Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Của để dành” trên núi Dành

Thứ Hai 29/04/2019 | 13:45 GMT+7

VHO-  Núi Dành xưa kia còn có tên khác là núi Chung Sơn, nổi tiếng với bao kỳ hoa dị thảo. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn”. Dãy núi này hiện nay thuộc địa phận hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Núi Dành

 Từ xa xưa nơi đây được nhiều người biết đến với sản phẩm sâm Nam, còn gọi là “sâm tiến vua”, cũng có người gọi là cát sâm. Còn với nhiều người dân bản địa vẫn quen gọi là sâm Nam núi Dành. Một thời gian dài trước đây, những tưởng loài sâm quý này đã bị tuyệt chủng song gần đây đã được các nhà khoa học và một số người dân địa phương tâm huyết tìm cách bảo tồn, nhân rộng loài thảo dược quý này.

Sâm Nam có thực sự quý?

Cách đây không lâu khi về dự lễ hội đền Dành vào dịp tháng Giêng ở xã Liên Chung, chúng tôi thấy người dân trưng bày, giới thiệu với du khách những chai rượu ngâm củ sâm Nam nhưng kỳ thực cũng chẳng biết sản phẩm ấy bổ béo thế nào, có tác dụng và hiệu nghiệm đến đâu. Người dân thì nhiệt tình rót chén rượu sâm Nam mời mọi người dùng thử và tuyên truyền rằng sâm này quý hiếm lắm, xưa kia được dùng cống nạp cho triều đình và hiện nay thì cả dãy núi Dành này may ra còn vài khóm sâm như thế.

Ở vùng quê này, nam, nữ, lão, ấu họ đều nằm lòng chuyện kể liên quan đến sâm Nam. Rằng, thời vua Tự Đức, mẹ nhà vua bị loà mắt. Thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y tài giỏi lúc bấy giờ để cứu chữa song bệnh tình không tiến triển. Nhưng lang y kỳ tài, những phương thuốc hay đều đã dùng nhưng không có kết quả. Vào lúc nhà vua vô vọng, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt của mẹ nhà vua sáng lại. Từ đó, sâm núi Dành được ví như kỳ thảo, trở thành vật phẩm tiến vua.

Đó là chuyện của quá khứ, của những truyền tích lâu đời không lấy gì làm bằng chứng, và biết đâu trong đó có phần hư cấu, thêu dệt từ dân gian? Trở về với thực tại, hiện nay một số người dân trong vùng Tân Yên vẫn chăm sóc từng gốc sâm Nam, họ coi đó như bảo vật, một gen giống quý và nâng niu, gìn giữ. Trong cuộc sống bà con cũng thường sử dụng sâm Nam để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ.

 Sâm Nam được sử dụng để ngâm ruợu

Năm 2018, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (CNC - Viện Di truyền nông nghiệp) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung, nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, Canxi và Magiê). Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin... Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Cụ thể, nhóm chất saponin ở củ sâm Nam núi Dành 5 tuổi cao hơn so với 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%. Đáng nói, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh.

Hồi sinh loài sâm quý

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Khắc Lư ở thôn Hậu (xã Liên Chung), một hộ dân đã tìm và giữ được giống sâm Nam. Ông Lư kể, hơn hai chục năm trước gia đình ông nhận đất trồng rừng ở chân núi Dành. Trong một lần cuốc đất thấy bật lên những củ nhỏ, mùi thơm, nếm thử thấy ngọt mát. Vốn gia đình có nghề làm thuốc Đông y nên ông Lư biết mình gặp may khi tìm thấy gốc sâm Nam và ông giữ gìn gien quý từ đó cho tới bây giờ. Trước ông, một số hộ dân trong vùng cũng tìm được sân Nam núi Dành và nhân thử giống nhưng không thành công.

 Ông Nguyễn Khắc Lư chăm sóc những khóm sâm Nam mọc xen lẫn những bụi cây dứa

Bên cạnh đó, từ trước tới nay chưa có nghiên cứu khoa học nào về phân bố, đặc tính sinh học, dược tính, giá trị trong y dược của sâm Nam núi Dành. Rất may, vài năm gần đây, tin vui đã đến với người dân, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các nhà khoa học, người dân đã nhân rộng được vườn sâm Nam núi Dành với diện tích khoảng 10 nghìn m2 tại hơn chục hộ dân.

Ngoài ra hai năm trước, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng hộ ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập cũng được chọn làm điểm để nghiên cứu, đánh giá khoa học về sâm Nam núi Dành. Ông Đăng cho biết, trước kia, gia đình trồng vài cây sâm ở góc vườn, cũng không biết giá trị ra sao, gà thường xuyên bới mổ cây. “Hễ thân có cành chồi ra mặt đất, tôi lại cuốc xới trồng sang chỗ khác, cây phát triển chậm, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Sau khi được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 90%, cây phát triển nhanh”, ông Đăng chia sẻ. Thông thường, mỗi cây sâm trồng từ 4 đến 5 năm cho thu hoạch. Trên thị trường, 1kg sâm Nam núi Dành tươi giá khoảng 2 triệu đồng. Các nhà khoa học cũng kết luận có 3 phương pháp bảo tồn gen; trong đó, uốn vít cành bánh tẻ vào các túi bầu có tỷ lệ hình thành rễ cao nhất sau 90 ngày là 75%; giâm hom 29% và phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (thực hiện trong phòng thí nghiệm).

Với những gì dân gian truyền tụng và kết quả nghiên cứu khoa học có thể thấy tác dụng của sâm Nam là có thật. Trong tương lai cần nhiều hơn những biện pháp, cũng như chính sách hỗ trợ để bảo tồn, phát triển loài sâm quý này. 

PHẠM NGOAN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top