Cục CSGT, năm 2018 có 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Nhưng chỉ 4 tháng đầu năm 2019 có đến 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vượt 45% so với cùng kỳ năm 2018.

 

 Các quy định chưa đủ răn đe

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết:

Tại khoản 1 điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc các trường hợp:

- Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho hai người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Khoản 2 điều 260 này cũng quy định trường hợp có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

Nhìn nhận vào thực tế, chúng ta có thể thấy các quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm, có những quy định hành vi vi phạm nhưng không kiểm soát được. Điển hình như tính trạng tài xế lái xe đường dài, luật quy định thời gian lái xe nhưng thực tiễn không kiểm soát được để xử phạt dẫn đến họ sử dụng chất kích thích để chống buồn ngủ, mệt mỏi, dẫn đến hệ lụy là các tai nạn đáng tiếc.

Một điều nữa, tôi muốn đề cập đến đó là ý thức của một bộ phận người dân tuân thủ pháp luật chưa cao. Với tình hình giao thông diễn biến phức tạp như hiện nay, những hậu quả thiệt hại từ tai nạn giao thông gây ra quá lớn cho xã hội mà rượu bia là một trong những nguyên nhân chính thì đã đến lúc luật nên quy định, chỉ cần uống rượu bia, ma túy, chất kích thích sau đó lái xe thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cần thiết có thể bổ sung các chế tài cho từng tình huống cụ thể nhằm xử lý các hành vi trên đủ mạnh, nghiêm minh, triệt để mới có thể răn đe, giáo dục. KIM CHIẾN (ghi)

 

 HOÀNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top