Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Hạn chế rượu, bia để bảo vệ gia đình và xã hội

Thứ Tư 21/11/2018 | 11:36 GMT+7

VHO- Một con số vừa được đưa ra trước Quốc hội: Mỗi năm người Việt uống 4 tỉ lít bia, tiêu tốn 3,4 tỉ USD. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017). Bia rượu làm mất 1,3% GDP (tương đương 65.000 tỉ đồng mỗi năm)... không khỏi làm chúng ta lo lắng, bởi tác hại ghê gớm do nó mang lại so với những lợi ích thu được từ hoạt động kinh doanh, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm rượu, bia.

 Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, ngành công nghiệp rượu, bia hằng năm đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động cả trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực của việc lạm dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội… đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Rượu, bia là nguồn cơn của mọi biến cố trong từng gia đình, gây mất trật tự xã hội như đánh nhau, bạo lực gia đình, hôn nhân đổ vỡ, phạm tội…và đặc biệt là tai nạn giao thông đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Cái giá phải trả cho việc lạm dụng rượu, bia thật là đắt! Và những ai không tin thì một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những nạn nhân đã từng lạm dụng rượu, bia thì sẽ được nghe họ nói như: “Giá như lúc đó tôi không uống” hoặc “Uống say không nên lái xe” và những cụm từ “ân hận”, “hối hận”...

Rượu, bia thực ra không có tội, nhưng cái tội là do những người lạm dụng nó gây ra. Nếu biết kiềm chế, hạn chế sử dụng nó thì không thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Bởi, rượu, bia là chất kích thích, khi lạm dụng nó sẽ gây nghiện, không làm chủ hành vi, mặt khác, tác hại khôn lường cho sức khỏe thì ai cũng biết như ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, rối loạn nhịp tim… Do đó, một dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được trình Quốc hội vừa qua là hết sức cần thiết để ngăn chặn và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, kéo giảm tình hình tội phạm và bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng.

Nội dung dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức, cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia… nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến về tính khả thi. Tuy nhiên, việc quy định cấm càng nhiều càng tốt, có thể bổ sung thêm một số quy định cấm khác để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia.

Vấn đề là, để một dự luật có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống rất cần một cơ chế thực thi bởi các văn bản hướng dẫn thi hành như nghị định xử phạt vi phạm hành chính, bố trí lực lượng xử phạt, nâng cao ý thức của người dân trong việc thi hành các quy định của pháp luật…, không để tình trạng ban hành luật rồi để đó, không thực thi hoặc thực thi không hiệu quả dẫn đến tình trạng “nhờn luật” như một số văn bản pháp luật khác. 

ĐỖ VĂN NHÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top