Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những người ngược dòng tìm về nguồn cội

Thứ Bảy 25/01/2020 | 13:44 GMT+7

VHO- Một ngày, trên những con phố xinh của Hà Nội, bên Hồ Gươm dịu dàng hay dưới những mái đình cổ kính rêu phong, người qua đường bất chợt ồ à, thích thú bắt gặp hình ảnh những người đàn ông khoan thai bước đi với trang phục áo dài nam truyền thống.

Vấn khăn. Ảnh: Trần Huấn

Hút mắt nhìn, níu giữ bước chân người lữ khách, và cả những ống kính tele chụp vội, áo dài ngũ thân của người Việt đang hiện diện như một lát cắt sinh động, thú vị trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại.

Nhưng ít ai biết được phía sau những khuôn hình gợi nhắc dòng chảy văn hóa truyền thống xa xưa ấy còn có những gian nan, còn nhiều gánh nặng của những người tâm huyết, ngược dòng tìm về nguồn cội.

Theo chân áo dài điền dã

Một ngày cùng CLB Áo dài Nam truyền thống của nhóm Đình làng Việt điền dã di tích lịch sử văn hóa như đình Khê Hồi, Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi tận mắt chứng kiến cái cách mà những người đàn ông đau đáu với các giá trị văn hóa truyền thống này quảng bá, lan tỏa  hình ảnh áo dài nam truyền thống vào đời sống. Nhóm điền dã hôm ấy có nhiều gương mặt đã tạo dấu ấn trong nhiều lĩnh vực như TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thế giới; họa sĩ Nguyễn Thế Dân, nghệ danh “Dân dây điện”; vợ chồng họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, “trưởng thôn” Đình làng Việt; các nhà văn, thầy giáo, doanh nhân... đa phần còn rất trẻ.

Nhóm tập kết trước cửa đình Khê Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Tôi gặp TS Trần Đoàn Lâm tươm tất, chỉn chu trong bộ áo dài sắc xanh khăn vấn. Vị Giám đốc thành thạo nhiều thứ tiếng, luôn túi bụi công việc nhưng vẫn sắp xếp để  tham gia chuyến điền dã. “Tôi không thể vắng bởi mỗi chuyến đi đều  có tình yêu, có sự đam mê và tâm huyết với những biểu tượng, giá trị văn hóa truyền thống mà nhóm chúng tôi theo đuổi lâu nay. Dù hiện tại, tình yêu và niềm đam mê ấy vẫn đang gom trong một phạm vi nhỏ của Đình làng Việt nhưng tôi tin rằng, áo dài ngũ thân với những  nét đẹp truyền thống sẽ hội tụ và lan tỏa...”, Giám đốc NXB Thế giới bộc bạch.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình làng Việt, người khởi xướng và thúc đẩy niềm đam mê của nhóm áo dài nam truyền thống, cũng là nhân tố thường tạo ra các sự kiện quảng  bá  áo dài Việt trong thời gian qua. Trong bộ áo dài ngũ thân màu vàng dân dã, “trưởng thôn”  thoăn thoắt vấn khăn cho một thành viên trong nhóm, anh nói: “Thoạt nhìn sẽ nghĩ đơn giản nhưng không đơn giản chút nào đâu. Hình ảnh của áo dài nam trở về trong đời sống hôm nay dù còn mờ nhưng là kết quả mà những người trong cuộc đã dành rất nhiều thời gian, công sức”.

CLB Áo dài Nam truyền thống trong thời gian qua đã nuôi dưỡng ý tưởng đưa áo dài ngũ thân trở lại đời sống đương đại. Nhóm đang từng ngày nhân rộng và tỏa lan thông điệp quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc qua biểu tượng áo dài, với các sự kiện văn hóa như in lịch quảng bá áo dài; các chương trình bảo tồn văn hóa truyền thống như Câu then Việt Bắc, Tết Việt... Đặc biệt, hàng chục chuyến điền dã ấn tượng đến các di tích khắp trong Nam ngoài Bắc do nhóm Đình làng Việt tổ chức cũng  đều có sự đồng hành của áo dài nam. “Từ  năm đầu tiên Tết Việt được tổ chức ở đình làng So, khi đó chỉ có lác đác bóng áo dài, đến Tết Việt năm nay, chắc chắn hình ảnh của áo dài ngũ thân sẽ “phủ” trong các hoạt động ở sự kiện đặc biệt này”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

“Khi tham gia Đình làng Việt và đồng hành với  các sự kiện văn hóa quảng bá  áo dài ngũ thân, sự lúng túng đó với tôi đã không còn nữa. Mặc áo dài, chúng tôi tự ý thức đó là văn hóa, là bản sắc dân tộc mà ông cha đã để lại. Trách nhiệm của người trẻ hôm nay là phải giữ gìn, tôn vinh những giá trị đó”, nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa tâm sự.

