Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Điểm đen môi trường ở Đà Nẵng "sống" 25 năm

Thứ Tư 26/09/2018 | 09:10 GMT+7

VH-  Đã 25 năm qua, người dân phường Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ bãi rác khổng lồ Khánh Sơn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng và được hứa sẽ giải quyết nhưng cho đến nay mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy.

Bãi rác ngày một lan rộng, bốc mùi hôi thối, người dân lo lắng cho sức khỏe khi hằng ngày vẫn phải sống quanh khu vực này.

 Người dân dựng lều che bạt “giữ đường”, chắn xe vào đổ rác

Quá bức xúc, dân liên tiếp chặn đường

Sáng ngày 23.9, phóng viên Văn Hoá có mặt tại “điểm đen” ô nhiễm môi trường - bãi rác Khánh Sơn (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Hàng trăm người dân trong khu vực này đã trải chiếu, che bạt, ngồi canh, chặn không cho xe chở rác ra vào bãi rác. Ông Nguyễn Văn Ba (tổ 70, P. Hòa Khánh Nam) cho biết, người dân khu vực này đã 27 năm chịu đựng ô nhiễm từ bãi rác Khánh Sơn. Bản thân ông đã kiếm sống bằng nghề nhặt rác, hằng ngày phải tiếp xúc với rác nhưng không thể chịu đựng nổi sự hôi thối, ô nhiễm của bãi rác này. Nước thì ô nhiễm đến mức những loài cá quen với chất bẩn nhất cũng không sống nổi!

Người dân khu vực này cho biết, đã rất nhiều lần người dân đón đường chặn xe chở rác để kêu cứu với các cấp chính quyền. Cũng đã nhiều lần chính quyền TP Đà Nẵng hứa hẹn xử lý, di dời. Nhưng sau đó lại gia hạn hoạt động cho bãi rác khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải phản đối theo cách này, chứ có ai rảnh mà giữa trưa nắng bỏ nhà cửa ra đây ngồi! Chúng tôi phản đối việc chính quyền để cho bãi rác này tồn tại quá lâu, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân”, bà Mai Thị Thu Sương, P. Hoà Khánh Nam bức xúc cho biết. Nhiều người dân bày tỏ mong muốn thành phố phải có thái độ dứt khoát, nếu giữ bãi rác thì phải có biện pháp di dời dân khỏi khu vực ô nhiễm hoặc phải di dời bãi rác, không thể cứ hứa hẹn, lần nữa mãi để người dân chết dần chết mòn. Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cũng đã xuống hiện trường nhưng không đưa ra được giải pháp cụ thể giải quyết bức xúc của người dân.

Năm 2015, khi đối thoại với người dân về vấn đề này, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ đóng cửa bãi rác Khánh Sơn và xây dựng môi trường trong lành, theo đó bãi rác Khánh Sơn sẽ được đóng cửa hoàn toàn, phủ đất, trồng cây xanh để tiến tới chỉnh trang cảnh quan, xây dựng công viên do khu vực này nằm dọc tuyến đường du lịch Hoàng Văn Thái. Trong khi đó, bãi rác chính của Đà Nẵng sẽ được dời đến vị trí mới đã quy hoạch xong địa điểm. Bãi rác mới sẽ rộng 100ha, nằm phía bên kia đèo Đại La, cách hẳn khu dân cư Khánh Sơn bằng một... ngọn núi và sẽ có tuyến đường 1,3km được xây dựng, nối bãi rác Khánh Sơn với bãi rác mới. Nhưng thực tế cho đến nay, bãi rác vẫn tồn tại với mức độ ô nhiễm ngày càng lớn.

 ​ Để đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố sau khi đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, UBND thành phố đã quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) vào năm 2016 với tổng diện tích 119,4ha; quy mô xử lý từ 1.000-1.500 tấn rác/ngày và công nghệ xử lý tiên tiến, tỉ lệ chôn lấp dưới 10%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ giúp đỡ thành phố lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư, mở thầu, chấm thầu… với hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP). Theo đó chính quyền thành phố đang xúc tiến với ADB để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Khi nào đóng cửa bãi rác Khánh Sơn?

Khi được hỏi về hiện trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho rằng, mùi hôi của rác được phát sinh và lan ra là do sự chênh lệch về nhiệt độ. Khi trời nắng, nhiệt độ được ủ trong rác, đến tối và đêm thì tỏa ra và mùi hôi bốc lên. Bên cạnh phát sinh mùi hôi, bãi rác Khánh Sơn còn gây ô nhiễm môi trường bởi nước rỉ rác. Hệ thống xử lý nước rỉ rác được xây dựng, vận hành quá lâu đã xuống cấp. Hiện nay, bãi rác Khánh Sơn đang tiếp nhận từ 870 - 900 tấn rác/ngày, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Theo lộ trình đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì đóng cửa bãi rác Khánh Sơn. Sau khi đóng cửa bãi rác sẽ tiến hành san gạt đất phủ, xây dựng hạ tầng. “Mong muốn của người dân Khánh Sơn cũng như người dân thành phố và ngành Tài nguyên - Môi trường là sớm đưa Khu liên hợp xử lý chất thải rắn vào hoạt động để đóng cửa bãi rác Khánh Sơn. Hiện nay thành phố chưa thể đóng cửa bãi rác Khánh Sơn khi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn chưa đưa vào hoạt động. Để giảm mùi hôi, thời gian qua, công ty thường xuyên phun chế phẩm sinh học có hoạt tính cao nhiều lần, nhiều giờ trong ngày. Nhờ phun chế phẩm sinh học hoạt tính này, không chỉ hiệu suất khử mùi tăng lên mà khống chế được ruồi, muỗi phát sinh”, ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trao đổi.

Ngày 19.9, UBND Q. Liên Chiểu nhận được đơn của ông Nguyễn Đức Xinh (đại diện người dân) với 6 nội dung đề nghị giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, trong đó nói rõ: Nếu các cấp lãnh đạo không giải quyết gấp, người dân sẽ tiến hành chặn xe không cho chở rác vào bãi rác…

Trong đơn của ông Nguyễn Đức Xinh bày tỏ nguyện vọng của người dân mong muốn các cấp chính quyền vào cuộc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này, ngày 21.9, Sở TN&MT TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu Cty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện điều chỉnh lại quy trình xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó giảm diện tích bề mặt hoạt động chôn lấp rác tối đa 2.000 m2; không sử dụng bề mặt chôn lấp rác quá lớn, đồng thời lắp đặt camera để giám sát thực hiện phun chế phẩm khử mùi 6 lần/ngày… và hoàn thành trước ngày 30.9.2018. Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho biết đã yêu cầu Cty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, Xí nghiệp quản lý bãi và Tổ giám sát thực hiện lắp camera tại các điểm bãi rác để giám sát, đối với các loại chất thải của nhà máy bia và bùn cống phải thực hiện ngay trong ngày. Đối với nước thải rò rỉ phải tập trung xử lý và hạn chế thấp nhất mùi hôi khi xử lý và tăng liều lượng phun chế phẩm trong quá trình xử lý. 

 MINH CHÂU

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top