Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bánh chưng Bờ Đậu ngon nổi tiếng nhờ nguồn nước suối tinh khiết

Thứ Sáu 24/01/2020 | 22:23 GMT+7

VHO- Bánh chưng Bờ Đậu luộc bằng nước suối nguồn trên núi đá phía sau làng mà người dân coi như "nước giếng thần,” chính nguồn nước trong vắt này đã tạo nên vị riêng biệt, độc đáo của bánh chưng Bờ Đậu.

Người ta ăn bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên) không chỉ vào ngày Tết, giỗ, chạp mà vào bất cứ ngày nào trong năm, bởi hương vị thơm ngon đặc biệt khác hương vị bánh chưng ở nhiều nơi khác.

Banh chung Bo Dau ngon noi tieng nho nguon nuoc suoi tinh khiet hinh anh 1

Làng bánh chưng Bờ Đậu là một trong 5 làng làm bánh chưng nổi tiếng nhất khu vực miền Bắc

Xuất xứ của bánh chưng Bờ Đậu

Người khai tổ ra nghề làm bánh chưng Bờ Đậu ở xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km là cụ Nguyễn Thị Đấng.

Từ những năm 1960, cụ Đấng sinh nhai bằng một quán nhỏ bán bánh chưng nằm dưới gốc cây phượng thuộc xóm Bò Đậu. Nhờ tay nghề điêu luyện, những chiếc bánh chưng của cụ Đấng rất ngon khiến khách hàng nào ăn cũng tấm tắc khen ngon.

Quán nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Tiếng thơm đồn xa, ngày càng nhiều người nghe truyền tai tìm đến để mua bánh chưng của cụ về ăn. Cứ thế, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu cứ thế lan xa.

Đến khi về già, cụ Đấng truyền lại nghề làm bánh chưng cho các con cháu. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bánh chưng Bờ Đậu khá cao, nhiều người trong làng cũng bắt đầu gói, nấu bánh chưng bán cho khách phương xa. Nghề làm bánh chưng Bờ Đậu được nhân rộng khắp vùng.

Đến nay, với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.

Bí quyết tạo nên sự khác biệt của bánh chưng Bờ Đậu

Công đoạn làm nên chiếc bánh chưng Bờ Đậu có nhiều nét độc đáo, gói gọn tinh hoa của đất trời, tâm huyết của người làm trong từng chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh.

Đặc điểm đầu tiên là tất cả mọi người trong làng không hề sử dụng khuôn để gói bánh chưng mà chỉ dùng tay để gói, nhưng chiếc bánh nào cũng chắc chắn, vuông vắn đẹp mắt.

Theo những người lành nghề, việc gói bánh chưng bằng tay giúp họ có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau.

"Trăm hay không bằng tay quen," những người làm bánh chưng Bờ Đậu đầy kinh nghiệm luôn cho ra đời những chiếc bánh chưng giống nhau tăm tắp. Bánh cho vào luộc không bị méo mó, hay căng phồng, nứt vỡ mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh, nếp dẻo, thơm nồng nàn.

Nguyên liệu để làm bánh chưng Bờ Đậu phải là gạo nếp nương hoặc loại gạo nếp đặc biệt ở vùng miền núi phía Bắc như nếp vải, nếp thầu dầu, nếp nhung...  

Gạo nếp sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đậu làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên.

Đỗ xanh sau khi mua về sẽ được đãi sạch và đồ chín sau đó vắt thành từng phần nhỏ cho vào giữa lòng chiếc bánh.

Cùng với đỗ là thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Việt Bắc.

Sau khi gói xong, ngâm trước bánh trong nước khoảng 30 phút rồi mới đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh.

Và điều tạo góp phần nên hương vị đặc biệt của bánh chưng Bờ Đậu chính là nguồn nước được dùng để luộc bánh.

Bánh chưng Bờ Đậu được luộc bằng nước suối nguồn trên núi đá phía sau làng mà người dân coi như "nước giếng thần.”

Thời gian luộc bánh kéo dài từ 8-10 giờ, đến khi nước cạn phải tiếp thêm nước để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài.

Thứ nước trời cho trong vắt này còn giúp chiếc bánh chưng giữ nguyên được màu xanh của lá dong và dậy mùi thơm đậm đà. Bởi vậy, người làng Bờ Đậu mới có câu ca “Bánh chưng luộc nước giếng thần/Thơm ngon mùi vị có phần trời cho."

Phát triển thương hiệu

Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng ban quản lý làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết, được thành lập từ năm 2007 với chỉ hơn 10 hộ tham gia, đến nay, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu đã có hơn 50 hộ làm bánh với trên 200 lao động chuyên sản xuất, kinh doanh bánh chưng.

Trung bình mỗi hộ sản xuất hơn 200 cái/ngày với giá dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/cái. Vào vụ Tết năm nay giá bánh có thể tăng cao hơn vì chi phí nguyên liệu hay nhân công đều tăng, nhất là giá thịt lợn vài tháng nay biến động mạnh.

Nghề làm bánh chưng truyền thống không chỉ giúp cho người dân Bờ Đậu có thu nhập ổn định mà còn kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển như kinh doanh bánh chưng tại chỗ, cung ứng gạo và nguyên liệu làm bánh, cung cấp chất đốt...

Ngoài bánh chưng truyền thống, người dân làng nghề bánh chưng Bờ Đậu còn sản xuất thêm bánh chưng lá giềng, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm... tạo nên sự phong phú, mới mẻ cho sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng.

TTXVN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top