Chính trị trước, thương mại sau

VH- Sau khi đạt được thỏa thuận về thương mại tự do song phương với Mexico, Mỹ vừa nhất trí được với Canada về thỏa thuận tương tự.

 Như vậy, ba nước này đã có được sự nhất trí cần thiết về việc thay thế Hiệp ước về khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Nafta), có hiệu lực từ năm 1994 bằng thỏa thuận mới. Thỏa thuận mới này có tên gọi là Thỏa thuận giữa Mỹ, Canada và Mexico, viết tắt là USCMA. Tới đây, USCMA sẽ được ký kết và sau khi được phê chuẩn ở ba nước thì mới có hiệu lực chính thức. So với Nafta, thỏa thuận mới này có những nội dung mới nhất định và có sửa đổi nội dung cũ, nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục những nội dung của Nafta. Hiệu quả thực tế của USCMA đến đâu hiện chưa ai có thể chắc đoán được, mà phải chờ thời gian trả lời. Nhưng hiện tại đã có thể thấy được rõ hai điều.

Thứ nhất, Nafta đã tồn tại gần một phần tư thế kỷ nên việc xem xét lại, sửa đổi, bổ sung và thậm chí cả thay thế Nafta bằng thỏa thuận mới là rất cần thiết và thức thời. USCMA đáp ứng được đòi hỏi này trên danh nghĩa, nhưng không hẳn đã được hoàn toàn như thế trong thực chất bởi những nội dung trong đó mới và khác so với Nafta vẫn còn quá ít và chưa thật sự cơ bản.

Thứ hai, giá trị thương mại thiết thực của USCMA chưa lộ diện nhưng nó đã có tác động chính trị rất to lớn ở nước Mỹ. Nó là thành quả cầm quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chắc chắn sẽ được người này tận lợi tối đa phục vụ cho cuộc vận động bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ. Vì tác động chính trị này mà ông Trump thôi thúc Mexico và Canada kết thúc quá trình đàm phán trước thời điểm bầu cử cũng như thỏa thuận mới phải có tên gọi mới, không phải Nafta 2.0 mà phải là USCMA. Đồng thời, cũng vì coi thỏa thuận này là thành công của chủ trương đàm phán lại các thỏa thuận thương mại đã có với các đối tác của Mỹ nên ông Trump sẽ còn tiếp tục chủ trương ấy trong thời gian tới, còn ép và dọa các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trong thời gian tới. 

Lương San

Ý kiến bạn đọc