Kiên Giang đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong mùa lũ

VH- Hiện nay, nước lũ đang lên nhanh, việc đến trường của các em học sinh ở các xã đầu nguồn của huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đến trường. Để giảm bớt nỗi lo cho phụ huynh, sự nhọc nhằn cho học sinh, Ngành giáo dục huyện Hòn Đất đã phối hợp chặc chẽ với chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các em trong mùa lũ.

Kiên Giang đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong mùa lũ - Anh 1

Ông Lê Văn Tiễn (Người thứ 2 từ trái đếm qua) Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang trao tặng áo phao cho học sinh điểm trường Láng Cơm, xã Bình Giang.

Năm học 2018-2019, huyện Hòn Đất có 70 đơn vị trường học công lập và ngoài công lập với trên 30.000 em học sinh các cấp từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để phục vụ cho năm học mới thì vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh được các trường quan tâm đặt lên hàng đầu. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Hòn Đất chưa có đơn vị trường nào bị ngập nước. Tuy nhiên, nước lũ dâng cao ở một số xã đầu nguồn của huyện  nên một số tuyến đường  dẫn đi đến các điểm trường lẻ của huyện như điểm trường Láng Cơm của xã Bình Giang, điểm trường lẻ Thuận Tiến xã Bình Sơn hay Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn một số đoạn đường trũng, thấp đã bị ngập, gây khó khăn cho giáo viên và học sinh trong việc đi lại. 

Ông Phạm Minh Hoàng – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòn Đất cho biết: Ngành Giáo dục huyện Hòn Đất đã chủ động, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ để có biện pháp phòng tránh kịp thời. Đối với những bến đò ngang đưa học sinh qua ngang sông, ngoài ra cũng phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở chủ phương tiện tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các em như: trang bị thêm áo phao, phao cứu sinh. Vào những giờ cao điểm tại các bến phà, đò ngang phải tăng cường phương tiện đưa rước các em tuyệt đối không chở quá tải vì sẽ tìm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó, đối với học sinh mầm non, tiểu học phụ huynh cần  phối hợp cùng các trường trong việc đưa rước các em trong mùa nước lũ để đảm bảo an toàn cho các em. Thầy giáo Phạm Văn Quyền – Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Giang 1, xã Bình Giang huyện Hòn Đất cho biết: Đa phần gia đình các em sống bằng nghề nông nên công việc khá bận rộn. Một số phụ huynh cũng mang tâm lý chủ quan để con em mình tự đi đến trường. Vì vậy, Ban giám hiệu trường và các thầy cô giáo chủ nhiệm rất lo lắng nên đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc tổ chức võ đưa rước các em trong mùa lũ về.

Nếu như những năm trước công việc đưa rước các em tới đầu tháng 10 mới diễn ra thì trong năm học 2018 -2019 lại diện ra sớm hơn dự kiến khoảng 1 tháng và diễn biến của lũ rất khó lường. Tại các điểm giao nhau giữa các dòng kênh, nước chảy siết và rất mạnh nên công việc đưa đón các em cũng hết sức thận trọng vì đa phần các em tiểu học chưa biết bơi.

Qua khảo sát thực tế tại điểm trường Láng Cơm, xã Bình Giang, đây là một trong những điểm trường thuộc vùng sâu, cơ sở vật chất còn khó khăn. Hiện tại điểm trường này có 2 lớp ghép với 58 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và một lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Do các em sống rải rác dọc theo các tuyến kênh ngang dọc, tuyến kênh trục giữa nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn và tìm ẩn nhiều rủi ro.

Trước thực trạng này, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội phụ huynh học sinh tổ chức đưa rước các em bằng võ máy. Đồng thời, trang bị áo phao nhằm đảm bảo an toàn cho các em khi lưu thông bằng phương tiện thủy. Thầy giáo Phạm Văn Quyền cho biết thêm: Những ngày qua, mưa xuất hiện liên tục và kéo dài, mực nước dâng cao nên nhiều đoạn đường đến trường của các em ở điểm lẻ Láng Cơm đã bị gián đoạn. Nhà trường đã phối hợp với Hội phụ huynh tổ chức đưa rước các em 2 chuyến mỗi ngày vào sáng khi đến trường và trưa khi ra về. Để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên sông, nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm các mạnh thường quân hỗ trợ áo phao cho các em. Theo đó, Hội đồng đội của trường cũng đã tích cực vận động gây quỹ kịp thời hỗ trợ  tập sách, dụng cụ học tập để các em yên tâm đến lớp.

Nhằm đảm bảo chương trình học không bị gián đoạn, Ban giám hiệu các trường đã đi khảo sát thực tế, nắm chắc đối tượng học sinh, điều kiện đi lại của các em để có biện pháp chủ động. Thông qua các hoạt động ngoại khóa Hội đồng đội các trường đã lồng ghép hướng dẫn cho các em kỹ năng phòng chống đuối nước, hướng dẫn cách mặc áo pháo an toàn khi đi trên các phương tiện thủy. 

Kiên Giang đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong mùa lũ - Anh 2

 Học sinh điểm trường lẻ Láng Cơm, xã Bình Giang được đưa về tận nhà bằng võ máy có trang bị áo phao.

Em Nguyễn Thị Minh Thư,  học sinh lớp 4 Trường tiểu học Bình Giang 1, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất nói: Đường từ nhà em đến trường gần 3 km hiện nước ngập sâu em không đạp xe đi học được. Hơn 1 tuần qua em được các cô chú và nhà trường đưa rước em rất vui. Mặc dù em biết bơi nhưng nước lên cao, chảy rất siết nên khi đi võ đò đến trường em phải mặc áo phao để phòng tránh đuối nước.

Bên cạnh các động thái tích cực của Ngành Giáo dục huyện thì người dân sinh sống gần khu vực các điểm trường lẻ này cũng tạm gác lại việc gia đình để tham gia đưa đón học sinh hai buổi sáng chiều, hoàn toàn miễn phó. Ông Huỳnh Văn Cộ, người dân ở tổ nhân dân tự quản số 8, ấp Láng Cơm. Đã gần 10 năm làm công tác đưa rước học trò tôi thấy năm nay lũ về sớm và diễn biến phúc tạp hơn nên cũng rất lo. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước dòng nước siết, tôi đã sửa chữa võ máy, chuẩn bị phương tiện có sức chứa trên 30 người, mua thêm nhiên liệu dự trữ sẵn sàng để đưa rước các em hằng ngày hoàn toàn miễn phí.

Công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ đã và đang được Ngành Giáo dục huyện Hòn Đất phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện tốt. Tuy nhiên, hiện tại trên các bến đò ngang đưa rước khách cũng như học sinh qua sông chưa thật sự đảm bảo an toàn; việc trang bị áo phao, phao cứu sinh còn mang tính hình thức; Một số chủ phương tiện có trang bị áo phao nhưng đã cũ kỹ, hư hỏng chưa được thay thế mới,  điều này sẽ tìm ẩn nhiều nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố. Mong rằng, gia đình, nhà trường, chủ các phương tiện đưa đò ngang cùng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chung tay thực hiện có hiệu quả những giải pháp phòng tránh đuối nước cho học sinh.

Thu Hương-Thế Hạnh

Ý kiến bạn đọc