Xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh

VH- Ngày 10.8, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Tọa đàm khoa học về “Nội dung và quy trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo” tại Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh - Anh 1

Xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh - Anh 2

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu và chủ trì tọa đàm

Tham dự và chủ trì có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cùng các chuyên gia và nhà quản lý…

Mục đích nhằm tham vấn ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý để làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, xác định tiêu chí, tính xác thực và toàn vẹn trong không gian các tỉnh có văn hóa Óc Eo. Qua đó, thực hiện quy trình đề cử UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới.

Theo các nhà khoa học, năm 1994, từ sự phát hiện nhỏ lẻ của nhân dân địa phương, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã tiến hành khai quật khu di tích văn hóa này tại địa điểm của một Gò Cao, trên cánh đồng phía Đông và Đông Nam núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), đã đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiên cứu khảo cổ về một nền văn hóa được khởi phát tại An Giang, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp vùng Nam Bộ, đó là nền văn hóa Óc Eo. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê.

Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, địa phương đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên vẫn chưa có đầu tư những công trình bảo tồn, hay phát huy giá trị mang tầm cỡ quốc gia. Trong khi đó, tiềm năng của nền văn hóa Óc Eo đang có mặt rộng khắp trên gần 20 tỉnh, thành Nam Bộ và giá trị của nó đã được thế giới thừa nhận. Vì vậy, các địa phương có sở hữu, trong đó có An Giang quyết tâm phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh. Hiện trong 13 tỉnh Đồng bằng song Cửu Long chỉ có duy nhất một di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh vào năm 2013.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, ngay từ bây giờ phải có nghiên cứu khoa học và khách quan, đồng thời kết nối các kết quả khai quật để làm rõ các tiêu chí, xác định các nội dung chính, dự kiến khoanh vùng văn hóa Óc Eo để chứng minh về tính toàn vẹn của di tích gồm những tỉnh nào… Quá trình làm hồ sơ phải tiến hành song song với công tác nghiên cứu chứ không làm theo kiểu độc lập để tránh kéo dài thêm thời gian. Quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận thống nhất, tránh phân mảng giữa các đơn vị tham gia vào quá trình lập hồ sơ, xác định đến bao giờ thì hoàn thành, ai làm?

Xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh - Anh 3
Xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh - Anh 4

Một số hiện vật của di sản văn hóa Óc Eo được trưng bày

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia khẳng định, bản thân văn hóa Óc Eo đã được nhiều học giả quốc tế nghiên cứu sâu và công bố rộng rãi, mang các giá trị văn hóa đặc biệt, phù hợp với các tiêu chí để UNESCO thừa nhận. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh An Giang cần tích cực giải phóng mặt bằng để triển khai kịp tiến độ khai quật và cung cấp kết quả nghiên cứu cho công tác lập hồ sơ. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, bằng chứng xác thực của di sản vẫn đang nằm trong khảo cổ học, công tác khai quật không nên thực hiện lẻ tẻ theo kiểu “chọc lỗ”, nếu có sự khai quật đúng hướng thì hoàn toàn có sức thuyết phục UNESCO. Đồng thời nên có tư vấn quốc tế để có sự so sánh tương đồng với một số di sản trên giới. Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến về tên gọi xây dựng hồ sơ, xác định khu vực trung tâm khai quật để làm rõ tương đối toàn diện không gian của di sản. Giải pháp về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản.

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo không chỉ là trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan, đây còn là trách nhiệm của thế hệ sau đối với lịch sử. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh An Giang hoàn thiện báo cáo kết thúc giai đoạn 1, đôn đúc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho kịp tiến độ khai quật khảo cổ. Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2 cần làm gì? Có kế hoạch cụ thể về tiến độ thực hiện công việc trên, các đơn vị liên qua thuộc Bộ VHTTDL sẽ có hướng dẫn hướng dẫn đầy đủ trong quá trình thực hiện. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết thêm, sẽ sớm có hội nghị giữa các tỉnh có nền văn hóa Óc Eo để thống nhất phương án khoanh vùng cũng như tên gọi lập hồ sơ đề cử UNESCO vinh danh.

Hoàng Hải

 

Ý kiến bạn đọc