Phạt nguội xe máy vi phạm Luật Giao thông:

Quyết liệt để giảm bớt hình ảnh xấu xí

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông ba tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị phạt nguội với xe máy vi phạm luật giao thông nhằm cải thiện hành vi của người đi xe máy, từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Quyết liệt để giảm bớt hình ảnh xấu xí - ảnh 1

Xe máy đi ngược chiều, leo lên vỉa hè là cảnh thường ngày ở Hà Nội

 Vấn đề này hiện được sự quan tâm không nhỏ của người dân. Câu chuyện quản lý phương tiện xe máy, nhất là ở các thành phố lớn luôn là bài toán khó khiến các cơ quan quản lý đau đầu nhiều năm nay. Mô tô, xe máy là phương tiện giao thông được đa số người dân Việt Nam sử dụng với khoảng hơn 70 triệu chiếc. Người điều khiển xe máy chiếm đa số trên đường, nhưng một bộ phận không nhỏ thiếu ý thức, không tuân thủ luật giao thông, dẫn đến tai nạn liên quan xe máy liên tiếp xảy ra.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng và một số chuyên gia, trong tất cả các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do xe máy gây ra chiếm tỉ lệ cao, lên đến khoảng 60% các vụ tai nạn. Không khó để nhìn thấy ở mọi ngõ ngách, đường phố khắp nơi trên cả nước, tình trạng người điều khiển xe máy phóng nhanh vượt ẩu, đua xe, lạng lách, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở hàng hóa cồng kềnh. Thậm chí, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, xe máy cố tình đi vào cao tốc, đường dành riêng cho ô tô, đi ngược chiều trên cao tốc…, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Điều này khiến giao thông Việt Nam trở thành nỗi ám ảnh của không ít du khách. Việc sang đường, đi lại trên đường phố trở thành một việc “mạo hiểm” đối với họ. Không chỉ khách nước ngoài mà không ít người Việt Nam cũng thót tim mỗi khi sang đường hay tham gia giao thông trên đường phố.

Tuy nhiên, việc xử lý các tình huống vi phạm giao thông của người điều khiển xe máy chưa được các lực lượng chức năng làm mạnh, mang tính răn đe. Chỗ nào có cảnh sát giao thông thì người đi xe máy chấp hành, nhưng “vắng bóng” lực lượng chức năng thì mạnh ai nấy đi. Thậm chí, những lúc cao điểm sáng và chiều thì nhiều khi lực lượng chức năng cũng “bất lực” trước những người đi ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu. Thói quen tham gia giao thông theo kiểu bất chấp, hay “điền vào chỗ trống” đã ăn sâu vào ý thức của nhiều người. Anh Nguyễn Thanh Long (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tình trạng xe máy đi ngược chiều, đi sai làn, phóng nhanh vượt ẩu diễn ra hằng ngày, kể cả khi giao thông không ùn tắc. Hằng ngày anh đi từ đường Nguyễn Trãi qua Ngã Tư Sở để đến cơ quan làm việc, đã phải chứng kiến cảnh xe máy đi theo kiểu “điền vào chỗ trống”.

Chứng kiến việc đường Nguyễn Trãi nhiều lần phân làn luồng ô tô, xe máy riêng và rồi thất bại, anh Long cho rằng đó là sự bất lực của các cơ quan quản lý. Bởi, nhiều lần phân làn, nhiều lần thí điểm kiểu “đầu voi đuôi chuột” dẫn đến việc người dân thiếu lòng tin vào cơ quan chức năng, thiếu đi sự tôn nghiêm của pháp luật. “Không chỉ giờ cao điểm, những lúc đường vắng thì xe máy cũng không đi đúng làn, trống chỗ nào người ta đi chỗ đấy. Việc người dân tham gia giao thông thiếu ý thức mà không bị xử lý, xử phạt, để lâu thành ra nhờn luật. Trong khi ô tô đi sai một tí là bị phạt “nóng”, phạt nguội, hiếm khi người đi xe máy bị CSGT xử lý. Điều này là không công bằng”, anh Thanh Long nói.

Với việc Bộ trưởng GTVT đề xuất phạt nguội vi phạm của xe gắn máy, điều này có nghĩa là tình hình vi phạm trật tự giao thông của một bộ phận không nhỏ người đi xe máy đã lên đến tình trạng đáng quan ngại. Theo một số chuyên gia, việc tuân thủ Luật giao thông đường bộ của người đi xe máy là thấp, hành vi điều khiển xe máy tùy tiện, sẵn sàng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ và tiềm ẩn rùi ro xảy ra tai nạn cho chính người điều khiển phương tiện cũng như người tham gia giao thông khác. Chính vì điều đó, việc có biện pháp mạnh, đủ sức răn đe, lập lại kỷ cương là điều cần thiết phải làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay, việc xác định chính chủ của xe máy là vấn đề rất phức tạp. Để có thể phạt nguội cần có những giải pháp, biện pháp về pháp luật để định danh chính chủ phương tiện. Khi đã có những thay đổi về cơ chế, chính sách đó thì việc phạt nguội xe máy vi phạm mới có hiệu quả và mang tính khả thi.

Để có căn cứ phạt nguội cần tiến hành định danh chính chủ xe máy, việc này mất nhiều thời gian, cần có lộ trình và biện pháp. Trong khi chờ các bước để có thể phạt nguội, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cương quyết, quyết liệt trong xử lý các vi phạm bằng phạt “nóng”. Cảnh người điều khiển xe máy vi phạm giao thông diễn ra hằng ngày, gây ra hình ảnh xấu xí, bát nháo với giao thông khắp nơi. Việc mạnh tay phạt “nóng” xe máy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ như đối với xe ô tô cũng là biện pháp thay đổi hành vi, thói quen của người điều khiển xe máy. Từ đó, thay đổi thói quen, nhận thức, hành vi và trở thành văn hóa giao thông thì việc phạt nguội xe máy sẽ dễ dàng hơn. Nếu chỉ nói mà không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn, không có biện pháp kiên quyết, cứng rắn, người tham gia giao thông bằng xe máy sẽ khó tuân thủ luật pháp. Việc Hà Nội nhiều lần ra quân giành vỉa hè cho người đi bộ hay nhiều lần phân làn riêng ô tô, xe máy ở đường Nguyễn Trãi là một ví dụ. Thí điểm, ra quân rầm rộ và kết thúc cũng lặng lẽ, hiện trạng trước thế nào, sau vẫn như thế.

Không phải tất cả những người sử dụng xe máy đều vi phạm giao thông, nhưng bên cạnh những người tuân thủ tốt thì số vi phạm là rất nhiều. Nhiều người ủng hộ đề xuất phạt nguội những người đi xe máy vi phạm luật giao thông của Bộ trưởng GTVT và chờ những biện pháp của các cơ quan chức năng từ đề xuất đó được triển khai thế nào trong thời gian tới. 

Ý kiến bạn đọc