Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tổ chức sự kiện ở di tích: Không phải thích thế nào cũng được

Thứ Tư 01/05/2019 | 14:28 GMT+7

VHO- Đã qua nhiều ngày nhưng hình ảnh phản cảm, xấu xí tại “Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019” ở Hoàng thành Thăng Long vẫn khiến dư luận chưa thôi bức xúc. Vì sao tại một di tích mà chỉ nên là nơi tổ chức những hoạt động, nghi lễ trang trọng lại có thể mở cửa cho sự xô bồ hổ lốn, nhộn nhạo không khác gì một hội chợ giảm giá?

 Chuyên gia văn hóa bức xúc lên tiếng, đã đến lúc cần sự nghiêm khắc không chỉ ở mức cảnh báo, để những di tích không thể tiếp tục là địa điểm diễn ra các sự kiện hội hè nhầu nhĩ như thế.

 Festival tại Hoàng thành bán hàng như Hội chợ giảm giá

Không phải nơi để tùy tiện

Quy chế tạm thời quản lý, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội do Hà Nội ban hành đã quy định việc quản lý và tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động tại địa danh này. Trong đó ưu tiên tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng của quốc gia và Hà Nội; các sự kiện, lễ hội, hoạt động nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể về Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, nhằm góp phần quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản.

Các sự kiện, lễ hội, hoạt động không được tổ chức tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cũng được quy định gồm các sự kiện, lễ hội, hoạt động vi phạm các quy định cấm tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Các sự kiện, hoạt động thuần túy thương

 mại; các sự kiện, lễ hội, hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị khu di sản, vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng thuộc diện “cấm”.

Thực tế, Hoàng thành Thăng Long nhiều năm qua đã trở thành điểm hẹn của không ít sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn như Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa; Lễ hội áo dài Hà Nội... Bên cạnh đó là những sự kiện, lễ hội văn hóa nhân các kỳ, cuộc như Ngày di sản, Trung thu, Chào năm mới... cũng được tổ chức theo kiểu đến hẹn lại lên.

Việc đưa các sự kiện vào di tích lâu nay vẫn là câu chuyện có nhiều tranh luận trái chiều. Không ít chuyên gia văn hóa phản đối việc mang các hiện vật xô bồ, âm nhạc xập xình... vào trong không gian Hoàng thành nói riêng và hệ thống các di tích nói chung. “Đó không phải là nơi thích mang gì vào cũng được...”, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Trần Hữu Sơn, đã đến lúc vấn đề tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở di tích cần được nhìn nhận và siết lại một cách nghiêm túc. Tổ chức hoạt động nào cũng cần phải lựa chọn kỹ càng, phải là hoạt động có dấu ấn và quan hệ hữu cơ với di tích. “Đáng lo là ở nhiều nơi, nhiều di tích dù không có các lễ hội gốc truyền thống nhưng người ta vẫn tổ chức lễ hội trong di tích. Lo hơn nữa là những sự kiện được tổ chức mà hoàn toàn không nghiên cứu về tính chất, chức năng, nhiệm vụ của di tích. Nhiều di tích mang dấu ấn của các nền văn hóa truyền thống, trang nghiêm thì người ta lại ăn mặc kiểu hội hè, ngôn ngữ chợ búa và có nhiều hành vi phản cảm... Đó là những hoạt động có thể diễn ra ở các lễ hội carnaval, ngoài đường phố chứ không thể diễn ra trong lòng các di tích”, ông Trần Hữu Sơn nói.

 Cần lựa chọn các hoạt động phù hợp khi đưa vào di tích

Đừng vì cái lợi trước mắt

Sau scandal Festival văn hóa truyền thống Việt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phải nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc. Dù trong vụ việc, Trung tâm chỉ là đơn vị hỗ trợ địa điểm nhưng đã để xảy ra việc festival bán hàng thương mại không phù hợp, bị dư luận chê bai là nhộn nhạo như một hội chợ hàng giảm giá.

Đây cũng không phải lần đầu Hoàng thành Thăng Long để xảy ra những hình ảnh kém đẹp khi tổ chức các sự kiện văn hóa trong di tích. Dư luận và các chuyên gia văn hóa cho rằng, trước khi đổ lỗi cho nhà tổ chức không thực hiện đúng cam kết thì trách nhiệm của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, đặc biệt trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động được tổ chức tại đây.

