Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Liên quan đến vụ vỡ bờ bao hồ tại Nha Trang (Khánh Hoà): Phải xem xét trách nhiệm đơn vị cấp phép

Thứ Sáu 23/11/2018 | 10:19 GMT+7

VHO- Vỡ hồ nhân tạo trên núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, trong đợt lũ lụt chưa từng có vừa qua một lần nữa gây bức xúc trong dư luận về trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp khi triển khai dự án.

 Lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả vụ sạt lở Ảnh: N.KHÁNH

Ngày 21.11, trao đổi với Báo Văn Hóa, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thanh Châu (Công ty Thanh Châu), chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú cho biết, khoảng 10 ngày trước khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp có cho công nhân tiến hành đào để lấy đất san mặt bằng xây dựng nhà hàng.

 Cơn mưa quá lớn, 20 năm nay chưa từng có ở Nha Trang khiến cơ quan ban ngành của tỉnh lúng túng, trở tay không kịp.

(Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa)

Doanh nghiệp đào hồ trái phép

“Vị trí đào đất đúng với thiết kế xây hồ bơi, cũng là nơi xảy ra vỡ bờ bao. Chúng tôi cho đào để lấy đất, đồng thời để tạo hình hồ bơi sau này, cũng chưa có bản thiết kế nên chưa xin phép cơ quan chức năng”, bà Thanh thừa nhận và cho biết do quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nên cũng không cần xin giấy phép “con” những hạng mục trong dự án (!?).

Theo tìm hiểu, dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 4.2011. Trong bản quy hoạch này có hạng mục hồ bơi. Sau 3 lần xin điều chỉnh (lần mới nhất là năm 2017), hạng mục hồ bơi vẫn giữ nguyên diện tích 974m2.

Nói về nguyên nhân vỡ hồ làm chết người, ông Trang Lê Châu, Phó giám đốc Công ty Thanh Châu cho rằng: “Cơn mưa quá lớn, nước đổ từ trên núi xuống nhiều nên nếu không vỡ ở vị trí hồ nhân tạo cũng sẽ vỡ ở nơi khác. Đây là thiên tai chứ không phải nhân tai, không thể tránh được”.

Về việc xây dựng hồ bơi, lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, đơn vị này chưa hề cấp phép xây hồ bơi, nên việc doanh nghiệp cho đào đất, làm hồ là sai. “Ngay sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã cho kiểm tra hiện trường và yêu cầu công ty Thanh Châu báo cáo. Chúng tôi thấy nguyên nhân nước tràn xuống nhà dân là do doanh nghiệp này cho đào mương gom nước sai về nguyên tắc. Rõ ràng làm vậy nước sẽ dồn hết vào dự án, khi mưa quá lớn sẽ tích tụ và làm vỡ bờ bao”, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa thông tin.

Trước đó, trao đổi với Văn Hóa ngày 20.11, ông Trần Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, trong quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú Nha Trang (phường Vĩnh Hòa) không có hạng mục hồ bơi. “Thiết kế bản vẽ thi công dự án này Sở Xây dựng chưa phê duyệt mà lấy gì doanh nghiệp làm”, vị Phó giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa nói.

Tại sao một doanh nghiệp cho xây dựng hồ bơi nhân tạo trên đỉnh núi, chưa có giấy phép, không đảm bảo yếu tố kỹ thuật nhưng cơ quan chức năng không kiểm tra để xảy ra sự cố đáng tiếc?

 Sở Xây dựng Khánh Hòa vừa có văn bản số 4586/SXD-KTCL về sự cố sạt lở xảy ra tại khu vực Dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú. Theo đó, vị trí sạt lở nằm tại khu vực DV-01 và lân cận, hướng sạt lở về phía nhà các hộ dân ngoài ranh giới dự án. Hiện trạng khu vực sạt lở có dấu hiệu việc múc đất tạo thành hố. Nước từ sườn núi đổ vào mương đón nước dẫn về hố ga bằng đá chẻ, chuyển tiếp đến ống đón nước bằng bê tông. Tuy nhiên, do hướng đón nước được đặt ngược với hướng thoát nước nên dòng nước không thoát theo ống bê tông mà phá vỡ thành hố ga, tràn vào khu vực đào múc đất, sau đó phá vỡ thành hố gây sạt lở nghiêm trọng.