Gánh nặng” ngược dòng

“Có một thực tế là sau mỗi chuyến điền dã, chụp ảnh, đăng hình nhóm mặc áo dài ngũ thân trên báo hay mạng xã hội, CLB Áo dài nam của Đình làng Việt lại nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn nhờ tư vấn chọn vải, hướng dẫn cách may, địa chỉ may... Nhiều bạn trẻ tâm sự , họ  thích mặc áo dài bởi nét riêng không trộn lẫn, nhưng lại không biết phải mặc thế nào cho đúng. CLB áo dài nam truyền thống  đã trở thành địa chỉ để giải đáp những trăn trở đó...”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết.

Anh nhớ lại thời điểm năm 2015, khi bắt đầu tiếp cận với áo ngũ thân. Với việc nghiên cứu trang phục cổ trong các phim điện ảnh có đề tài lịch sử  như Lều chõng, Long thành cầm giả ca, Trò đời..., họa sĩ Nguyễn Đức Bình cùng các đồng nghiệp là họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế đã thốt lên: “Ồ hay quá!”. Từ đó, “trưởng thôn” của ngôi đình có đến hàng ngàn thành viên này bắt tay vào nghiên cứu. Lờ mờ trong tâm trí anh hiện lên hình dung về một cuộc ngược dòng của áo dài Việt, dù biết trước sẽ rất gian nan và thậm chí, còn là gánh nặng dành cho những kẻ đa mang.

Điền dã quảng bá áo dài truyền thống. Ảnh: Trần Huấn

“Nhóm nghiên cứu thấy rằng, không chỉ bộc lộ nét tinh tế và sự sang trọng, bản lĩnh, cốt cách đàn ông Việt trong thiết kế, kiểu dáng mà ngay trong  cách mặc, áo dài nam cũng có đặc thù. Trước đây chưa nhà nghiên cứu nào chú ý đến vấn đề này. Chẳng hạn như việc phải mặc một lớp áo lót màu trắng bên trong, đầu quấn khăn màu đen. Chúng tôi thử nghiệm và rồi tất cả đều phải thốt lên, thì ra các bậc tiền nhân đã ăn vận rất sang trọng và tinh tế”, “trưởng thôn” chia sẻ.

Có một thực tế là trước khi có sự vận động phục dựng lại việc mặc áo dài nam của Đình làng Việt, lẻ tẻ đã có một số người mặc áo dài, nhưng lại theo phong cách mới, cải biên không  đúng truyền thống, thậm chí mang sắc màu sân khấu hóa, lòe loẹt, không thể hiện được bản sắc văn hóa của đàn ông Việt. Trước thực tế đó, nhóm  đã quy tụ một số thành viên tâm huyết cùng nhau mày mò nghiên cứu, phục dựng và mở đường trở lại cho những tấm áo ngũ thân.

Tâm trạng đau đáu của một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ  thôi thúc, khiến họa sĩ Nguyễn Đức Bình dành khá nhiều thời gian, tâm sức, tiền bạc cho công việc này. Trong mọi tài liệu liên quan đến áo dài nam, hầu như chỉ đề cập đến lịch sử chiếc áo, còn việc áo dài nam đẹp như thế nào thì không có sách vở nào đề cập. Thiếu thốn đó  khiến cho những “bản phiên” được các nhà thiết kế đương đại may hầu như đều sai lệch. Chẳng hạn, tà áo xưa may rộng để thể hiện sự khảng khái, bệ vệ, oai nghiêm của đàn ông thì nay lại may rất hẹp, khép nép như phụ nữ. Bản sắc trên áo dài nam không chỉ thể hiện phong thái, bản lĩnh đàn ông Việt mà còn là đặc trưng của văn hóa ứng xử, vừa tinh tế, khiêm nhường, vừa lịch lãm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói, bây giờ nhiều nhà thiết kế tìm cách cải tiến, thực chất lại là “cải lùi” nét đẹp trên áo dài nam. Nhiều nơi may liền khổ vải, không ghép vải, không có gân áo tạo độ cứng..., cách may này chỉ nhanh nhưng đi ngược lại giá trị thẩm mỹ truyền thống mà các bậc tiền nhân đã tạo nên trên dáng áo. Một số nhà thiết kế còn tìm cách để khắc phục chuyện giống áo nữ bằng cách vẽ rồng vẽ phượng, tạo hoa văn rất to trên ngực áo, nhưng vô tình lại khiến áo ngũ thân trở thành lòe loẹt… Trăn trở trước thực tế này, suy tính làm thế nào để đưa áo dài quay lại, nhóm Đình làng Việt đã tìm đến làng nghề may áo dài Trạch Xá, đặt vấn đề với nghệ nhân nắm giữ “bí quyết” truyền nghề của cha ông để hợp tác.

“Tiếc nuối những giá trị truyền thống đã mai một, nhóm Đình làng Việt chấp nhận sự vất vả ngược dòng để áo dài ngũ thân sẽ quay trở lại. Sự gián đoạn quá lâu trong lịch sử khiến cho áo dài nam trở nên xa lạ, ngại ngần ngay trong tâm thức của cộng đồng. Đó chính là một rào cản mà  chúng tôi sẽ phải rất cố gắng để vượt qua...”, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình.

