Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Thuyền nhỏ gặp sóng lớn

Thứ Hai 30/03/2020 | 09:16 GMT+7

VHO- Giảm 80-90% lượng khách, đóng tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm tham quan, thậm chí nhiều tỉnh thành đã thông báo không nhận khách lưu trú du lịch để phòng chống dịch Covid-19.

Dự báo ngành Du lịch trong những tháng tới sẽ tiếp tục chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh nên rất cần những giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp du lịch không bị phá sản.

Doanh nghiệp kêu cứu

Có tới trên 80% doanh nghiệp du lịch Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực yếu nên những lúc “sóng to gió lớn” như thế này rất khó để có thể vượt qua. Dù Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký tờ trình Chính phủ số 3540/TTr-BTC về Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định này quy định về việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Trong đó, đối tượng được áp dụng chính sách này có các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong ngành du lịch (dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch, vận tải đường bộ, vận tải hàng không…).

Thế nhưng, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng: Với tình hình kinh doanh như hiện nay, gần như đóng cửa toàn bộ, kể cả kinh doanh online cũng còn rất ít thì làm gì có doanh thu mà nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Chính sách này đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với các doanh nghiệp nhưng thời điểm hiện nay cũng chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp du lịch trên cả nước hiện nay dù chưa công bố nhưng gần như đã tạm dừng toàn bộ, không ai dám đi du lịch lúc này, cũng không ai kinh doanh, “ở nhà là yêu nước” nên giờ chúng tôi chỉ biết chờ cho dịch qua đi rồi làm lại từ đầu. Chỉ còn một số ít doanh nghiệp lớn hoạt động nhưng chủ yếu làm việc online, thời gian này họ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm mới”, ông Phạm Hải Quỳnh, Giám đốc Vân Hải Xanh Travel, Chủ tịch Chi hội du lịch cộng đồng nói.

Khi dịch bệnh mới xảy ra, nhiều người còn tự tin, cố gắng khôi phục sớm ngành Du lịch, tuy nhiên, không giống như dịch SARS năm 2003, cũng không giống dịch cúm A/H1N1 gần nhất năm 2010 hay MERS-CoV năm 2012, dịch Covid-19 đã lan rộng khắp toàn cầu nên các doanh nghiệp du lịch trong nước phần lớn rơi vào tình trạng “bất động” và chắc chắn, khi dịch đi qua, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.

Cần giải pháp thiết thực, cấp bách

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty du lịch Vietrantour cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Du lịch, trong đó có các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú. Vietrantour mặc dù rất cố gắng chèo chống nhưng vẫn bị ảnh hưởng lớn do dòng tiền thiếu hụt, không có phát sinh doanh thu, không thu hồi được các khoản thu trong khi các chi phí vẫn phải chi trả như thuê văn phòng, chi trả lương cho cán bộ nhân viên, chi trả các loại bảo hiểm cho người lao động, lãi suất ngân hàng...”. Cho rằng không chỉ riêng công ty mình mà rất nhiều công ty du lịch đang rơi vào tình trạng đầy rẫy khó khăn, bà Huyền nói: “Đây thật sự thách thức rất lớn bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng đang giải quyết việc làm cho phần lớn người lao động trong lĩnh vực du lịch. Nếu không giải quyết được dòng tiền trong ngắn hạn thì sẽ có thể có nguy cơ người lao động mất việc, doanh nghiệp đóng cửa”.

Trong khó khăn, bà Nguyễn Thị Huyền kiến nghị lãnh đạo ngành Du lịch có những đề xuất với Chính phủ về việc các ngân hàng cần xem xét ngay việc giảm lãi vay, miễn lãi cho các doanh nghiệp du lịch có dư nợ hiện hữu trong thời gian tối thiểu 6 tháng, tối đa 12 tháng; không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ ngân hàng. Cho doanh nghiệp vay không tính lãi suất để trả lương cho người lao động; giải ngân các gói ưu đãi vay, giảm lãi suất nợ ngân hàng đồng bộ trong tất cả hệ thống ngân hàng công lập và các ngân hàng thương mại cổ phần để doanh nghiệp tiếp cận các gói ưu đãi kịp thời. Tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn, giãn thời gian trả nợ từ 6 tháng trở lên, tăng thời gian cho các doanh nghiệp du lịch phải trả nợ gốc, trả lãi sau 6- 12 tháng kể từ ngày Chính phủ công bố hết dịch Covid- 19. Bởi ngành Du lịch sẽ chỉ phát sinh doanh thu sau khi kinh tế hồi phục hoàn toàn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp du lịch, kinh doanh cơ sở lưu trú cần hỗ trợ về việc đóng bảo hiểm và đề xuất cho doanh nghiệp ngắt hoàn toàn thời gian đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất đối với người lao động, không phải đóng bù sau khi doanh nghiệp và người lao động đi làm trở lại, bởi nếu không sẽ là gánh nặng cho cả hai bên. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty du lịch Golden Life (Bình Định) cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp du lịch đang bị thiệt hại do việc khách hoãn hủy, doanh nghiệp không lấy lại được các khoản đã chi, lãi âm, cho nhân viên nghỉ việc, thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động… Thiết thực nhất thời gian này là Nhà nước cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ để trang trải trong thời gian không có doanh thu, duy trì doanh nghiệp và an sinh xã hội”.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước xem xét áp dụng một số chính sách ưu đãi như giảm thuế, chậm nộp thuế cho các doanh nghiệp, đơn vị cho thuê mặt bằng, cho thuê văn phòng, kho bãi để các doanh nghiệp đi thuê sẽ được giảm tối đa các chi phí phải chi trả trong thời gian tạm ngưng việc và trong 6-12 tháng khi bắt đầu hoạt động kinh doanh trở lại. Đồng thời xét giảm tiền điện, cho các cơ sở lưu trú, du lịch từ đối tượng sử dụng điện kinh doanh sang nhóm sản xuất; giảm tiền nước hoặc chậm nộp… trong một thời gian nhất định. 

 THÚY HÀ

 Công ty du lịch số 1 Hà Nội - Hanoitourist đã chuyển sang làm việc online Ảnh: ANH VŨ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top