Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

TRUYỀN THUYẾT VỀ  NỮ TÙ TRƯỞNG  YĂ WAM

Thứ Sáu 20/04/2018 | 09:00 GMT+7

VH-Tây Nguyên từ xa xưa đã là vùng đất của những huyền thoại, truyền thuyết, sử thi. Dường như mỗi ngọn núi, dòng suối, con sông, mỗi cánh rừng đều có lung linh những câu chuyện huyền thoại đẹp, gắn với những tù trưởng “ Đầu đội khăn kép vai mang túi da” dũng mãnh như Dam San người anh hùng, những người phụ nữ xinh đẹp tựa hoa plang, như nàng H’Bia Jâo mang lại vinh quang cho mảnh đất hùng vĩ đầy nắng đầy gió này.

Các truyền thuyết đều thể hiện tính nhân văn, như lời chỉ dạy đạo lý cho đời sau. Câu chuyện về người nữ tù trưởng mang tên Yă Wam là một ví dụ.

Yă theo cách gọi của người Ê Đê và M’Nông nghĩa là bà. Bà Yă Wam, người Ê Đê thuộc nhóm Adham. Theo truyền thuyết, Yă Wam  là người phụ nữ cao lớn,  xinh đẹp, không chồng lại giàu có, cai quản vùng đất rộng lớn suốt từ  Buôn Đôn, Ea Suop, Cư Mgar, Krông Buk. Truyền thuyết cũng nói rằng khi  N’Thu Rnul từ đất nước Lào xuôi thuyền theo dòng sông Mê Kông, rồi ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Ê Đê, M’Nông sống dọc sông Sêrêpôk. Thấy vùng đất này phong cảnh hữu tình, sông suối hiền hòa, đất đai mênh mông, trù phú, người dân sống chân tình đầy lòng mến người quý khách, nên   N’Thu Rnul,  đã đưa bộ tộc của mình đến  vùng đất này cư trú . Do tập tục đất đai có chủ, nên lúc đầu ông chọn một số cồn đất nổi bên sông , nơi khu vực thác 7 nhánh hiện nay để lập làng,  làng đảo,tiếng Mnông gọi là keang apa.Gọi theo tiếng Lào là bản Đon : bản là làng, Đon là đảo. Bản Đon cũng có nghĩa là làng đảo, về sau mọi người quen gọi là Bản Đôn hoặc gọi theo tiếng Ê Đê là Buôn Đôn .

 Bấy giờ, bà Yă Wam  đã chia cho ông N’Thu Rnul vùng đất dọc ven sông Sêrêpôk để lập làng mới, nay là khu vực Buôn Trí, thuộc huyện Buôn Đôn.

Nhờ con đường buôn bán qua 3 biên giới với người Lào, Xiêm, Khmer tại các cửa sông, cửa rừng, cùng với với sự cai quản nghiêm minh mà nhân ái. Bà Yă Wam được người Lào, người Xiêm kính nể và so sánh ngang với thế lực Vua lửa, Vua nước. Còn  người Ê đê, M’Nông  gọi Yă Wam là Vua Bà  nghĩa là Mtao mniê. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê KĐăm - người đã rất gắn bó với công tác nghiên cứu, sưu tầm về địa lý, văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Lắk thì: trong cộng đồng người ÊĐê, M’Nông truyền thuyết về Yă Wam luôn hiện hữu. Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê KĐăm: “Chuyện bà cắt đất cho vua voi là có thật vì truyền thống chia đất đai của  người Ê đê đã có từ lâu đời.  Nếu không họ sẽ gặp thiên tai và nhiều khó khăn khi đấu tranh với các thế lực hung ác.   Vì thế cộng đồng và  các tù trưởng đều luôn gắn  bó với nhau Sử sách thì không có. nhưng chắc chắn đó là người thật việc thật”.

Hình ảnh về bà Yă Wam được lưu truyền qua trí nhớ tuyệt vời đầy sáng tạo, và truyền miệng trong đời sống của người dân ở vùng đất mang tên bà. Chị Lê Thị Thanh Hà, ngay từ khi hình thành khu du lịch Bản Đôn, đã theo truyền thuyết ấy mà đã dựng tượng bà Yă Wam tại vị trí đẹp nhất, nhằm giới thiệu cho mọi người biết về nữ tù trưởng Yă Wam huyền thoại, người đã và đang được cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung ở Đắk Lắk nói riêng trân quý. Hình tượng nữ từ trưởng trong truyền thuyết dân gian đẹp bao nhiêu thì tình cảm mà người đời hôm nay dành cho bà cũng lung linh, huyền ảo bấy nhiêu. Trước bức tượng màu đen này, người ta tin rằng nếu đặt tay lên bà, bà sẽ truyền cho ta   sự nuôi dạy con cái tốt và giàu có.