Mặc áo dài để mọi người  biết: Tôi đến từ Việt Nam!

Những ai đồng hành với các hoạt động phục dựng áo dài nam của  Đình làng Việt hẳn chưa quên cách xuất hiện của Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Konstatin Vnukov trong hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam 23.11 tại phố cổ Hà Nội. Trong trang phục áo dài nam truyền thống được may theo tư vấn của nhóm nghiên cứu Đình làng Việt, mọi ánh nhìn hôm đó đều hướng về ngài Đại sứ.

Trong hành trình ngược dòng, nhóm Đình làng Việt cũng đã nhiều lần nhận được sự hưởng ứng đặc biệt từ những nhân vật cũng rất đặc biệt khác. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình kể, có lần cả nhóm được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam mời đến nhà riêng biểu diễn, và tất nhiên họ đến với áo dài. Đại sứ Mỹ ngạc nhiên: “Các bạn mặc đẹp thế!”. Ông chia sẻ rằng từng biết rất nhiều về áo dài Việt nhưng lại hoàn toàn không hay áo dài nam truyền thống mặc đẹp thì phải như thế nào.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu là một nhân vật đặc biệt khác của Đình làng Việt, ông luôn dành thời gian đồng hành với các hoạt động quảng bá áo dài truyền thống của Đình làng Việt mỗi khi có dịp. Nhiều người yêu mến gọi ông là “Đại sứ áo dài”. Đại sứ Phạm Sanh Châu vẫn thường kể lại câu chuyện khi ông làm Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, trong một sự kiện ông đã chọn mặc áo dài truyền thống. Sự khác biệt đã khiến các ống máy quay, máy ảnh đều hướng về ông. Ngày hôm sau, hình ảnh vị Đại sứ trong trang phục áo dài Việt đều hiện diện trên trang nhất của nhiều tờ báo uy tín. Sau này, trong rất nhiều sự kiện văn hóa tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, Đại sứ Phạm Sanh Châu đều chọn áo dài ngũ thân để mặc.

Đại sứ Phạm Sanh Châu từng nói: “Trang phục áo dài nam truyền thống rất đẹp. Và tôi đam mê vẻ đẹp đó”. Đó cũng chính là lý do khiến ông  thường xuyên mặc áo dài trong các nghi lễ ngoại giao. Đại sứ chia sẻ: “Tôi mặc áo dài để thế giới nhận diện rõ nét hơn con người Việt Nam, bản sắc Việt Nam”. Niềm đam mê của Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng gợi nhớ đến một câu nói của cố GS âm nhạc Trần Văn Khê, người nhiều năm sống xa quê hương nhưng thường xuyên mặc áo dài: “Chỉ cần mặc tấm áo này, mọi người đều biết tôi đến từ Việt Nam!”

Còn với những thành viên của CLB Áo dài nam truyền thống Đình làng Việt, mong muốn đưa trang phục áo dài trở về đời sống thường nhật, vài năm qua, những người đàn ông trong nhóm đã  miệt mài với các hoạt động điền dã, quảng bá  áo dài tại nhiều địa danh như phố cổ Hà Nội, Hồ Gươm, Văn Miếu, Việt phủ Thành Chương, cố đô Huế, đô thị cổ Hội An... và đặc biệt, là những hoạt động quảng bá bản sắc áo dài dưới những mái đình cổ kính, rêu phong. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết, với tâm huyết của những người trẻ nặng lòng với văn hóa nguồn cội, CLB áo dài Nam truyền thống đã cùng chung tay để biểu tượng của văn hóa, lịch sử  truyền thống Việt nhanh chóng trở về trong mọi hoạt động của đời sống thường nhật. Nghiên cứu tư liệu, tìm kiếm nghệ nhân, lặn lội tìm đến những làng nghề làm ra loại vải may phù hợp..., những công sức nhỏ nhoi đang gom thành khát vọng giúp hồi sinh chiếc áo truyền thống, vóc dáng văn hóa của người đàn ông Việt trong đời sống hôm nay.

Nhóm nghiên cứu thấy rằng, không chỉ bộc lộ nét tinh tế và sự sang trọng, bản lĩnh, cốt cách đàn ông Việt trong thiết kế, kiểu dáng mà ngay trong  cách mặc, áo dài nam cũng có đặc thù. Trước đây chưa nhà nghiên cứu nào chú ý đến vấn đề này. Chẳng hạn như việc phải mặc một lớp áo lót màu trắng bên trong, đầu quấn khăn màu đen. Chúng tôi thử nghiệm và rồi tất cả đều phải thốt lên, thì ra các bậc tiền nhân đã ăn vận rất sang trọng và tinh tế

(Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, “trưởng thôn” Đình làng Việt)

 

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top