Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trường Sa không xa (Bài 2): Mầm xanh, sức sống Trường Sa

Thứ Tư 22/01/2020 | 23:12 GMT+7

VHO- Lâu nay khi nhắc đến Trường Sa người ta hay nghĩ đến một vùng biển đảo bạt ngàn sóng gió, bão táp và san hô, cây bàng vuông, dây muống biển là biểu tượng của sinh vật trên đảo. Có mục sở thị mới biết rằng các chiến sĩ Hải quân ngoài nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc còn tạo nên mầm xanh và sức sống Trường Sa.

Cây tra, cây bàng vuông, cây phong ba, hoa muống biển là những cây biểu tượng của Trường Sa

Lần đầu tiên tôi đi Trường Sa, nơi mà tôi đặt chân lên quần đảo Trường Sa là đảo chìm Đá Lát. Phải chờ đến giờ thủy triều lên, xuồng nhỏ mới trung chuyển chúng tôi lên đảo được.Chung quanh là đại dương mênh mông nước, Đá Lát chỉ là 2 mỏm đá diện tích có hạn để xây công trình, chung quanh không một bóng cây. Cảm nhận ban đầu của tôi về sức sống nơi đây là lòng quả cảm và sức chịu đựng của những người lính đảo ngày đêm giữ gìn phên dậu nước nhà. Thế nhưng, sau khi quan sát kỹ, trong không gian chưa tới 20m2, dưới góc một trụ ăng-ten, được rào chắn gió cẩn thận là nơi tăng gia sản xuất (trồng rau) của chiến sĩ trên đảo, màu xanh và sức sống đã hiện hữu. 

Binh nhất Nguyễn Ngọc Phụng (quê ở huyện Tuy Phước, Bình Định) đang chăm sóc vườn rau, vui vẻ tiếp chuyện: “Trước khi đi bộ đội em là sinh viên cao đẳng cơ khí, có biết lao động sản xuất gì đâu. Vào lính em biết hai thứ rất cần thiết, đó là trồng rau trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Thứ hai là em biết bơi và có thể sống dưới môi trường nước cả ngày vẫn được, còn trước đây dù sống ở vùng rốn lũ, nhưng thả em xuống nước chắc như … bì gạo!".

Binh nhất Nguyễn Ngọc Phụngchăm sóc vườn rau ở Đá Lát; một ô nhỏ dưới trụ ăng-ten ở đảo chìm Thuyền Chài A các chiến sĩ cũng trồng rau

Đại úy Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Lát tâm sự: “Nhiệm vụ chính của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là canh giữ biển đảo quê hương, trong bất cứ tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ; nhưng ở đảo, nhất là điều kiện khắc nghiệt ở đảo chìm, mọi người lính còn có nhiệm vụ sản xuất tăng gia. Giữa sự hào phóng của gió, sóng biển và muối biển quanh năm, để trồng được những luống rau bằng nguồn nước lợ hiếm hoi, chúng tôi phải rất kỳ công ở mỗi khâu trồng trọt và chăm sóc. Rau đã giúp bộ đội xanh hóa bữa ăn, còn khẳng định sức sống mãnh liệt trên biển đảo…”.

Khi tàu Kiểm ngư 941, có trọng tải 2.400 tấn cập vào âu thuyền Trường Sa (còn gọi là Trường Sa lớn hoặc Thủ đô Trường Sa), chúng tôi từ trên boong tàu nhìn xuống thị trấn này, đập vào mắt là ngút ngàn cây xanh (dù hơi cháy lá vì vừa trải qua mùa mưa bão bị xâm mặn), nhà cao tầng của các cơ quan, trường học, bưu điện, bệnh xá, các công trình quốc phòng được ngăn bởi các con đường bê-tông thẳng tắp những hàng cây.Phía trước cổng chào của “UBND thị trấn Trường Sa” (tỉnh Khánh Hòa) đã có cán bộ, chiến sĩ Hải quân, dân quân tự về và các hộ dân ăn mặc đẹp xếp hàng ngay ngắn đón chào đoàn từ đất liền ra thăm.

