Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Kỳ hợp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Cần đầu tư cho đường​​​​​​​ cao tốc Bắc - Nam và Hà Nội

Thứ Tư 10/06/2020 | 11:01 GMT+7

VHO- Hôm qua 9.6, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại tổ về 2 nội dung quan trọng là chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

 Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng)

 Trình bày Tờ trình Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong hơn 2 năm qua, việc triển khai thực hiện Dự án này đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng yêu cầu của Quốc hội.

45 năm vẫn chưa có đường cao tốc Bắc - Nam

Tuy nhiên hiện dự án gặp khó khăn, vướng mắc về huy động vốn tín dụng. Vì thế Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với các nội dung: Quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn: Tổng mức đầu tư của Dự án là 100.816 tỷ đồng, bao gồm: Vốn NSNN là 78.461 tỷ đồng, gồm: 55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; phần vốn còn thiếu (23.461 tỷ đồng) giao Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.

Thảo luận tại tổ về dự án này, hầu hết các đại biểu thống nhất với sự cần thiết phải triển khai dự án. Theo đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận), về sự cần thiết của dự án thì Tờ trình của Chính phủ đã nói rõ nhưng vấn đề bây giờ là phải làm sao để sớm triển khai, tránh ùn tắc giao thông. Lấy ví dụ tại Phan Thiết, trong khi dự án này loay hoay mãi vẫn chưa làm được thì lượng xe lưu thông lại gấp 3 lần cho phép nên rất dễ tắc đường. Bình Thuận lúc nào cũng nằm trong top 5 cả nước về TNGT, riêng quốc lộ số 1 đã chiếm 50% số vụ nhưng không có cách nào giải quyết trong khi dự án mãi kéo dài tới giờ, khiến người dân rất vất vả.

Trong khi đó, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại trăn trở trước thực tế đất nước ta đã thống nhất 45 năm nhưng đến giờ vẫn chưa có nổi đường cao tốc Bắc-Nam, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chung của kinh tế cả nước. Nếu có đường cao tốc thì tất cả các tỉnh đều được hưởng lợi. Sản phẩm các địa phương làm ra có thể tiêu thụ hết ngay ở thị trường trong nước mà không cần giải cứu khi thị trường nước ngoài trục trặc, như thanh long chẳng hạn. Vì thế đại biểu Hùng đề nghị cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án như tờ trình của Chính phủ.

Hà Nội cần được đầu tư cho xứng tầm

Cũng trong ngày hôm qua Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 đồng thời, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Thảo luận ở tổ, đa số các đại biểu đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về cách làm, cách thực hiện. Cơ bản ủng hộ Nghị quyết này nhưng đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng cần phải xem xét lại cách làm sao cho hợp lý, chứ không phải cứ ban hành Nghị quyết đặc thù như thế. “Trong thời gian qua chúng ta đã và đang tiến hành thực hiện cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Hà Nội rồi Đà Nẵng... Tuy nói là đặc thù, thí điểm nhưng cơ chế, chính sách, phân cấp cho các thành phố này cơ bản giống nhau. Do vậy, Chính phủ nên nghiên cứu xây dựng luật chung cho các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1... trong đó quy định rõ cả mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý. Riêng với Hà Nội, cơ chế, chính sách đặc thù nên đưa vào Luật Thủ đô”, đại biểu Hiển nói.

Cũng đồng tình với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, nguồn thu ngân sách của HN đóng góp vào tổng thu chung của cả nước khoảng 17%. Vì vậy Hà Nội cần phải được đầu tư cho xứng tầm, nhất là về kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông…

 Không còn lý do gì để chậm trễ nữa

“Đất nước hôm nay không còn phải thế này nữa, đi từ Vinh 300km ra Hà Nội mất 6 tiếng đồng hồ thì làm sao có giá thành cạnh tranh, làm sao hội nhập? Phải nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa, đừng bàn chủ trương gì nữa. Chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng không vấn đề gì”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ sở để chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công là thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội, trong trường hợp nếu không đấu thầu được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công. Bộ trưởng Dũng khẳng định, với dự án này Chính phủ bàn nhiều lần nên chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công và cuối năm 2021 là xong 3 tuyến này, cũng như bố trí thêm vốn cho 700km còn lại.

THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top