Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hãy làm Việt Nam trở nên nổi tiếng

Thứ Năm 06/12/2018 | 18:46 GMT+7

VHO- Phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 có sự chỉ đạo và tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng. Diễn đàn còn có sự góp mặt của gần 1.000 đại biểu là chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch.

Cơ sở hạ tầng cản trở du lịch Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng du lịch có tính chất dẫn dắt nền kinh tế thể hiện khá rõ, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch TAB nhiều ngành phải cùng vào cuộc thì du lịch mới phát triển được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) dự và chỉ đạo tại Diễn đàn

Ông James A.Kaplan, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor đặt vấn đề: Việt Nam cần làm gì trong thời gian ngắn hạn để tái cơ cấu và thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch? “Không có giải pháp ngắn hạn bởi du lịch cần sự phát triển bền vững, mang tính dài hạn. Nhưng Việt Nam có thể thực hiện một số việc để hoàn chỉnh ngành Du lịch", ông nói.

Biên bản ghi nhớ về Đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, đội tàu bay và đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ xây dựng hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam của Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và Hãng hàng không AirAsia

Theo Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor, để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. "Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng", ông nhấn mạnh.

Để giải quyết điều đó, Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp số, dữ liệu nhân tạo, Big Data để thúc đẩy Việt Nam làm điểm đến có thương hiệu. Ông dẫn chứng ngành Du lịch phải tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, do đó, Chính phủ cần xem xét đến giải pháp số, marketing số.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt đại biểu tại Diễn đàn

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần HG cho rằng để đạt được những hiệu quả ngắn hạn nhanh thì phải tinh chỉnh ở nhiều vấn đề.

Điều đầu tiên Việt Nam cần hành động ngay là vấn đề Visa. Việc này đã nói rất nhiều nhưng cách giải quyết rất chậm. Từ tên miền đã rất phức tạp, nhiều khách nước ngoài không vào được trang web và đến nay chưa thấy giải quyết. “Thậm chí có lần Tổng lãnh sự Mỹ gặp trực tiếp tôi nói nhiều khách không vào đúng trang của Cục xuất nhập cảnh, thậm chí bị lừa", ông Ngô Minh Đức chia sẻ.

Vì vậy, Việt Nam chỉ cần tinh chỉnh một chút sẽ đạt hiệu quả ngắn hạn rất nhanh, như mở rộng diện miễn visa đơn phương, hay miễn 30 ngày (thay vì 15 ngày), tinh chỉnh tên miền và quảng cáo tên miền. Nhiều ý kiến còn cho rằng, trong thời gian chưa có thêm các nước được miễn visa, Việt Nam cần áp dụng việc thực hiện visa điện tử (e-visa) cho 194 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nói chung là thể hiện chính sách visa thực sự cởi mở, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ký kết Bản thỏa thuận về dịch vụ quản lý khách sạn xây dựng 4 sân golf tại Việt Nam trị giá tới 120 triệu USD

của Novaland và Greg Noman Golf Course Design

Thứ hai là vấn đề marketing. Việt Nam đã thống nhất thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch nhưng rất chậm. Đến nay quỹ cũng chưa ra đời. Hiện chúng ta đang xây dựng cơ chế tạo Quỹ mà các doanh nghiệp lớn như Mường Thanh, Sun Group, VinGroup, Thiên Minh, Vietravel... sẵn sàng đóng góp cùng quỹ ngân sách nhà nước triển khai.

Thứ 3 là nhận thức, cần tinh chỉnh về nhận thức "du lịch là ngành mũi nhọn", trong khi đó nhiều nơi còn chưa làm tốt từ công tác vệ sinh... khiến khách hàng không quay lại. Hãy thay đổi từ việc nhỏ nhất và chú trọng hơn đến công tác xúc tiến, quảng bá. Để du khách chọn Việt Nam mà không phải chọn một điểm đến nào khác. Hãy làm cho Việt Nam trở nên nổi tiếng.

 

Ông Bùi Xuân Huy (tập đoàn Novaland) ký kết với đại diện Tập đoàn Minor Hotel Group tại Diễn đàn 

Thứ 4 là cơ sở hạ tầng, sân bay đều đã quá tải, phải làm sao để tăng công suất như xếp hàng, tăng quầy, tăng tốc độ giải toả khách đi qua..., tối đa hoá công suất sử dụng sân bay.

Bày tỏ những trăn trở về khả năng khai thác và phát triển hạ tầng sân bay tại Việt Nam, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines cho biết: "Hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. Việc này cần phải được lưu tâm lưu ý, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết. Nếu không thì hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch", ông Nam khẳng định.

Theo đó, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc và sắp tới thêm một sân bay là Vân Đồn. Các sân bay khác được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng mở rộng hạn chế. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, công suất được 75 triệu khách mỗi năm.

 

Lễ ký bản thỏa thuận dịch vụ quản lý khách sạn của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An và tập đoàn khách sạn Rosewood

"Công suất 21 sân bay này cộng lại với bằng được một sân bay ở Bangkok. Đây là những con số đáng lo ngại. Năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhật, Nội Bài... luôn nằm trong tình trạng quá tải. Giao thông quanh khu vực sân bay cũng vì vậy mà bị quá tải. Điều này tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam", ông Nam cho biết.

Ông Nam đưa ra giải pháp xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam; để tư nhân tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này.

Chính phủ cần xem xét đến giải pháp số

Thảo luận tại Diễn đàn, bà Tuyết Vũ, Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho biết đến nay đã thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành Du lịch và đạt nhiều thành tựu tự hào. Đơn cử, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm gần đây, xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017. Đây là những con số rất nhiều quốc gia mong muốn. Việt Nam đồng thời thu hút 15 tỷ đô la Mỹ dòng vốn FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người...

 

Phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018

"Việt Nam đã rất thành công, ít nhất là trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển mà quốc gia này vẫn chưa khai thác hết. Chúng tôi thấy có sự tăng trưởng lớn nhưng vẫn có một khoảng trống thiếu hụt cần khoả lấp", bà Tuyết Vũ nói.

Bà đã chỉ ra 3 xu hướng mà Du lịch Việt Nam cần tập trung tìm hiểu gồm: số hoá trong toàn chuỗi điểm (điểm đến tiếp theo là gì, điểm đặt vé khách sạn, việc khách quay lại và chia sẻ trải nghiệm). Khách chi tiền thế nào, chi nhiều cho chuyến bay, cho khách sạn hay cái khác. Trải nghiệm họ tìm kiếm: trải nghiệm nhiều hơn văn hoá địa phương, điểm đến mới... Trước khi đi du lịch, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin qua các nền tảng. Sau đó, sử dụng di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội...Theo đó, cách du lịch của người dân đã thay đổi. 58% sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến đi, 81% đọc bình luận, các bài viết quảng bá trước khi quyết định du lịch hay không...

Chính vì vậy, ngành Du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số. Việc thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch cũng cần những chiến lược mới, cách làm và tư duy mới.

THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top