Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đường may vỗ về áo ngũ thân trở lại

Chủ Nhật 26/01/2020 | 13:52 GMT+7

VHO- Theo chân CLB Áo dài nam truyền thống Đình làng Việt trong một buổi điền dã vào một ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã đến thăm làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá huyện Ứng Hòa (Hà Nội), nơi từ xa xưa đã có những người thợ may với đôi bàn tay vô cùng khéo léo, qua nhiều thế kỷ đã tạo nên những tà áo dài truyền thống tôn lên vẻ đẹp thướt tha, kín đáo, dịu dàng của phụ nữ Việt Nam.

Nay, Trạch Xá lại là ngôi làng duy nhất ở miền Bắc có sự hiện diện của nghệ nhân tâm huyết, đau đáu với những giá trị truyền thống của cha ông và đang hằng ngày góp phần làm hồi sinh chiếc áo dài ngũ thân…

Nghề cha truyền con nối

Chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân Đỗ Minh Thường (tên thường gọi là Đỗ Minh Tám), người đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề may áo dài truyền thống. Ông cũng là người rất tâm huyết trong việc phục dựng lại áo dài cổ cùng với CLB áo dài nam Đình làng Việt. Căn nhà giản dị, mộc mạc nhưng là nơi lưu giữ bí quyết nghề may áo dài cổ, và hằng ngày đã may rất nhiều trang phục áo dài ngũ thân cho các khách hàng nghe “tiếng lành đồn xa”. Đôi tay vân vê tà áo, nghệ nhân Đỗ Minh Tám kể về lịch sử của làng may áo dài Trạch Xá và cơ duyên để ông ngày hôm nay là nghệ nhân hiếm hoi ở làng nghề vẫn giữ gìn những bí quyết, công thức may những sản phẩm áo dài ngũ thân dành cho nam giới.

“Từ xưa đến nay, người dân làng Trạch Xá thường bôn ba tứ xứ để làm nghề. Chỉ cần một tay nải, trong có cái thước, cái kéo, cái vạch cùng cây kim, sợi chỉ là họ có thể làm được nghề này ở khắp mọi nơi. Thời cụ nội tôi đã có tiệm may ở phố Bát Sứ (Hà Nội), có thời điểm trong tiệm có đến 50 người làm. Năm 1954, Nhà nước có chính sách vận động người dân hồi hương, cụ và ông nội của tôi đã quay trở về quê hương…”, nghệ nhân Tám ôn lại ký ức.  Như bao đứa trẻ khác ở trong làng, khi mới lên 8 tuổi, ông Tám đã bắt đầu học cầm kim phụ giúp bố mẹ những việc phụ vặt như đính khuy, khâu những công đoạn đơn giản. Đến khi học xong phổ thông, mặc dù có ước mơ được đi học đại học và đã thi đỗ Đại học Ngoại ngữ nhưng ông không thể đi học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình. Vốn đã có sẵn lòng nhiệt huyết với nghề may, những đường kim mũi chỉ đã ngấm vào trong máu nên ông Tám quyết tâm đi theo nghề truyền thống của cha ông.

“Các cụ ngày xưa hoàn toàn không dùng máy may, tất cả các công đoạn để hoàn thành một chiếc áo dài đều được làm hoàn toàn thủ công bằng tay. Thời đó phải mất đến 4, 5 ngày mới có thể may xong một chiếc áo dài. Bây giờ, nhờ có công nghệ hiện đại hơn nên năng suất làm việc cũng được hỗ trợ. Tuy nhiên, để giữ nghề truyền thống, nét riêng làm nên thương hiệu áo dài Trạch Xá thì máy may cũng chỉ hỗ trợ 20% công đoạn, còn lại 80% vẫn được làm thủ công…”, nghệ nhân Đỗ Minh Tám chia sẻ. Kể đến đây, ông hồ hởi khoe với chúng tôi về kỹ thuật khâu kim tay dọc mà chỉ riêng làng Trạch Xá mới có. “Ưu điểm của kỹ thuật này là đường kim mũi chỉ đều và tà áo rất mềm mại, đúng phong cách áo dài truyền thống mà các người xưa truyền lại. Các cụ có câu thơ: “Trong dán hồ, ngoài phô trứng rận”. Nghĩa là bên trong không thấy mũi kim nào còn bên ngoài phô từng mũi ra rất đều, tựa như trứng của các con rận”, nghệ nhân có gương mặt hiền lành cười nói.

Rồi ông cũng tâm tư. Học và yêu nghề là thế, nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường đã ít nhiều làm phai nhạt hình ảnh áo dài truyền thống. Tà áo dài truyền thống có lúc trở nên xa vắng, không còn được ưa thích nên số lượng người đặt may gần như không có. Gánh nặng lo toan của cuộc sống bộn bề khiến cho nhiều người làm nghề may áo dài ở Trạch Xá buộc phải chuyển hướng sang may áo dài cách tân, trong đó có ông.

“Vì những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, màu sắc đa dạng nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống, nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian”, nghệ nhân Đỗ Minh Tám trăn trở.

Cứ thấy ai đó mặc áo ngũ thân là thấy vui lắm!

