Alô, Alô... tham quan Chùa Cầu nhớ đeo khẩu trang!

VHO- Nhìn cái cảnh du khách phải “bịt mũi” hoặc đi lướt qua thật nhanh mỗi khi đến tham quan di tích chùa Cầu, biểu tượng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), ai cũng thấy ngán ngẩm, lắc đầu...

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở xung quanh di tích Chùa Cầu đã tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm nay, và luôn là vấn đề bức xúc được đưa ra ở nhiều hội thảo, đối thoại, tọa đàm liên quan với những câu hỏi cấp thiết: Giải pháp nào để Chùa Cầu không còn mùi hôi ? Đến bao giờ du khách có thể thư thả ngắm dạo phố cổ, tham quan di tích mà không phải lắc đầu, bịt mũi mỗi khi ngang qua Chùa Cầu? 

Alô, Alô... tham quan Chùa Cầu nhớ đeo khẩu trang! - Anh 1

Đội thuyền đi vớt hoa đăng, rác, túi ny lon bám vào gầm cầu 

Bịt mũi, nín thở “check-in” di tích 
Sáng 22.10, chúng tôi ngồi quán café ngay Chùa Cầu. Sau một đêm mưa, không khí có phần dễ chịu hơn. Nhưng đến tầm 8 giờ sáng, khi nắng nóng bắt đầu chiếu rọi, không khó để bắt gặp cảnh du khách nhăn mặt, bịt mũi, lắc đầu… vì mùi hôi do nguồn nước, rác thải ô nhiễm, tù đọng lâu ngày bốc lên ngay Chùa Cầu. Trời càng nắng gắt, mùi hôi càng nồng nặc, ngột ngạt cả một khu vực xung quanh di tích này. Dưới gầm cầu mùa nắng nóng thường cạn trơ đáy, để lộ những lớp bùn đen, rác thải quấn dưới chân cầu. 
Đến Hội An thì gần như du khách nào cũng đến Chùa Cầu tham quan và chụp hình lưu niệm. Nhưng càng ngày, cảnh các đoàn khách vội vã đến chụp một tấm hình để gọi là “check-in” điểm đến, vừa chụp vừa bịt mũi, lắc đầu và nhanh chóng tháo chạy vì mùi hôi ngày càng nhiều. 
Không chỉ điểm Chùa Cầu mà ở hồ điều tiết cách đó khoảng vài chục mét, trên một vài tuyến đường gần đó cũng thường xuyên bị “tấn công” bởi mùi hôi hám từ rác thải, nước ngập úng cục bộ từ Chùa Cầu và cả từ sông Hoài. Trước khi xả thải ra nhánh sông qua Chùa Cầu, nước thải chảy về hồ điều tiết nằm cách di tích này chừng 30 mét. Nước ở hồ điều tiết này cũng đen ngòm, hôi thối và ngay cửa xả luôn mắc lại khá nhiều rác rến, túi nylon… 
Tại các buổi đối thoại giữa lãnh đạo với các chủ di tích ở khu phố cổ được tổ chức trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường, mùi hôi ở Chùa Cầu luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất và trở thành một việc bức bách nhất của Hội An. Người dân bức xúc, lo ngại tình trạng ô nhiễm kéo dài này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, ô nhiễm môi trường sống. Đồng thời ảnh hưởng xấu đến cảnh quan du lịch, du khách phàn nàn vì mùi hôi ngày càng nhiều và tác động tiêu cực di tích Chùa Cầu vốn cũng đang chống chọi với sự xuống cấp do thời gian. 