Cảm giác sung sướng nhất của chúng tôi là thấy được bóng dáng phụ nữ và trẻ em trên đảo tiền tiêu; sự có mặt của họ nói lênsự chung tay của quân dân trong sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ và dựng xây biển đảo quê hương. Thấp thoáng trên mặt biển ngoài xa có những ngư thuyền vươn khơi, thi thoảng có một vài thuyền lớn của ngư dân cập vào âu thuyền để nhờ sự trợ giúp cần kíp tại đảo, hoặc viếng chùa Trường Sa cầu cho gió thuận mưa hòa.

Độ phủ xanh của 2 đảo nổi Trường Sa và Trường Sa lớn và Đá Tây A đang nỗ lực phủ xanh

Có lẽ màu xanh rất đậm đặt của cây trồng như: Cây bàng, bàng vuông, tra, chuối, nhàu, phi lao, bồ đề, …sống được và phát triển bình thường đã làm nên một Trường Sa bề thế và sống động.Một ít loài hoa, địa lan, cỏ dại, hoa giấy, hoa chuối, hoa mướp cũng dần thích nghi với môi trường khắc nghiệt của nắng gió biển khơi.Trên những đám cỏ dại lưa thưa bên đường mọc lên những bông hoa trắng, vàng, hồng nhỏ xíu cũng gợi lên một sức sống mãnh liệt trên đảo đá giữa trùng khơi muôn sóng. Một số vườn rau của các đơn vị đóng trên đảo cũng xanh mướt một cách ấn tượng, nhờ kinh nghiệm chăm bón, bảo vệ, chống gió biển của người trồng, như khẩu đội 37, Bộ đội Biên phòng, Cục 2, hoặc vườn thuốc Nam của Bệnh xá Trường Sa…Rau ngát Nhật, chùm ngây, dàn bầu, dàn  mướp của vườn rau Bội đội Biên phòng TrườngSa nhìn đến mát mắt. Cây phong ba già cội bên Nhà khách Thủ Đô của Trường Sa (lớn) cạnh những vết lở, phần mục của thân cây do môi trường khắc nghiệt của gió biển vẫn đâm chồi, nẩy lộc xanh mơ như thách thức tất cả bằng sức sống phi thường…

Có lẽ Trường Sa Đông là đảo nổi có độ che phủ của cây xanh (bàng, bàng vuông, cây tra) khá lớn; các vườn rau đủ chủng loại; hoa cây cảnh, cỏ dại cũng nhiều nhất trong các đảo chúng tôi đã đến. Kế đến là Đảo Đá Tây A (đảo chìm đã được nâng cấp thành đảo nổi có diện tích khá rộng, có dịch vụ hậu cần nghề cá của Bộ NN&PTNN, có âu thuyền) số lượng cây xanh mới trồng và rất nhiều vườn rau, có cả hệ thống trồng rau trong nhà kín... Các điểm đảo này rau xanh dư dùng quanhnăm, còn chia sẻ cho các đảo chìm lân cận.

Rau xanh ở đảo Trường Sa và Trường Sa Đông đủ cung cấp cho các bữa ăn chiến sĩ

Sau những đợt sóng biển đánh rát, không ít cây trồng như bàng, nhàu, tra bị cháy lá loang lổ, để lại những cành, lá chết thì sau đó có những chồi non bật ra và phủ xanh, sự sống tiếp diễn.Ấn tượng nhất là những thảm rau muống biển bám đất, giữ xanh cho đảo, với trùng trùng tít tắp những nụ tím đầy cảm xúc khi ta tĩnh lặng ngắm nhìn.(ảnh 14)

Diện mạo trên quần đảo Trường Sa nay đã thay da đổi thịt. Vẻ đẹp của Trường Sa không chỉ bởi những sản vật đặc trưng như cây bàng vuông, cây tra, cây muống biển, các vườn rau xanh tắp trên bờ cát, cộng với gió biển ầm ào không ngớt; mà ở các điểm đảo còn có sự khang trang của cơ sở hạ tầng, những công trình phục vụ quốc phòng, trụ sở làm việc, công sự sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ hải quân;doanh trại chính quy, xanh, sạch đẹp, cuộc sống của từng hộ dân, của từng cán bộ chiến sĩ đã được nâng cao.

NGỌC DIÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top