Về thăm quê hương của bà Yă Wam, trong một ngày  nóng oi bức,  giao thời của sự chuyển mùa tại buôn Yă Wam xã Ea Kiết huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk những vườn cà phê, cây trái vẫn ngát xanh một màu. Những con đường đất đỏ xưa đã được trải nhựa cho xe chạy bon bon. Ở đó,  những câu chuyện về bà vẫn còn mới nguyên trong những ngôi nhà sàn cổ sẫm màu thời gian. Người cao tuổi kể rằng: vùng đất này  là do bà cai quản từ hàng trăm đời trước. Tất cả trong số họ khi lớn lên đều đã được nghe ông bà kể về Yă Wam,  nữ trù trưởng được tổ tiên kính trọng, trân quý. Bởi lẽ bà có sức mạnh lạ thường, bà có thể điều khiển được mọi vật. Thú dữ cũng phải vâng lời bà, Yàng cũng nghe lời cầu xin của bà. Và vì thế mà vùng đất này luôn mưa thuận gió hoà, cuộc sống  tốt đẹp. Những việc bà Yă Wam  dạy về  sản xuất lương thực, chiến đấu chống lại các thế lực xấu, những cuộc vui hội hè, các nghi lễ .v.v. đến nay vẫn còn nguyên vẹn với người dân nơi đây.   Theo Ae Đóa, Buôn Yă Wam A xã Ea Kiết huyện Cư Mgar, Đắk Lắk thì: Việc săn bán  lập buôn lập làng của đàn ông, nhưng bà mải mê chăm lo cho dân mà quên lấy chồng, khi bà chết đi người trong buôn ai cũng nhận là con cháu bà. Tại vùng đất mang tên của nữ tù trưởng khi xưa, Atul Toan  đã rất tự hào nói rằng mình là dòng họ của Yă Wam. Lúc còn nhỏ Atul Toan cũng được nghe kể về tổ tiên của mình là Yă Wam. Nữ tù trưởng giàu có đầy quyền lực đã dẫn dắt mọi hoat động của người ÊĐê, M’Nông nơi đây. Đồng bào nơi đây cũng kể rằng đập hồ tại trung tâm xã Êa Kiết huyện Cư Mgar này khi xưa là “bến nước ông bà”. Nơi mà người tù trưởng giàu có, thông minh, xinh đẹp, đã thành lập buôn và đưa bà con đến ở xung quanh bến nước. Cũng tại nơi này, tên người nữ tù trưởng Yă Wam, chủ của vùng đất mà bà từng cai quản cũng đã được đặt tên cho Lâm trường, nay là Công ty Buôn Yă Wam, đơn vị    đã và đang quản lý, bảo vệ gần 9.000 ha rừng thuộc các huyện giáp ranh Cư M’gar như Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Búk, Buôn Đôn.

Vẫn còn đây 2 ngôi mộ được đồng bào coi là của 2 người em thuộc họ hàng  bà Yă Wam. Qua năm tháng ngôi mộ đã nằm giữa vườn cà phê, cây ăn quả của già làng Ma Tuân, buôn Yă Wam A. Hiện mộ của 2 ông đang hứa hẹn trở thành nơi tham quan của các nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa Ê Đê mỗi khi đến Đắk Lắk du lịch. Theo lời Ma Tuân thì trên mộ  của 2 người em trai dòng họ của Yă Wam không bao giờ có cây to mọc. Dân làng không bao giờ đụng dao cuốc vào mà chỉ để giữ yên nên mộ có chu vi khoảng 30m2

    Nền văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, luôn  thấm đẫm tinh thần nhân văn, vì luôn đặt con người, nhất là phụ nữ ở vị trí trung tâm, luôn coi con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá. Bà Yă Wam được người dân tôn trọng vì luôn quan tâm tới lợi ích của người dân. Trong văn hoá các tộc người thiểu số Tây Nguyên người phụ  nữ luôn luôn được đề cao, có vai trò quyết định những công việc quan trọng trong gia đình của mình. Đó là điều rất đáng quý. 

Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hoá về nhiều mặt, trong đó có văn hoá, chúng ta phải giữ gìn những giá trị nhân văn tốt đẹp mà tổ tiên đã để lại. Quan trọng hơn, gìn giữ và phát huy các giá trị nhân văn trong văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, để bồi dưỡng và phát triển nhân tố con người Việt Nam, một nguồn nội lực rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có Tây Nguyên 

Cũng theo Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê KĐăm, thì  Yă Wam là một nhân vật đặc biệt vì thể hiện vai trò mẫu hệ mẫu quyền của người dân tộc Ê Đê. Bà có quê quán, có những chiến công khi sát cánh cùng N’Thu Rnul bảo vệ đất đai trước các thế lực khác. Nếu truyền thuyết được củng cố, hai ngôi mộ cổ được tôn tạo, cùng với cảnh quan sẵn có của Buôn Yă Wam và một số địa chỉ khác của huyện Cư M’gar, chắc chắn sẽ hình thành một vùng du lịch văn hóa và sinh thái đầy nội lực. Và không chỉ có ngành văn hóa, du lịch mới gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc, mà các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng phải nhanh chóng vào cuộc.   

Tìm về quá khứ, nhưng đích đến của cuộc hành trình này không phải ở quá khứ mà là hướng đến tương lai. Nói cách khác, việc tìm kiếm và phát huy những giá trị nhân văn trong văn hoá truyền thống, chính là quá trình nhìn nhận rõ hơn những giá trị của dân tộc, nhằm giúp chúng ta tự tin hơn về những gì mình đã có, đang có và tiếp tục phát huy nó trong cuộc sống hiện tại trên vùng đất Tây Nguyên huyền thoại này./.

  Xuân Hòa 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top