Alô, Alô... tham quan Chùa Cầu nhớ đeo khẩu trang! - Anh 2

 Dòng nước ở gầm Chùa Cầu đen ngịt, hôi hám, gây phản cảm cho khách du lịch

Không ô nhiễm mới lạ 
Lượng nước thải sinh hoạt quá tải từ các nhà hàng, khách sạn và các khu dân cư của 3 phường nội thị (Minh An, Cẩm Phô, Tân An) đổ ra kênh nước này là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Được biết kênh tiêu Chùa Cầu chỉ rộng hơn 2m ngang nhưng là nơi chứa nước thải của hơn 12.000 người dân đổ về. Ngoài ra còn phải gánh thêm lượng nước thải của hơn 30 khách sạn, nhà hàng. Lượng nước thải qua kênh tiêu Chùa Cầu ước tính khoảng 2.222 m3/ngày đêm và hầu hết đều chưa qua xử lý. 
Cách đây không lâu, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cũng đã lên tiếng về tình trạng bùng nổ khách du lịch ở Hội An đã tác động cảnh quan môi trường. Đặc biệt là môi trường nước tại di tích Chùa Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ những khu dân cư sầm uất, cùng hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những vùng lân cận tập trung đổ về khe Ồ Ồ, chảy qua chân Chùa Cầu để ra sông Hoài, gây nên phản cảm không nhỏ cho du khách và cư dân địa phương. 
Nhiều chỉ số, thông số ô nhiễm trong nước thải thoát ra Chùa Cầu do các đơn vị về môi trường đo được tại khu vực này cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép, chẳng hạn như chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học); nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng),… cũng cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép. 
Chùa Cầu nằm ở vùng có địa hình thấp trũng, lại ở hạ nguồn sông Thu Bồn nên khó chủ động kiểm soát được chất lượng nước từ thượng nguồn kéo về. Các công trình xử lý nước thải đô thị ở Hội An cũng không nhiều. Năm 2016, TP Hội An đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải ở xã Cẩm Thanh từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ nhưng cũng chỉ mới xử lý khoảng 40% lượng nước thải trên địa bàn nhưng lại không đấu nối với khu vực Chùa Cầu, nên Chùa Cầu vẫn bị ô nhiễm cục bộ. 

Alô, Alô... tham quan Chùa Cầu nhớ đeo khẩu trang! - Anh 3

   Mùa nắng nóng, nước ở gầm Chùa Cầu còn cạn khô, hôi hám 

“Giảm hôi” tạm thời và chờ... 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước với công nghệ xử lý nước thải hiện đại tại khu vực Chùa Cầu. Tổng mức đầu tư gần 244 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. 
Trạm xửlýnước thải Chùa Cầu đặt tại phường Cẩm Phô, có công suất 2.000m3/ngày đêm, rộng 3.752m2, với các hạng mục phụtrợ, nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm dài 1,6 km với hệthống thiết bịvàdây chuyền công nghệxử lý nước thải đồng bộ. Công trình áp dụng công nghệxửlýnước tiên tiến năng lượng thấp, cải thiện môi trường nước khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xảthải trước khi xảra kênh Chùa Cầu. Đồng thời khi đi vào hoạt động sẽ góp phần xử lý nước thải sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu dân cư (khoảng 30% lượng nước thải của TP). 
Theo phương án ban đầu, dự án này khởi công năm 2016 và đưa vào sử dụng năm 2017. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến tháng 3.2017 mới chính thức động thổ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018. Đến năm 2019, phía Nhật Bản sẽ tổ chức đào tạo vận hành, chuyển giao công nghệ cho Hội An để Trạm xử lý đi vào hoạt động. 
Trong khi chờ đợi công trình cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu với công nghệ xử lý nước thải hiện đại hoạt động, người dân và du khách vẫn phải vừa “nín thở” vừa áp dụng những giải pháp “giảm mùi hôi” tạm thời tại di tích này. 

Đến Hội An thì gần như du khách nào cũng đến Chùa Cầu tham quan và chụp hình lưu niệm. Nhưng càng ngày, cảnh các đoàn khách vội vã đến chụp một tấm hình để gọi là “check-in” điểm đến, vừa chụp vừa bịt mũi, lắc đầu và nhanh chóng tháo chạy vì mùi hôi ngày càng nhiều. 

 

 KHÁNH CHI 

 

Ý kiến bạn đọc