TS Trần Hữu Sơn cho rằng, sự kiện không phù hợp thì BQL các di tích cần phải biết từ chối. Đơn cử như ở sự kiện vừa rồi, Hoàng thành Thăng Long chỉ hỗ trợ địa điểm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội bị đẩy vào sự “đã rồi” sau khi hoạt động được thành phố cấp phép. Lãnh đạo Trung tâm có thể khước từ việc tổ chức, tuy nhiên sự kiện trước đó lại được đăng ký có vẻ phù hợp. Đơn vị tổ chức đã đưa ra dự án tôn vinh giá trị văn hóa rất hợp lý, trong khi thực tế lại theo kiểu “treo đầu dê”, gồm toàn các hoạt động thương mại không phù hợp.

“Việc đưa hàng hóa vào di tích bán hàng như hội chợ phản ánh mục đích của ban tổ chức, vì lợi ích trước mắt. Vấn đề đáng nói ở đây là không thể vì lợi ích nhỏ trước mắt mà làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích”, theo ông Trần Hữu Sơn.

PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, đơn vị tổ chức sự kiện đã làm sai lệch cam kết và mục đích ban đầu, tạo nên những hình ảnh phản cảm khiến dư luận bức xúc. Điều này cũng đã làm khó cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khi đơn vị này luôn sẵn sàng ủng hộ việc tổ chức các sự kiện tôn vinh văn hóa truyền thống. Ông Bình cũng lưu ý, không nên cực đoan cấm đoán việc tổ chức sự kiện tại di tích. Bài toán cần giải ở đây là tìm được tiếng nói hài hòa giữa các bên, vừa đáp ứng yêu cầu tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo yêu cầu khi khai thác giá trị của di tích. Kinh nghiệm lựa chọn các sự kiện văn hóa truyền thống, phù hợp để đưa vào di tích, góp phần bổ sung hỗ trợ di tích và thúc đẩy phát triển du lịch có thể nhận thấy rõ qua cách làm của Huế. Những sự kiện văn hóa tái hiện hoạt động vương triều xưa, trình diễn nhã nhạc cung đình... vừa tôn vinh những giá trị truyền thống, vừa khiến di tích trở nên sống động hơn.

Đồng tình quan điểm cần lựa chọn sự kiện phù hợp, TS Trần Hữu Sơn lưu ý, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các di tích cần có và thực thi đầy đủ những quy chế, trong đó quy định rõ hoạt động nào được phép tổ chức trong di tích, hoạt động nào không. Chẳng hạn như ở vụ việc tại Hoàng thành, nếu gắn việc tổ chức hoạt động với mục đích quảng bá du lịch thì liệu có nhất thiết phải bán hàng nhảm nhí như vậy hay không? Điều quan trọng nhất là phải tạo điều kiện để du khách trải nghiệm, tìm hiểu về di tích và các giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với di tích. “Nên chăng cần tổ chức những hoạt động như tái hiện sinh hoạt cung đình, văn hóa ẩm thực của Thăng Long xưa hay các hoạt động nghệ thuật truyền thống như ca trù, hát chèo...”, ông Sơn nói.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động là người đã ký báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về việc làm rõ thông tin festival văn hóa Hoàng thành, trong đó nêu rõ trách nhiệm đơn vị tổ chức và đơn vị tiếp nhận địa điểm khi để xảy ra sự việc phản cảm. Ông Động cho rằng, cần ủng hộ việc phải căn cứ từng di tích mà cho phép đưa vào nội dung phù hợp, tuy nhiên cơ quan quản lý di tích đó phải chịu trách nhiệm cao, kiểm soát chặt chẽ để tránh gây nên hiện tượng phản cảm. “Hoàng thành Thăng Long có quy chế riêng rồi, cứ thế mà làm. Tôi cho rằng phải cân nhắc sự kiện khi đưa vào, xem xét năng lực đơn vị tổ chức và đặc biệt nâng cao trách nhiệm của đơn vị quản lý địa điểm và chính quyền địa phương”, trả lời báo chí, ông Tô Văn Động nhấn mạnh. 

 HOÀNG VY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top