Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Với tôi đó là nhớ về quê hương”

Thứ Sáu 24/01/2020 | 13:59 GMT+7

VHO- Cộng đồng người Việt ở Australia hằng năm đều tổ chức những hội chợ tết, lễ giỗ tổ, trung thu… Trong những dịp này chúng ta đều thấy rất nhiều hình dáng chiếc áo dài và nón lá. Cộng đồng người Việt ở đây đã bỏ ra nhiều tâm huyết và công sức để khuyến khích việc mặc trang phục truyền thống bằng cách miễn vé vào cổng hoặc giảm giá trong những dịp sinh hoạt văn hóa truyền thống này.

Tác giả viết thư pháp ở Hội chợ Tết Bankstown

Tuy nhiên, là một thành viên của cộng đồng người Việt sống lâu năm ở Australia, tôi thấy có một hiện tượng xuyên suốt ở những cộng đồng người Việt ở hải ngoại là khái niệm trang phục truyền thống đang còn mơ hồ và mờ nhạt.

Giả dụ, khi ta nói đến trang phục truyền thống thì nhiều người có suy nghĩ mặc định là hình ảnh áo tứ thân, áo bà ba, chiếc áo dài nữ ôm sát, chiếc áo dài nam rộng tay và những chiếc khăn đóng sặc sỡ. Ngoài việc “danh mục” trang phục này còn rất đơn điệu thì nó còn tạo ra nhiều ngộ nhận về trang phục truyền thống Việt Nam. Bằng những việc làm cụ thể của mình, chúng tôi đang nỗ lực để khắc phục sự đơn điệu của “danh mục” đó  bằng cách tổ chức trưng bày sự đa dạng của trang phục truyền thống nam, chẳng hạn như các loại áo ngũ thân tay chẽn để mặc thường nhật, áo tấc cho việc lễ, áo sa cho mùa hè, áo đoạn cho mùa đông, quần lá tọa mặc lúc nhàn rỗi… Kể về khăn thì có cách vấn khăn kiểu chữ nhân, kiểu họng heo, vấn rối… Sự đa dạng kỳ thực trong kho tàng trang phục truyền thống của Việt Nam là rất lớn mà để kể hết về nó thì chắc cũng cần rất nhiều giấy mực.

Cộng đồng người Việt ở Australia hướng đạo vui Tết trong trang phục truyền thống

Ngoài việc trưng bày sự đa dạng, chúng tôi còn cố gắng trưng bày những nét tinh tế của trang phục truyền thống. Vấn đề hiện nay là các loại áo dài nam may sẵn đang khá phổ biến. Ngoài việc nó luộm thuộm, mất đi hầu hết các tích góp kỹ, mỹ thuật của tiền nhân thì nó còn nghèo nàn về mặt triết lý. Hệ quả là việc mặc những bộ áo này trở nên vô cùng vô lý trong con mắt của giới trẻ hiện nay. Nhiều em nhỏ đã gọi cái khăn đóng sặc sỡ của những chiếc áo dài may sẵn đó là cái “xửng điểm tâm”, và rằng nó trông rất “buồn cười”. Có một thực tế là thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở đây không thích loại trang phục này vì các em không muốn bị chế giễu, các em chỉ mặc khi bị phụ huynh thúc ép. Hiện tượng này không có gì đáng ngạc nhiên vì kỳ thực ngoài việc loại trang phục này quá sặc sỡ và luộm thuộm thì nó vốn là trang phục của sân khấu tuồng.

Để khắc phục điều đó, chúng tôi đã cố gắng cho các em mặc thử những chiếc áo ngũ thân truyền thống may đúng tiêu chuẩn thẩm mỹ chắt lọc được của dân tộc. Chúng tôi liên hệ và có được những trang phục này bởi những người thợ trẻ tâm huyết và tài năng từ trong nước như bạn Trần Nguyễn Trung Hiếu. Thật tuyệt là những chiếc áo đó không những người nước ngoài nhìn vào cảm thấy đẹp và độc đáo mà các bạn trẻ của chúng ta cũng cảm thấy tự tin và tự hào hơn khi mặc lên nó.

Áo tấc và dài ngũ thân ở Hội chợ Tết Bankstown

Tôi nói lên những suy nghĩ và thực tế này để thấy rằng, tất cả những việc này không khó để làm và các bạn trẻ của chúng ta đang làm rất tốt. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà hiện nay những nỗ lực ấy còn đơn lẻ, tự phát và chưa liên kết được với nhau. Nhóm Đình làng Việt đã tạo nên một nhịp cầu rất hữu ích để nối các cá nhân yêu thích và muốn quảng bá văn hóa nước nhà ra thế giới qua trang phục truyền thống. Có lẽ một ngày nào đó cũng trên nền tảng này, chúng ta có thể có một cộng đồng người Việt hải ngoại am hiểu nền văn hóa truyền thống nước nhà hơn, cũng như  có đủ thông tin, hiện vật trang phục để giới thiệu cho bạn bè thế giới, cho thế hệ người Việt sinh ra ở hải ngoại sau này về chiều sâu và những nét nhân văn trong trang phục truyền thống của dân tộc.

Mặc áo dài ngũ thân, với tôi đó là một con đường để nhớ về quê hương, nguồn cội. Tết này, nhận lời với Đình làng Việt, tôi sẽ về Việt Nam dự Tết Việt, tất nhiên là với áo dài ngũ thân!

Việt kiều Ngô Trần Thiện Toàn

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top