Đề nghị công an sớm vào cuộc điều tra

KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hoà cho rằng, những năm gần đây ở Nha Trang xảy ra nhiều vụ sạt lở núi bao bọc quanh thành phố. Với kinh nghiệm theo dõi kiến trúc xây dựng Khánh Hòa nhiều năm nay, ta không thể đổ cho thiên nhiên, không phải cứ mưa là sạt lở. Về nguyên tắc ở vị trí triền núi có độ dốc lớn làm hồ 1000m2 là không nên. “Nó có thể gây cho chúng ta đột biến về kết cấu công trình đó. Hồ bơi lại nằm trên khu dân cư tôi cho là không nên. Nhu cầu phát triển đô thị ở Nha Trang cần phải có sự cân bằng hợp lý với địa hình cho phép. Căn cứ theo bản đồ quy hoạch năm 2012 được Thủ tướng phê duyệt thì những dự án như thế là vi phạm”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng, nếu kiểm tra mà chủ đầu tư vi phạm thì phải xử lý bằng luật. Phải kiểm tra kỹ, phân tích trên hồ sơ thiết kế có quan tâm đến việc đảm bảo độ ổn định của công trình không. “Chúng ta phải xem xét kỹ mới đánh giá được trách nhiệm của chủ đầu tư và những người cấp phép cho dự án. Nếu những dự án nằm ngoài quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt mà vẫn cho xây dựng thì trách nhiệm của những người quản lý quy hoạch chứ không đổ cho quy hoạch”, ông Lộc thẳng thắn.

Theo luật sư Nguyễn Tường Linh, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, nếu cơ quan chức năng thu thập đầy đủ chứng cứ xác định nguyên nhân sự cố khiến 4 người chết do vỡ hồ bơi gây ra thì chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trong trường hợp này, chủ đầu tư đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (4 người chết) khiến người dân bức xúc. Cơ quan công an nên sớm vào cuộc điều tra tìm ra nguyên nhân để xử lý, cảnh báo cho các dự án khác trên địa bàn. 

Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chủ động ứng phó với bão số 9

Trước khả năng cơn bão số 9 sẽ đổ bộ vào đảo Song Tử Tây, các cán bộ chiến sĩ trên đảo đã chủ động thực hiện các biện pháp chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu để tránh bão. Hiện nay, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang tích cực chặt cây, chằng chống nhà cửa, lấy bao cát bỏ lên mái nhà. Cho đến nay đã có 12 tàu, 94 người ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đang vào neo đậu, khi gió lớn sẽ đưa bà con vào nơi tránh trú an toàn.

Tại đảo Sinh Tồn hiện có 33 tàu cá Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi với gần 500 ngư dân đang vào tránh trú trên đảo. Các tàu đã vào âu neo, chằng buộc theo quy định của âu tàu dịch vụ nghề cá. Cán bộ chiến sĩ đang hướng dẫn bà con neo đậu chắc chắn, cung cấp thức ăn, nước uống sinh hoạt, tổ chức cho bà con nghe dự báo thời tiết của Trung ương. Tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 30 ngư dân. Tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tránh trú an toàn tuyệt đối, nếu bão gió lớn thì đưa bà con lên nhà khách trên đảo. HỒNG THỦY

 

 280.000 dân cần sơ tán

Sáng 22.11, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai và 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã có cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp phòng chống cơn bão số 9 đang sắp đổ bộ vào đất liền.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 900 địa điểm xung yếu, cần phải sơ tán 280.000 dân, ngoài ra có 41.000 lồng bè với 8.000 dân cần sơ tán. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh có 37 điểm xung yếu, dễ sạt lở, có khách du lịch với hơn 11.000 dân, tỉnh cũng đã có phương án sơ tán, di dời để đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cơn bão số 9 dự báo sẽ đi chậm, mưa lớn nên dễ xảy ra lũ quét, sạt trượt, nhất là các điểm xung yếu nên các địa phương phải hết sức chủ động, không chủ quan. “Yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo, đồng thời cùng các địa phương chủ động hơn nữa việc kiểm tra các hồ đập, xem xét lại quy trình vận hành để đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất nhưng không để xảy ra sự cố vỡ đập, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

 

 LÊ XUÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top