Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Quảng Nam: Âu thuyền tránh bão thành âu thuyền... sợ bão

Thứ Tư 10/10/2018 | 10:49 GMT+7

VHO- Có một nghịch lý là nhiều âu thuyền xây xong nhưng ngư dân lại “ngại” cho tàu thuyền vào neo đậu, trú tránh bão. Nhiều âu thuyền được đầu tư hàng tỉ đồng đang trong tình trạng “bỏ hoang”, “chờ” tàu thuyền cập đậu. Vì sao?

Âu thuyền ở thôn 1 xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được Sở NN&PTNT đầu tư xây dựng vào năm 2013 phục vụ việc neo đậu tàu thuyền ở 2 xã Bình Dương và Bình Hải (huyện Thăng Bình). Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng, tình trạng âu thuyền có chiều dài khoảng 350m nằm dọc đoạn sông Trường Giang này vẫn còn dang dở, chung quanh đầy rác thải chẳng khác công trình bỏ hoang. Ngoài 17 trụ buộc dây neo đậu tàu chôn kiên cố thì hầu như không còn hạng mục nào khác. Một số trụ đã bị gỉ sét, xuống cấp trầm trọng, một số trụ bị vùi lấp trong những bụi cỏ dại um tùm.

 Phương tiện bị cháy khi neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều khiến ngư dân càng “ngại” âu thuyền này

Chỉ một tàu neo đậu

Ông Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, nhiều năm qua chỉ có duy nhất 1 tàu neo đậu ở âu thuyền này, nhưng đây cũng không phải tàu của ngư dân địa phương mà là chiếc tàu chuyên dụng dùng làm mô hình học tập của Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V. Còn theo các ngư dân, do mực nước sông ở đây tương đối thấp, tàu thuyền lớn khó ra vào. Ngoài ra, trước âu thuyền có một số cây cầu tre gây trở ngại nên ngư dân ngại khi đưa tàu về neo đậu ở đây. Vì không có tàu cá nào neo đậu nên công trình được người dân địa phương tận dụng chăn thả bò, nuôi vịt...

Âu thuyền Hồng Triều tại xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) được đưa vào sử dụng tháng 2.2010. Theo thiết kế, dự án này có diện tích khoảng 16ha, đáp ứng chỗ neo đậu cho hàng nghìn phương tiện với các hạng mục như kè bao bọc âu thuyền (khoảng 800m), khu hậu cần nghề cá... với tổng vốn đầu tư khoảng 53 tỉ đồng. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, ngư dân vẫn thường né tránh neo đậu và gọi đây là âu thuyền “sợ bão” vì chưa thực sự đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vào trú ẩn.

Đợt bão lũ năm 2017, hàng chục tàu thuyền của ngư dân trú tránh tại đây đã bị va đập vào nhau, hư hại nặng. Đã có 2 tàu cá của ngư dân xã Bình Dương bị sóng đánh chìm ngay tại âu thuyền này.

Ông Ngô Quảng, ngư dân ở xã Duy Nghĩa cho biết, âu thuyền này có lợi thế ở mực nước, vị trí nên bình thường có khoảng 300 phương tiện neo đậu. Nhưng việc neo đậu phương tiện rất khó bởi không có một điểm tựa chắc chắn nào trên bờ. Trên bờ kè chưa được xây dựng các cột neo đậu, gây khó khăn cho các phương tiện khi trú bão. Mỗi tàu chỉ được neo một mũi vào trụ, khi bão ập đến, gió lớn, giật mạnh từ bốn hướng nên rất dễ bị đứt dây, lật tàu, chìm hoặc trôi dạt. Trước đó ở khu vực này có rặng dừa nước chắn gió tự nhiên nhưng trong quá trình xây dựng đã san bằng nên còn trống trải hơn.

Để khắc phục hạn chế này, tháng 3.2016, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều. Nhưng những lo lắng của ngư dân vẫn chưa được giải tỏa khi trên các bờ kè vẫn chưa xây dựng các cột neo làm điểm tựa chắc chắn buộc các phương tiện.

 Tại âu thuyền Bình Dương, ngoài những trụ buộc thì chưa có hạng mục nào khác

Âu thuyền “quên” đê chắn sóng

Ngoài ra, theo thiết kế thì tường chắn sóng cao 1,2m so với mặt sàn, ngư dân xuống tàu bằng các cầu thang rộng khoảng 60cm, cứ 44m có 1 thang. Nhiều ngư dân đã lo lắng sẽ khó khăn khi neo đậu tàu thuyền tại đây vì bờ kè quá cao, cầu thang xuống tàu nhỏ, hẹp, chỉ vừa một người đi, gây khó khăn khi ngư dân lên xuống tàu. Việc vận chuyển ngư lưới cụ, máy móc, nhiên liệu, lương thực phẩm,… cho mỗi chuyến đi rất nhiều, cồng kềnh, nặng nề, ít nhất phải cần 2-3 người cùng vận chuyển lên xuống. Thậm chí, đã có thời điểm người dân cản trở không cho xây dựng trụ neo vì muốn để lại, làm lối đi ra tàu thuyền.

Mới đây một tàu chụp mực của ngư dân Thăng Bình về neo đậu ở đây phát cháy. Người dân địa phương đã phát hiện nhưng gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận dập lửa. Theo phản ánh vì bức tường chắn sóng cao nên không thể phát hiện sớm đám cháy, cùng với bờ kè quá cao nên rất khó leo qua để vào cứu tàu, nhiều người bị thương khi nhảy từ bờ tường xuống âu thuyền. Trước đây cũng có 2 vụ cháy tàu xảy ra ở âu thuyền này nhưng tầm nhìn không bị che khuất như hiện nay nên người dân phát hiện sớm và dập tắt ngay khi mới phát hỏa.

Được biết, trong số các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên toàn quốc được Bộ NN&PTNT công bố năm 2014 thì Quảng Nam có 3 công trình là âu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên), khu neo đậu tránh trú bão tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) và âu thuyền Cù Lao Chàm (TP Hội An).

Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão An Hòa được đưa vào sử dụng từ năm 2011 với diện tích 40 ha mặt nước, 70 cột trụ để neo đậu cho hơn 450 phương tiện có công suất 300 - 400 CV ở khu vực Núi Thành, Tam Kỳ (Quảng Nam) và của ngư dân Quảng Ngãi. Tuy nhiên vì thiết kế, xây dựng bất hợp lý, âu thuyền không có đê chắn sóng, không thể chắn gió phía trước, các trụ neo chỉ đủ cho tàu có công suất 300 - 400 CV neo đậu trong khi tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân ở đây hầu hết đều có công suất từ 300-650 CV. Các trụ neo lại nằm sát nhau, âu thuyền nông nên khi mưa bão, gió lớn thì các tàu va vào cột neo, tự va đập hư hỏng. Vì thế có rất ít tàu thuyền về neo đậu tại âu thuyền này. 

 KHÁNH CHI

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top