Phấn đấu vào Đảng với động cơ trong sáng

VH- Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

Phấn đấu vào Đảng với động cơ trong sáng - Anh 1

Trong suốt hơn 80 năm qua, kể từ khi ra đời, lãnh đạo dân tộc giành quyền độc lập, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng ta luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng có vai trò quan trọng, gánh vác sứ mệnh lịch sử cao cả cùng với những truyền thống quý báu của dân tộc. Vì vậy, được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, muốn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì mỗi chúng ta phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân mình, vào Đảng phải có một động cơ đúng đắn. Đây là vấn đề quan trọng, được đặt lên hàng đầu và có ý nghĩa quyết định để người xin vào Đảng được tin tưởng và chấp nhận, được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không.

Đảng là một tổ chức chính trị luôn luôn vận động và phát triển nên rất cần những người ưu tú có đủ đức và tài trong đội ngũ Đảng để hoạt động và phát triển Đảng, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ. Trong quá trình phấn đấu để trở thành Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mỗi chúng ta phải xác định được động cơ vào Đảng đúng đắn, tuyệt đối trung thành với điều lệ và cương lĩnh của Đảng. Có xác định được như vậy thì người đảng viên mới tận tâm, tận lực phục vụ Đảng; vào Đảng là để chấp nhận gian khổ hi sinh, chấp nhận sự phân công và điều động của Đảng, hết lòng phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên lợi ích cá nhân, phấn đấu vì lý tưởng cách mạng cao cả, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh.

Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta: “Đảng viên là người đầy tớ của nhân dân”. Do vậy chúng ta vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc, nếu vào Đảng mà chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì đừng vào. Những người mà ngay từ khi phấn đấu vào Đảng đã có động cơ không trong sáng thì khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng chắc chắn sẽ “quay lưng” phản bội lại Đảng khi có cơ hội. Điều đó là hết sức nguy hiểm cho sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trên thực tế đã có những đảng viên đã được thử sức qua chiến đấu rất dũng cảm, rất anh hùng, nhưng trong điều kiện hòa bình trước sự cám dỗ của tiền tài, vật chất đã gục ngã, đã bị biến chất, thoái hóa. Cũng có những Đảng viên sau khi vào Đảng một thời gian dài, nắm trong tay chức quyền thì bắt đầu mới bộc lộ bản chất cơ hội, bản chất của một con người mang danh Đảng viên để tiến thân. Những con người đó trước sau gì cũng làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, làm hại đến lợi ích của nhân dân, của dân tộc và nguy hiểm hơn nữa là đến một lúc nào đó, họ sẽ phản bội lại lý tưởng cách mạng của Đảng.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, những việc khó khăn, gian khổ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, lo trước nỗi lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ. Tất nhiên, đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ đảng viên thì cũng có cả quyền lợi. Nhưng vượt lên trên tất cả cái gọi là quyền lợi ấy phải là đạo đức cách mạng, là phẩm chất của người đảng viên tận tụy vì dân. Nếu đảng viên mà đặt lợi ích cá nhân, gia đình mình lên trên hết thì người đảng viên đó không được lòng tin của nhân dân. Khi đảng viên đã đánh mất lòng tin của dân và xa dời quần chúng nhân dân thì mọi việc đều thất bại, như câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo và xây dựng Đảng ta luôn lấy dân làm gốc.

Do vậy, việc xác định động cơ vào Đảng ở mỗi quần chúng là rất quan trọng. Nếu ngay từ đầu, động cơ vào Đảng không đúng đắn, lệch lạc và vụ lợi thì không những không làm cho Đảng vững mạnh mà còn ngược lại, khi đó tổ chức Đảng tuy đông nhưng không đoàn kết, không hình thành một khối vững chắc, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ suy yếu, chia rẽ. Động cơ và mục đích của quần chúng khi vào Đảng là điều hết sức quan trọng nhưng đó là điều khó nắm bắt nhất, bởi nó nằm sâu trong nội tâm mỗi người. Vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng, chúng ta cần tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng một cách có hệ thống cho quần chúng và cho các đảng viên mới để mỗi người đảng viên và quần chúng tự ý thức, tự trau đồi, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị và tự phấn đấu vươn lên. Vì sự vững mạnh của Đảng, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc, quần chúng cũng như cán bộ đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư”.

