Đặc sắc chiếu cói Hoài Nhơn

PHAN HIẾU; ảnh: PHƯƠNG NAM

VHO - Chiếu cói Hoài Nhơn là một trong những làng nghề thủ công đặc sắc của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt, chiếu cói Hoài Nhơn nổi tiếng với độ óng mượt, dẻo dai, màu sắc tươi thắm.

 Được biết ở thị xã Hoài Nhơn, vùng Hoài Châu Bắc được xem là địa phương có nhiều hộ lâu đời chuyên làm nghề chiếu cói. Các cụ già ở đây kể lại, làng nghề này xuất phát từ xóm 4 thôn Gia An Đông, sau lan ra các vùng lân cận. Ngã ba Chương Hòa là địa điểm trao đổi mua bán chiếu và cói. Từ đó trong dân gian gọi làng nghề thủ công ở đây là làng chiếu Chương Hòa.

Đặc sắc chiếu cói Hoài Nhơn - ảnh 1

Từ sáng tinh mơ, người dân đã đi thu hoạch cói

Theo lời các cụ già ở Gia An Đông khẳng định, nghề dệt chiếu ở đây có từ rất sớm. Tương truyền do cụ Bá Hộ từ Thanh Hóa vào đây khai hoang lập làng và đã mang theo nghề dệt chiếu để khởi xướng lập nghiệp nơi đất khách quê người. Về sau, dân làng nghề suy tôn ông làm vị Tổ.

Những ngày này, người làm nghề dệt chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc lại tất bật vào vụ thu hoạch cói chín. Với họ, đây là công việc truyền thống, gắn bó bao thế hệ.

Đặc sắc chiếu cói Hoài Nhơn - ảnh 2

Nghề chiếu cói đã tồn tại hàng trăm năm tại Hoài Nhơn

Chưa kể, thời gian qua, khi cánh đồng chiếu cói nơi đây chín rực dọc tuyến quốc lộ 1A đang trở thành điểm đến mới cho giới trẻ tham quan và chụp hình lưu niệm.

Không chỉ anh Đinh Hữu Tiên ở thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc mà nhiều người dân ở đây chia sẻ, dệt chiếu là nghề truyền thống của bà con. Cứ vào khoảng vào tháng 3 hằng năm là bắt đầu mùa cói. Một năm nếu chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi thì có thể thu hoạch được 2 lần.

“Mùa cói chín cũng là thời điểm cái nóng mùa hè của tháng 4 - 6 miền Trung. Bởi vậy, từ sáng sớm, khi bình mình chưa ló dạng, những người nông dân cần mẫn đã tấp nập ra đồng thu hoạch cói”, anh Đinh Hữu Tiên nói.

Đặc sắc chiếu cói Hoài Nhơn - ảnh 3

Chiếu thành phẩm được người dân vận chuyển đem bi buôn bán

Theo người dân, sau khi thu hoạch cói tươi nhanh chóng được đưa về so lựa từng cây rồi chẻ nhỏ đem phơi. Người thợ phải trông chừng thật kỹ quá trình thân cói se lại cho tới khi sợi cói đạt độ dai tiêu chuẩn là thu gom lại ngay, phơi thêm có thể khiến sợi cói bị giòn, dễ gãy.

Sợi cói khô lúc này được chia ra, một phần để dệt những chiếc chiếu trơn mộc mạc, một phần đem đi nhuộm màu để dệt chiếu hoa. Để nhuộm màu cói, người ta nấu những nồi phẩm màu lớn rồi nhúng từng nạm cói vào, có thể nhuộm một đến hai lần sao cho màu thấm vào sợi đồng đều rồi mang ra phơi nắng cho sợi cói lên màu tươi mới, bền màu.

Trước đây, những người thợ dệt chiếu ở Hoài Châu Bắc sử dụng gạch nung, phẩm màu cùng chất kết dính bồ lời mà nhuộm cói để dệt chiếu bông, dùng khung dệt mà lúc đầu khung rất thô sơ, mẫu mã cũng đơn giản. Sau này, dần tích lũy kinh nghiệm nâng cao tay nghề, các nghệ nhân cải tiến khung dệt ngày càng tinh vi hơn, mẫu mã được sáng tạo nhiều và phong phú hơn.

Để có được một chiếc chiếu, người thợ dệt cần phải có cói (còn gọi là lác), trân, chỉ, phẩm nhuộm và khung cửi hoặc máy dệt chiếu. Vật liệu quan trọng nhất là cói, cói tốt thì chiếu bền, còn chiếu đẹp thì phụ thuộc vào người thợ dệt.

Đặc sắc chiếu cói Hoài Nhơn - ảnh 4

Nghề chiếu cói Hoài Nhơn tương truyền do cụ Bá Hộ từ Thanh Hóa vào đây khai hoang lập làng và đã mang theo nghề dệt chiếu để khởi xướng lập nghiệp nơi đất khách quê người

Người làm chiếu không xem nhẹ một yếu tố nào, công đoạn nào. Hiện nay, chiếu dệt có rất nhiều loại: chiếu khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa.

Theo UBND tỉnh Bình Định, trong những năm qua hoạt động làng nghề phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong làng nghề. Thống kê từ UBND xã Hoài Châu Bắc, các thôn có hộ dân làm nghề dệt chiếu là 1.525 hộ thì có gần 700 hộ sinh sống bằng nghề này.

Nhằm nâng cao giá trị của cây cói cũng như giải quyết được nhiều việc làm hơn, bên cạnh nghề dệt cói, người dân còn sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói như: mũ, túi xách, đệm chà chân…

Với lịch sử hình thành hơn 200 năm tại vùng đất Hoài Nhơn, làng nghề làm chiếu cói đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.