Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Nhùng nhằng thu hồi mặt bằng Di tích quốc gia Bạch Dinh

Thứ Sáu 26/10/2018 | 09:44 GMT+7

VHO- Liên quan đến việc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mang hơn 4.000m2 đất thuộc di tích quốc gia Bạch Dinh cho người dân thuê kinh doanh, cơ quan chức năng của tỉnh này khẳng định, việc thu hồi mặt bằng đã cho thuê dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 9 vừa qua. Thế nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa có hồi kết trong khi hợp đồng cho thuê đã hết thời hạn hai năm qua.

 

 Quán Bạch Dinh đã đóng cửa và đang tháo dỡ vật dụng giao trả mặt bằng

Trong một diễn biến mới, các hộ đang thuê đất tại di tích quốc gia Bạch Dinh vừa gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, theo đó đề nghị thanh tra lại cách quản lý và thực hiện hợp đồng kinh tế số 45 (hợp đồng cho thuê đất di tích Bảo tàng ký với các hộ kinh doanh) của Bảo tàng tỉnh. Theo nội dung trình bày của các hộ kinh doanh, số tiền thuê đất mà các hộ nộp thực tế cho Bảo tàng chênh lệch cao hơn so với giá trị trong hợp đồng. Cụ thể theo hợp đồng, tiền thuê mặt bằng hằng tháng đối với quán cà phê Vườn Thiên Quang của bà Chế Thị Phương Bình là 20.653.398 đồng/tháng, nhưng thực tế bà Bình phải đóng 26.216.400 đồng/tháng, như vậy số tiền chênh lệch hơn 5,5 triệu đồng/tháng. Với thời gian đóng liên tục 5 năm thì tổng số tiền chênh lệch lên đến trên 333 triệu đồng. Quán cà phê Biển của ông Lê Cảnh Toàn cũng đóng tiền thuê mặt bằng chênh lệch trên 200 triệu đồng.

Bà Bình cho biết, khi bà sang nhượng lại quán Cửu Long (cũ) từ ông Nguyễn Khánh, Bảo tàng yêu cầu các bên nộp phạt 300 triệu đồng. Bên bà Bình đã đóng đủ số tiền phạt, còn ông Khánh chỉ đóng phạt 150 triệu đồng. Trong khi đó, quán Hoa Sứ do ông Đỗ Hữu Côn sang lại cho ông Ngô Văn Chung thì được Bảo tàng chấp nhận và không yêu cầu nộp phạt? “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Bảo tàng thanh lý công nợ nhưng đến nay vẫn chưa xong. Kế toán của Bảo tàng nói chỉ quyết toán năm 2016, còn mấy năm trước mất chứng từ, số liệu…?”, bà Bình bức xúc nói.

Qua đó, các hộ kinh doanh đề nghị Thanh tra tỉnh vào cuộc để làm rõ hợp đồng kinh tế số 45, nhất là sự nhập nhằng trong vấn đề tài chính. Vì sao trong lúc tập trung thu hồi mặt bằng chưa xong thì Bảo tàng lại ký gia hạn hợp đồng cho ông Nguyễn Khánh (cà phê Hoàng Gia) hoạt động giữa khuôn viên khu vực bảo vệ di tích?

 Quán nước nằm trong khuôn viên bảo vệ di tích vẫn hoạt động bình thường

Các hộ kinh doanh cũng kiến nghị cho phép được tiếp tục ký hợp đồng thuê mặt bằng hoạt động kinh doanh trong khu vực di tích để phục vụ khách tham quan, du lịch nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu góp phần tu bổ, tôn tạo di tích và cải thiện các hoạt động của Bảo tàng. Theo các hộ này, trước đây phải gom góp tiền bạc, vay mượn số vốn lớn để xây dựng, sửa chữa mặt bằng được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, do thời gian kinh doanh ngắn nên chưa thu hồi được vốn. Nếu buộc phải trả lại mặt bằng thì cần có hỗ trợ hợp lý để có điều kiện tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Hồ Thành Hưng, Phó Chánh Thanh tra Sở VHTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các đơn vị liên quan đã nhiều lần mời các hộ kinh doanh đến quyết toán công nợ và thanh lý chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhưng các hộ không đến, hoặc cử người đại diện đến rồi về, không thống nhất được phương án thanh toán. Về việc thu hồi mặt bằng, đến nay đã có hai hộ kinh doanh là quán Hoa Sứ và Bạch Dinh di dời vật dụng, tháo dỡ các hạng mục giao trả mặt bằng. Đối với ba hộ chưa đồng ý giao trả và có những yêu cầu không hợp lý, ông Hưng cho biết sẽ tham mưu, báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu các phương án tiếp theo để từ nay đến ngày 15.11, sẽ thu hồi toàn bộ mặt bằng cho thuê, thực hiện chủ trương phục hồi cảnh quan di tích.

Theo tìm hiểu của Văn Hóa, hợp đồng cho thuê mặt bằng tại Khu di tích quốc gia Bạch Dinh đã hết hạn cách đây hai năm. Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có văn bản thông báo cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đến tháng 10.2016 phải chấm dứt hợp đồng với các quán cà phê, giải khát trong khu di tích. Thế nhưng sự việc vẫn nhùng nhằng dây dưa đến nay khiến dư luận không khỏi bức xúc trước việc di tích quốc gia bị “xẻ thịt”.

Ai chịu trách nhiệm?

Cũng liên quan đến vấn đề này, Văn Hóa (số 3138, ra ngày 20.8.2018) đã có bài “Gian nan đòi lại đất di tích Bạch Dinh” phản ánh tình trạng cơ quan chức năng sở tại đã “vượt cấp”, bỏ qua quy định của Luật Di sản văn hóa cho thuê đất trong khuôn viên di tích, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng đến nay vụ việc này vẫn còn rất lằng nhằng và không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm.

 

 HOÀNG HẢI

 

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top