Trong quá trình phấn đấu, xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn là điều có ý nghĩa quyết định. Đảng chỉ kết nạp những người thực sự giác ngộ về mục đích, lý tưởng cách mạng, quyết không thu nạp vào hàng ngũ của mình những người mang động cơ thiếu trong sáng, lệch lạc, càng không để cho các phần tử cơ hội lọt vào hàng ngũ của Đảng. Để có động cơ vào Đảng đúng đắn cần hiểu sâu sắc bản chất, mục đích của Đảng, tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng đề ra: thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, vụ lợi, xa rời với bản chất của người chiến sĩ cách mạng.

Trong điều kiện hòa bình hiện nay, xác định động cơ vào Đảng đúng đắn có ý nghĩa hết sức quan trọng, Đảng ta cầm quyền lãnh đạo đất nước với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mỗi người dân nói chung và mỗi người đảng viên nói riêng luôn phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách và những cám dỗ của quyền lực, tiền tài. Nếu người vào Đảng không có đủ nghị lực và bản lĩnh sẽ không vượt qua được những thử thách, không thắng nổi cám dỗ vật chất thì Đảng sẽ xa rời tư tưởng cộng sản nền tảng, không vượt qua được những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Động cơ và mục đích vào Đảng đúng đắn không phải là cái cụ thể, không phải là thứ mà chúng ta đem cân đong, đo đếm được mà nó đã tồn tại trong những người đoàn viên ưu tú, những quần chúng tiến bộ và được bồi đắp thêm ngay trong quá trình học tập, rèn luyện và phấn đấu vào Đảng của mỗi quần chúng ưu tú và người đảng viên.

Trước ma lực của đồng tiền và sự chống phá của các thế lực thù địch, biết bao người vẫn nêu cao lý tưởng sống, chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Chúng ta tự hào vì trong bất cứ tình huống nào Đảng ta vẫn không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Đó chính là nhờ vào phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng mà người cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã có, đó là:

- Có bản lĩnh chính trị, nhận thức đúng đắn và kiên định, trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, trung thành với lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc. Trước những khó khăn và cám dỗ, không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu.

- Có tinh thần độc lập, sáng tạo, không ngừng học tập và rèn luyện bản thân, không thụ động, ỷ lại, bảo thủ, trì trệ.

- Luông có ý thức đề cao cảnh giác, chống chủ nghĩa cá nhân và lối sống cơ hội, thực dụng, những tệ nạn quan liêu, tham nhũng lãng phí. Đấu tranh trước hết là phải đối với bản thân mình, sau đó mới là đối với tổ chức, đơn vị, cộng đồng nơi ta làm việc, sinh sống. Có tinh thần phê và tự phê bình nghiêm túc.

- Luôn có ý thức phục tùng kỷ luật Đảng và cố gắng hoàn thành công việc được giao.

- Sống hòa đồng, gắn bó với tập thể và nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.

Phấn đấu vào Ðảng là lý tưởng cao cả để được đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho tập thể, cho nhân dân và rộng hơn là cho quốc gia, dân tộc. Khi nhận thức đúng đắn ta sẽ có động cơ đúng, có sức mạnh bên trong là động lực hướng dẫn hành động, thôi thúc chúng ta sống, hoạt động với lý tưởng cao đẹp cho Ðảng và cho chính mình. Hãy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, phấn đấu, rèn luyện, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ đang đảm nhiệm, là một công dân tốt, xung kích trong các hoạt động... bạn sẽ trở thành một đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam có đủ phẩm chất và năng lực.

                            

PHẠM THỊ LƯƠNG 

Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL

Ý kiến bạn đọc