“Trăn trở và mong muốn góp chút sức mình bé nhỏ để đẩy lùi thực trạng thời trang hiện đại lấn át truyền thống, cách đây 2 năm, năm 2017, anh Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình làng Việt có tìm về Trạch Xá gặp tôi và đề nghị cùng với nhóm phục dựng lại áo dài cổ. Đặc biệt, nhóm Đình làng Việt đề nghị tôi tìm lại những công thức, kỹ thuật truyền thống để may áo dài ngũ thân dành cho nam giới. Đề nghị của một nhà nghiên cứu trẻ khiến tôi cảm thấy rất bất ngờ, và dường như đã chạm đến nỗi niềm sâu kín trong tôi bấy lâu. Tình yêu nghề, trân trọng giá trị truyền thống của cha ông mà tôi đã cất giữ, nay đã được những con người tâm huyết trong nhóm Đình làng Việt khơi gợi lại. Bất chợt rất nhanh trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ, đây chính là cơ hội của mình để được sống lại với vốn cổ của cha ông, để được giành trọn đôi bàn tay và tâm trí cho niềm đam mê của những người thợ yêu nghề, bấy lâu bị guồng quay kinh tế thị trường chôn giấu. Một lời đề nghị mà giúp tôi có nhiều  động lực để từ đó, tôi quay lại may những sản phẩm áo dài ngũ thân”, nghệ nhân Đỗ Minh Tám kể.

Nhưng quay trở lại cũng không đơn thuần thuận lợi. Con đường phục dựng lại kỹ thuật may áo dài cổ bước đầu cũng gặp không ít khó khăn. Ông Tám cho biết, một số kiến thức do đã bỏ quá lâu nên bị mai một, các kỹ thuật khâu, đính khuy ngày xưa hầu như không còn ai làm. “Nhưng rất may tôi đã may mắn được các cụ cao tuổi trong làng chỉ dạy lại, nhiều kỹ thuật ngày xưa tôi đã từng bước học và mày mò tìm lại”, ông nói. Chia sẻ về các công đoạn, thời gian và giá thành khi may một sản phẩm áo dài ngũ thân hoàn thiện, nghệ nhân Đỗ Minh Tám cười hiền: “Tôi tâm niệm muốn tạo sức sống trở lại, nhân rộng việc người dân ngày càng yêu thích và mặc áo dài ngũ thân thì áo may phải chuẩn, phải đẹp, nhưng giá thành không được cao. Dù đã có sự hỗ trợ về máy móc, rút ngắn thời gian may áo so với trước đây nhưng nền tảng truyền thống không cho phép tôi vội vàng. Mỗi đường may chính là một sự vỗ về để thế hệ hôm nay cùng nhau quay trở về nguồn cội xa xưa, thông qua biểu tượng là chiếc áo dài. Vì thế, thời gian hoàn thiện một chiếc áo dài ngũ thân mất khoảng 2 ngày, nhưng giá trung bình chỉ khoảng 300.000đ thôi. Tôi cố gắng giảm tối đa chi phí thực hiện với mong muốn sản phẩm áo dài cổ được biết đến rộng rãi, được lan tỏa trong cộng đồng”.

Với tâm huyết đó, sau một thời gian miệt mài, việc phục dựng lại áo dài ngũ thân dành cho nam giới đã có nhiều khởi sắc. Nghệ nhân Tám vui vẻ nói, cứ nhìn thấy ai đó mặc áo dài ngũ thân là ông vui lắm. Làng Trạch Xá từ sau khi có cuộc ngược dòng của áo dài nam truyền thống cũng sôi nổi hẳn lên. Ngôi nhà nhỏ của ông không lúc nào ngớt việc, ngày càng nhiều đơn đặt hàng may áo ngũ thân khắp trong Nam ngoài Bắc, trong nước và nước ngoài gửi về.

“Cuối năm ngoái, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đặt may cho toàn bộ nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mỗi người một chiếc áo dài. Ông cũng là người quảng bá hình ảnh áo dài nam ra thế giới rất nhiều. Trong nước, cũng có  một số thành viên của nhóm Đình làng Việt  đã tìm đến tôi hoặc gửi đơn đặt hàng. Có những người còn vận động cả dòng họ của mình may áo dài để mặc những dịp lễ Tết. Nhiều người khi sắp đi nước ngoài đều muốn may áo dài và muốn mặc áo dài ra nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt. Từ khi bắt đầu phục dựng lại áo dài cho đến nay số lượng người có nhu cầu may đã tăng dần theo cấp số nhân…”, nghệ nhân cho biết.

Tiễn chúng tôi ra cổng, nghệ nhân Đỗ Minh Tám tâm sự: “Tôi luôn nghĩ nghề may là một nghề đáng trân trọng vì các cụ ngày xưa có dạy: “nhất ăn, nhì mặc”. Nếu làm đẹp được cho xã hội thì đó là niềm tự hào rất lớn, là ước mơ ấp ủ của tôi từ khi bắt đầu làm nghề. Khi làm được một sản phẩm đẹp cho một người khách hài lòng, tôi cảm thấy rất vui và tự hào”.

Tổ nghề may ở làng Trạch Xá là bà Nguyễn Thị Sen, một bà phi của vua Đinh Tiên Hoàng, người đã học nghề may trong cung rồi truyền dạy cho các cung nữ. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, bà Nguyễn Thị Sen cùng con trở về làng Trạch Xá. Tại đây, bà đã truyền nghề cho dân làng. Kể từ đó, nghề may được “cha truyền con nối”, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng Trạch Xá.

Nghiêm Thanh; Ảnh: Trần Huấn

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top