Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những toa tàu đi tới tương lai

Thứ Ba 21/01/2020 | 14:25 GMT+7

VHO- Vào năm tôi sinh con đầu lòng, bế cậu bé hơn ba kg mắt đen láy nhìn mình, tôi bỗng nghĩ đến những toa tàu và quyết định làm nó cho mình và các con như bố mẹ đã từng làm cho tôi. Ba mươi toa cho quá khứ và rất nhiều toa cho tương lai. Nhìn con, tôi cảm nhận được ba mươi năm trước, khi tôi mở mắt chào đời, nằm gọn trong vòng ôm của bố mẹ, chắc hai người cũng có những cảm xúc diệu kỳ như tôi lúc này.

Gói bánh chưng. Ảnh: Mai Quốc Cách

Và, lần ngược lại quá khứ, tôi mỗi ngày chất dần tài sản lên những toa tầu quá khứ.  Có thể, mỗi toa khác nhau về những niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, nhưng góc của Tết thì luôn có vẻ giống nhau nhưng thực ra lại khác. Trong mấy cuốn sổ ghi nhật ký của bố mẹ, Tết luôn được viết lại khá kỹ, đầy cảm xúc. Những Tết trong chiến tranh, rồi Tết của Hoà bình, phần lớn những năm 60-70 của thế kỷ trước Tết luôn khiến đời sống của mọi người trải qua nhiều thái cực.

“Đêm Giao thừa 1971. Thế là con gái thân yêu ra đời đã được 5 mùa Xuân.

 Mùa xuân đầu tiên đến với con trong khe Hùm vùng đông - bắc  Quảng Ninh, giữa lúc giặc Mỹ đánh phá miền Bắc và Vùng Mỏ ác liệt. Tuy vậy, bố mẹ và con vẫn ăn Tết rất đầm ấm, hạnh phúc, vẫn có hoa Đào trong ngôi nhà tranh nho nhỏ giữa rừng, tựa vào một dãy núi đá sừng sững dày đặc sương mù. Một cái Tết chiến khu đầu tiên của đời con. Không biết đời con còn bao nhiêu cái Tết chiến khu nữa hay chỉ có cái Tết đầu tiên và cuối cùng để đi vào kỷ niệm của con!

Mùa xuân thứ Hai: Con về sống ở Thủ đô với bà ngoại - cũng trong chiến tranh ( đi sơ tán ở Hà tây, về Hà nội ăn Tết rồi tiếp tục sơ tán) - một cái Tết nghèo, vất vả...Nhưng mùa Xuân này có một niềm vui nức lòng cả nước cũng như gia đình mình, là miền Nam nhất loạt nổi dậy tổng tấn công và thắng lớn!

Mùa xuân thứ Ba: Con ăn Tết hòa bình ở Thủ đô ( giặc Mỹ đã phải chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc gần 10 tháng) ...

Mùa xuân thứ Tư: Hà nội hòa bình, con đã hơn 3 tuổi. Gia đình ta vẫn trong cảnh nghèo túng. 28 Tết mẹ con mang đôi dép đi bán lại lấy tiền mua sắm Tết...

Và, hôm nay là mùa xuân thứ Năm của con. Tối bố mẹ đèo con ra Bờ Hồ xem nhân dân vui Tết. Hà nội người đông như đi hội. Con vui và bỡ ngỡ. ... Mẹ mới đan cho con chiếc áo len mới...

... Giao thừa đêm nay là hai cái Tết vắng tiếng Bác Hồ. Ba mùa xuân trước, con cũng nghe lời Bác nhưng con còn bé quá, nay con lớn hơn bắt đầu hiểu biết thì Bác không còn nữa...”.

Bố tôi là cán bộ miền Nam tập kết, gặp mẹ lúc đang làm báo (nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú) và nên duyên khi hai người cùng công tác ở Quảng Ninh. Tôi sinh ra trong mưa bom bão đạn, khó khăn vật chất vô cùng nhưng tinh thần tiến lên phía trước của bố mẹ cũng như tất cả người dân miền Bắc thời đó không gì lay chuyển. Mỗi năm, bố mẹ dù đi công tác, hay bận sự nghiệp tới đâu, cũng dành chút thời gian trong ngày để ghi nhật ký. Với tôi, đấy không còn đơn giản là những trang nhật ký viết cho tôi, mà nó mang dấu ấn lịch sử một thời máu lửa của cả dân tộc.

Thực tế cuộc sống không thực ra đáng sợ như đôi lúc ta tưởng tượng. Khi còn trẻ người ta ước nhiều thứ và nghĩ sẽ làm nó rất đơn giản. Tôi ngộ ra điều đó khi đọc nhật ký của bố mẹ, và  trải nghiệm cuộc đời của chính mình. Và, Tết luôn mang đến sự diệu kỳ, khiến con người tái sinh sau một năm buồn vui, thành đạt hay thất bại. Ghi nhật ký là cách giữ lại chính mình bởi cuộc đời vốn ko thể đoán trước.

Bây giờ, mọi người ăn bánh chưng, canh măng bóng miến “sáu đĩa ba bát” kiểu cỗ truyền thống quanh năm. Dịch vụ trọn gói từ cỗ Tết, cỗ ăn hỏi, cưới hay sinh nhật. Hiếm dần những phong tục Tết xưa như cuối năm đi tảo mộ ông bà cụ kị, rồi ngày mùng Một đi thăm chúc Tết người cao tuổi trong nhà. Mọi người chuyển sang đi Chùa cầu An ngày mới năm mới, và kéo luôn cả tháng Giêng. Xu hướng ăn Tết nghỉ ngơi đi chơi ngày càng phát triển, khiến khoảng cách thế hệ đã xa càng xa. Mỗi thời mỗi khác. Tất nhiên rồi, nhưng giữ được cốt cách Tết xưa, chắc chỉ còn ở đêm Giao thừa với những màn pháo hoa ngày càng đẹp nổ bung chục sắc màu. Ai cũng hối hả những ngày cuối năm, mua sắm, dọn nhà, trả nợ cũ, để làm sao khi thời khắc đầu tiên đến, dù cụ ông cụ bà, trung niên hay những đứa trẻ cũng đều tươi mới. Và, ngóng pháo hoa...

Còn tôi,  mỗi giao thừa tới, và qua, toa tàu lại thêm dài bởi ký ức đã qua, và ước mong ngày mai tươi đẹp sẽ đến.

Và, ghi nhật ký, là điều sẽ đi cùng mãi trên chặng đường đời, như sự tiếp nối về những giai đoạn lịch sử những tháng năm này, cũng là lời nhắn gửi lại cho con cháu mình, để sau này, dù đời sống hiện đại có đổi thay đến đâu thì quá khứ một thời của ông bà cha mẹ vẫn không đứt rời.

Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top