Australia gia tăng sức ép với Trung Quốc và WHO về Covid-19

VHO- Bộ trưởng Ngoại giao Australia - Marise Payne tiếp tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên quan đến Covid-19.

Không có quan điểm cứng rắn như Mỹ trong việc chỉ trích Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giúp Trung Quốc che giấu số ca mắc Covid-19 cũng như ngừng các khoản đóng góp cho tổ chức này, Australia, một đồng minh thân cận của Mỹ lại đang có bước đi thận trọng hơn khi cho biết vẫn tiếp tục các khoản đóng góp cho WHO song cho rằng cần phải có cuộc điều tra quốc tế độc lập về vấn đề này.

Australia gia tăng sức ép với Trung Quốc và WHO về Covid-19 - Anh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Australia - Marise Payne. Ảnh: AP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC vào sáng nay, Bộ trưởng Ngoại giao Australia - Marise Payne cho biết, nguồn gốc virus gây ra bệnh Covid-19 cũng như vai trò của WHO cần phải phải được đánh giá độc lập để đi đến tận cùng về sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cần cũng như trách nhiệm của WHO trong vụ việc này.

“Việc đánh giá độc lập sẽ cho chúng ta biết về nguồn gốc của vi-rút, về cách tiếp cận cũng như về sự cởi mở thông tin, về sự phối hợp hành động với Tổ chức Y tế thế giới với các nhà lãnh đạo quốc tế. Tất cả những vấn đề này cần được đặt lên bàn để thảo luận”, Bộ trưởng Payne nói.

Về trách nhiệm của Trung Quốc đối với sự bùng phát của dịch bệnh, mặc dù không chỉ trích trực diện như Bộ trưởng An ninh nội địa Peter Dutton song Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cũng khẳng định, sự minh bạch là cần thiết đồng thời nhấn mạnh Australia đang xem xét những thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc giai đoạn khi dịch bệnh kết thúc.

“Rõ ràng là chúng tôi tin rằng sự minh bạch là cần thiết. Chúng tôi có mối quan hệ có nền tảng tốt với Trung Quốc. Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này được xây dựng trên 5 trụ cột chính. Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ cần phải được xem xét lại cùng với sự thay đổi trong nền kinh tế thế giới cũng như thay đổi trong vấn đề an ninh y tế quốc tế và nhiều thứ khác nữa”, bà Marise Payne nói thêm.

Cách tiếp cận của Australia với WHO và Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 cho thấy, nước này có sự mềm dẻo hơn so với Mỹ. Australia không bị dịch Covid-19 tác động nặng nề như Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Lãnh đạo Australia cũng không bị áp lực phải đối mặt với cuộc bầu cử sắp tới như Tổng thống Mỹ nên mức độ sức ép của nước này đối với WHO cũng như Trung Quốc không căng như Mỹ cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều có thể thấy đó là cả dù bằng cách này hay các khác, việc Australia và Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc là đều nhằm có được nhiều hơn các thông tin về Covid-19.

Trong bối cảnh các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được về cơ chế hoạt động của Covid-19 cũng như chưa tìm ra cách thức hiệu quả để khống chế virus này thì việc gia tăng sức ép với Trung Quốc cũng như WHO là để có thêm nhiều thông tin về Covid-19 được công bố rộng rãi, giúp cho quá trình điều trị cũng như ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh được hiệu quả hơn.

Australia là một trong số ít các quốc gia tuy có nhiều giao thương với Trung Quốc song lại sớm ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập khi ban hành lệnh cấm những người từng đến Trung Quốc nhập cảnh kể từ ngày 1.2 cũng như quyết định ứng phó với Covid-19 ở cấp độ đại dịch toàn cầu trước công bố của WHO 2 tuần.

Nhờ có sự chủ động và quyết định độc lập nên trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Australia chỉ có 15 trường hợp và tình hình này kéo dài trong nhiều ngày cho đến khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia Châu Âu và Mỹ khiến cho số ca bệnh nhập cảnh vào nước này tăng lên. Tính cho đến trưa nay, Australia có hơn 6.600 ca Covid-19, trong đó, 70 người đã thiệt mạng.

VOV.VN

Ý kiến bạn đọc