Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II

PHẠM THÁI

VHO - Trong hai ngày 25-26.4 tại xã Cư Huê, UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Liên hoan Văn hóa cồng chiêng - Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II, năm 2024.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II   - ảnh 1

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II. Ảnh: Phạm Thao

Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4; kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế Lao động 1.5; 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024) và chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện lần thứ IX; Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Ea Kar, lần thứ IV, ngày 25.4, tại nhà văn hóa cộng đồng xã Cư Huê, huyện Ea Kar đã tổ chức khai mạc Liên hoan Văn hóa cồng chiêng - thể thao các buôn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ea Kar lần thứ II, năm 2024.

Liên hoan đã thu hút gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên của 41 đội thi đến từ các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và các cơ quan, đơn vị của huyện Ea Kar. Cùng với đó là hàng nghìn lượt khán giả, du khách đến tham gia, cổ vũ. Qua đó đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và du khách.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II   - ảnh 2

Bí thư Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ea Kar Y Nhuân Byă tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự Liên hoan

Việc tổ chức sự kiện được chú trọng vào việc đảm bảo an toàn, lành mạnh, thiết thực và hiệu quả, nhằm tăng cường tình đoàn kết và tạo bầu không khí phấn khởi trong cộng đồng. Đồng thời, sự kiện cũng nhấn mạnh vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Các đội tham gia thi những nội dung như diễn tấu cồng chiêng, thi rượu cần - hóa trang, thi giã gạo, thi ẩm thực và các môn thể thao: kéo co, đẩy gậy, cà kheo, nhảy bao bố, bóng chuyền nam – nữ phối hợp.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II   - ảnh 3

Thi diễn tấu cồng chiêng

Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của 7 đoàn cồng chiêng đến từ các huyện: M’Drắk, Krông Pắc, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ; huyện Sông Hinh, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) và thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) biểu diễn giao lưu.

 Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn bố trí các gian hàng tiêu dùng, gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của huyện để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân địa phương cũng như du khách đến với Ea Kar trong những ngày diễn ra liên hoan.

Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích cao tại các nội dung thi đấu. Trong đó, xã Cư Huê đạt giải Nhất toàn đoàn; xã Cư Prông giải Nhì và xã Cư Ni giải Ba.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II   - ảnh 4

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng - Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II, năm 2024 là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, quần chúng nhân dân huyện Ea Kar gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Liên hoan cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ea Kar. Đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhau phát triển.

Nằm về phía Đông - Nam của tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Kar là nơi hội tụ của nhiều dân tộc trong cả nước. Ngoài người Kinh còn có các dân tộc bản địa, chủ yếu là người Ê Đê.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Thể thao huyện Ea Kar lần thứ II   - ảnh 5

Thi giã gạo

Các dân tộc từ nơi khác chuyển đến gồm có: Tày, Nùng, Dao, Thái, Sán chỉ, Vân kiều, Xê Đăng..; Các nhóm cộng đồng dân tộc này đã hình thành lên những cụm dân cư sinh sống rải rác trên khắp các xã, thi trấn trên địa bàn huyện. Cộng đồng các dân tộc với những truyền thống riêng, đã hình thành nên một nền văn hoá đa dạng, phong phú và có những nét độc đáo, trong đó nổi lên bản sắc văn hoá truyền thống của người Ê Đê và một số dân tộc khác.

Bên cạnh đó, Ea Kar còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, những năm chiến tranh, nơi đây có những căn cứ kháng chiến, điển hình là Buôn Trưng, xã Cư Bông là một căn cứ cách mạng nổi tiếng thời chống Mỹ, cần được giữ gìn và xây dựng thành khu văn hoá lịch sử, những yếu tố đó cấu thành tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc